An tâm với ‘vũ khí vaccine’

Đức Trân-Lan Anh 18/05/2021 07:31

Thông tin từ Bộ Y tế, tính đến hết ngày 16/5, toàn quốc đã tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh, thành phố với hơn 979.238 liều cho các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Cũng theo Bộ Y tế, tỷ lệ phản ứng với vaccine phòng Covid-19 của nước ta thấp hơn so với thế giới, phần nhiều là do công tác đảm bảo an toàn được thực hiện rất tốt tại các điểm tiêm chủng.

Chuẩn bị tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, sáng 17/5. Ảnh: Quang Vinh.

Ngày 17/5, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai - một trong những điểm tiêm chủng để ghi nhận về công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 AstraZeneca. Ngay từ cửa ra vào của bệnh viện, hoạt động sàng lọc trước tiêm cũng như việc đảm bảo khoảng cách an toàn, giãn cách giữa người với người tại khu vực tiêm được chuẩn bị rất kĩ lưỡng. Mỗi người đều được phát một phiếu sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, nội dung phiếu bao gồm các câu hỏi liên quan đến tiền sử tiêm phòng, tiền sử các bệnh có thể ảnh hưởng đến tiêm phòng Covid-19.

Những người được chỉ định tiêm ngay hay trì hoãn tiêm

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm cấp cứu A9 (BV Bạch Mai) chia sẻ, ông đã tiêm cho nhiều người vaccine phòng Covid-19. Tất cả các buổi tiêm đã được tổ chức rất kỹ lưỡng. Tất cả người tham gia tổ chức đều được tập huấn và thống nhất các quy trình từ tiếp nhận người đến tiêm, hướng dẫn cách khai, khám sàng lọc để kết luận người đến tiêm có đủ điều kiện để tiêm không? Theo ông Chi sau khi sàng lọc chia thành 4 nhóm, nhóm chỉ định tiêm ngay, nhóm phải trì hoãn tiêm.

“Ví như phụ nữ có thai, cho con bú, đang có bệnh cấp tính, đang dùng thuốc ảnh hưởng đến miễn dịch thì những đối tượng này phải trì hoãn. Bên cạnh đó còn có nhóm tiêm thật chậm trong BV, đó là những người có tiền sử dị ứng, mề đay, phản vệ với các thuốc khác. Cuối cùng là nhóm chống chỉ định là những nhóm trong tiền sử đã từng có phản vệ với vaccine hoặc bệnh nhân đang trong tình thế nặng, xấu, có nguy cơ tử vong thì những người này không được tiêm nữa”, ông Chi cho biết và thêm rằng tại nơi thực hiện tiêm sẽ có bác sĩ chuyên khoa giữ phiếu theo dõi, sau khi tiêm xong người tiêm được ra khu vực theo dõi sau tiêm để các bác sĩ hồi sức cấp cứu kiểm soát chung.

Sau khi hết thời gian theo dõi 1 giờ người tiêm sẽ quay lại bộ phận tiếp xúc để đo lại huyết áp và mạch trước khi rời khỏi điểm tiêm. Người được tiêm sẽ được phát phiếu, trong đó có các nội dung cần theo dõi. Khi về nhà có dấu hiệu thế nào thì phải thông báo lại nhằm đảm bảo an toàn tại nơi tiêm và sau khi tiêm. Người được tiêm phải có liên hệ gắn với bác sĩ hoặc người có trách nhiệm để kiểm soát an toàn.

Đặc biệt, PGS Chi nhấn mạnh về tính hiệu quả và sự an toàn của vaccine đối với người tiêm: “Theo các tài liệu được công bố thì các biến thể virus thuộc chủng mới được công bố thì vaccine AstraZeneca vẫn có hiệu quả”.

PGS Chi đặc biệt lưu ý những trường hợp sự cố không mong muốn về vaccine hoàn toàn có thể xảy ra dù sự cố rất thấp, nhưng nếu có vẫn phải chủ động để giải quyết. Tại những điểm tiêm đều có phòng cấp cứu đặc biệt, chỉ cần khi sàng lọc đo thấy người tiêm huyết cao, những người này cũng được đưa vào phòng cấp cứu đặc biệt để kiểm soát. Còn sau khi tiêm xong xuất hiện triệu chứng bất thường như: Đau đầu, nôn, mẩn ngứa, ù tai, chóng mặt, có người có phản ứng nhẹ thì được bác sĩ chuyên khoa xử lý để đảm bảo an toàn.

Sau khi tiêm xong, mỗi người đều được phát một tờ giấy gồm đầy đủ các thông tin như phòng tiêm, bàn tiêm, tên và số điện thoại của bác sĩ thực hiện tiêm phòng và các dấu hiệu cầu lưu ý nếu thấy xuất hiện sau tiêm. Khi gặp những triệu chứng đó, người tiêm cần liên hệ ngay với bác sĩ để nhận được tư vấn cần thiết.

Nói về các triệu chứng sau khi tiêm, bác sĩ Bạch Văn Hoàn, Phòng ICU (BV Bạch Mai) cho biết, thường các triệu chứng xuất hiện vào khoảng 8-10 tiếng sau tiêm. Khi đó, người tiêm có thể sốt mệt, nhức đầu, đau người, cánh tay tiêm có thể đau 1-2 ngày. Đó là những triệu chứng bình thường. Ông Hoàn cũng lưu ý, chỉ cần mua thuốc hạ sốt để sẵn, uống cách nhau 6-8 tiếng, nếu còn sốt thì uống tiếp để cho đỡ sốt, đau đầu, mua orezon để bù nước cho cơ thể.

Chia sẻ với chúng tôi, nhà báo Đỗ Ngọc Quang, công tác tại Báo Sài Gòn giải phóng cho biết, sau khi tiêm xong, bản thân anh cảm thấy rất bình thường, sức khoẻ khá ổn định. Mũi tiêm được bác sĩ thực hiện nhẹ nhàng, “còn không cảm thấy như kiến đốt”. Trước khi tiêm, anh Quang cũng không cảm thấy hồi hộp hay lo lắng.

“Tôi thấy tiêm là cần thiết, dịch sẽ còn dài, chủ động tiêm phòng được là điều tốt. Chúng ta chủ động phòng tránh để an tâm công tác, nếu như không tiêm thì nguy cơ rủi ro, sức đề kháng yếu sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của mình”, anh Quang nói thêm.

Vẫn cần thực hiện quy định “5K”

Vaccine là loại thuốc rất đặc biệt bởi không chỉ bảo vệ bản thân người được tiêm mà còn cả những người xung quanh. Theo PGS.TS Đinh Vạn Trung, nguyên Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (BV Quân y 108), trong một cộng đồng, nếu tỉ lệ tiêm vaccine hàng loạt lên 70-80% người dân thì cả cộng đồng được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, cụ thể là virus SARS-CoV-2.

Mặc dù vậy, PGS Trung cũng cảnh báo, tiêm phòng vaccine không thể bảo vệ người được tiêm khỏi mắc bệnh. Vaccine cũng như bất kỳ loại thuốc nào, đều có hiệu quả bảo vệ dao động từ 75% đến 90% hoặc 95% mà thôi. Chẳng hạn 100 người tiêm thì chỉ có khoảng từ 75 đến 95 người phòng ngừa được nguy cơ nhiễm bệnh, còn lại từ 5 đến 25 người mặc dù tiêm ngừa rồi vẫn nhiễm bệnh do không tạo ra kháng thể đủ chống lại virus sau khi tiêm. Ngay cả những người đã từng mắc Covid-19 rồi cũng có thể bị mắc lại. Chính vì vậy, việc phòng chống bệnh sau khi tiêm vaccine phụ thuộc vào việc tạo ra lượng kháng thể đủ để chống lại bệnh của mỗi người.

Để bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh, bên cạnh tiêm vaccine phải kết hợp với các biện pháp khác, mà hiện nay “5K” đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả, rẻ tiền, có sẵn và dễ thực hiện. Kể cả những người không có kháng thể hoặc tiêm ngừa rồi không có đủ kháng thể phòng ngừa bệnh thì “5K” sẽ giúp phòng chống nhiễm bệnh.

Đồng tình, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, ở những nước đã tiêm vaccine phòng Covid-19 trên diện rộng, như Israel, hiện vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, các biện pháp khử khuẩn và giữ khoảng cách…

“Virus SARS-CoV-2 lây theo giọt bắn, do đó, đây vẫn luôn là các biện pháp phòng dịch hữu hiệu đầu tiên. Chúng ta phải hiểu rõ vaccine khi tiêm vào sẽ không tạo miễn dịch ngay và đặc biệt chúng ta còn phòng ngừa biến chủng virus, hướng tới miễn dịch cộng đồng với 70% dân số”, ông Phu nói.

GS.TS Nguyễn Văn Chi.

Tối ngày 16/5, Việt Nam đã tiếp nhận thêm 1.682.400 liều của AstraZeneca do Covax Facility tài trợ, để triển khai tiêm chủng đợt 3 trên toàn quốc. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc triển khai tiêm chủng đợt 3 tiếp tục được thực hiện với phương châm tiêm đến đâu an toàn đến đó. Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine qua nhiều kênh khác nhau, làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, đại sứ Việt Nam ở nước ngoài.

Tổng số vaccine mà Việt Nam đã mua, đăng ký là khoảng 170 triệu liều, trong đó số đã ký kết, có cam kết là khoảng 110 triệu liều, gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An tâm với ‘vũ khí vaccine’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO