An ninh thắt chặt tại phiên tòa xét xử vụ lừa đảo và rửa tiền tại Tập đoàn địa ốc Alibaba

Hồng Nguyên - Trung Hậu 08/12/2022 11:27

Sáng nay 8/12, Toà án Nhân dân (TAND) TP HCM đã chính thức mở phiên tòa xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba, liên quan đến hơn 4.300 nạn nhân. Trước giờ diễn ra phiên tòa, hàng trăm cảnh sát đã được huy động để thắt chặt an ninh xung quanh tòa án.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ngay từ lúc 6h sáng toàn bộ các trục đường dẫn đến Tòa án nhân dân TP HCM đều có rất đông lực lượng Công an phường, Dân quân và CSGT đứng chốt chặn, điều tiết giao thông.

Các trục đường dẫn đến Tòa án nhân dân TP HCM đều có lực lượng Công an chốt chặn. (Ảnh: Hồng Nguyên).

Phía bên ngoài cổng chính tòa án có rất nhiều người dân và lực lượng youtuber ngồi "ken chặt" các quán cà phê trên tay cầm sẵn thiết bị ghi hình chờ sẵn, lực lượng chức năng phải kéo hàng rào bảo vệ.

Đúng 7h30 đoàn xe chở các bị cáo trong vụ án cùng với lực lượng cảnh sát thi hành án lần lượt được đội CSGT Tuần Tra Dẫn Đoàn thuộc phòng (PC08) hộ tống đến toàn.

Bên ngoài cổng chính tòa án có rất nhiều người dân và lực lượng youtuber ngồi chờ tới giới diễn ra phiên tòa đều chật kín chỗ. (Ảnh: Hồng Nguyên).

Phía bên trong sân tòa án, có 3 nhà bạt và 1 màn hình hình LED cỡ lớn đã được lắp đặt. Khu vực hàng ghế ngồi xem xử án thông qua màn hình có sức chứa lên tới 2.000 người đều chật kín chỗ.

Các phóng viên báo chí muốn vào tác nghiệp đều phải đăng ký từ sớm với Toà án nhân dân TP HCM để được cấp thẻ tác nghiệp.

An ninh được thắt chặt trước, trong và xung quanh khu vực xét xử vụ án. (Ảnh: Hồng Nguyên)

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong gần một tháng (8/12/2022-6/1/2023), do thẩm phán Trần Minh Châu làm chủ tọa. Bên cạnh đó, đại diện Viện KSND TP HCM sẽ có 3 kiểm sát viên tham dự phiên tòa, bao gồm các kiểm sát viên Lê Thị Đông, Phạm Văn Hiền và Châu Hoàng Sơn.

Khu vực màn hình led bên trong sân tòa án. (Ảnh: Hồng Nguyên)

Theo ghi nhận của phóng viên, đây là vụ án có nhiều bị hại nhất từ trước đến nay với hơn 4.300 người và các bị hại phân bố đều ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ngoài ra, TAND TP HCM cho biết, hồ sơ vụ án có tới hơn 1 triệu bút lục và để thực hiện xét xử kéo dài, TAND TP HCM đã phải chi hàng tỷ đồng cho công tác tổ chức xét xử vụ án (kéo dài gần 1 tháng).

Để đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình xét xử vụ án, TAND TP HCM quyết định tách thành từng nhóm bị hại tại từng dự án "ma" của công ty Alibaba. (Ảnh: Trung Hậu).

Cụ thể, có hơn 1.400 bị hại tại 8 dự án, bao gồm Alibaba Phước Bình Central Park (104 người); Alibaba Phước Bình Central Park 2 (19 người); Alibaba Phước Thái Capital (5 người); Alibaba Long Phước Industry (114 người); Alibaba Phú Mỹ Central City (196 người);...Nhóm bị hại này dự kiến sẽ tham dự tòa tại phiên xét hỏi từ ngày 13/12 đến ngày 15/12.

Gần 1.800 bị hại được xếp vào nhóm bị thiệt hại tại 9 dự án "ma" của Công ty Alibaba, bao gồm các dự án Alibaba Center Town (26 người); Alibaba Tóc Tiên Residence 3 (130 người); Alibaba Tân Thành Center City (96 người); Alibaba Tân Thành Center City 6 (392 người)....Những người này dự kiến sẽ tham dự phiên xét hỏi từ ngày 15/12 đến 17/12.

Đối với gần 1.500 bị hại tại 25 dự án của Công ty Alibaba dự kiến sẽ tham gia xét hỏi từ ngày 17/12 đến 19/12.

Đối với hơn 2.000 bị hại tại 13 dự án còn lại, bao gồm Alibaba Thắng Hải Newtimes City (508 người); Alibaba Tân Thành; Tân Thành 1 (17 người); Alibaba Bình Châu (5 người); Alibaba Hoàng Gia Residence (137 người); Alibaba LThành+ LTĐ Nai+ LThành (17 người) sẽ tham gia xét hỏi từ ngày 19/12 đến 21/12.

Trong ngày đầu xét xử, HĐXX dành phần lớn thời gian để công bố bản cáo trạng của vụ án.

Đoàn xe chở các bị cáo trong vụ án được CSGT hộ tống đến toàn. (Ảnh: Hồng Nguyên).

Như đã thông tin, vào ngày 12/8 vừa qua TAND TP HCM từng lên lịch xét xử vụ án. Sau đó, tòa án đã phải ra quyết định trả hồ sơ cho Viện KSND TP HCM để đề nghị điều tra bổ sung.

Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba bị cáo buộc vai trò chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo thành lập Công ty Alibaba và các công ty thành viên nhằm mục đích thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp ở các địa phương.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba, là chủ mưu của vụ án (ngồi ngoài cùng từ phải qua).

Sau đó, bị cáo Nguyễn Thái Luyện giao cho người thân, là các bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực trực tiếp đứng tên và xây dựng chiến lược marketing đối với 58 dự án "ma" hoàn toàn chưa thực hiện các thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu,… Thực tế, hầu hết các dự án đều là đất nông nghiệp, chưa được phép phân lô tách thửa, không phải đất thổ cư như Công ty Alibaba quảng cáo.

Các bị cáo bằng nhiều chiêu trò quảng cáo, marketing đất nền dự án có sổ để lừa bán cho hàng ngàn nạn nhân. Theo xác định của cơ quan điều tra, bị cáo Nguyễn Thái Luyện cùng các đồng phạm đã lừa đảo nhiều bị hại để chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 2.260 tỷ đồng./.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An ninh thắt chặt tại phiên tòa xét xử vụ lừa đảo và rửa tiền tại Tập đoàn địa ốc Alibaba

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO