4 người nhập viện do ăn nhầm lá ngón

Mạnh Hà-Đức Hiếu 12/05/2019 23:00

Ngày 12/5, thông tin từ Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn cho biết, khoảng 20h, ngày 11/5, có 4 bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn trong tình trạng suy hô hấp, tim đập nhanh, có người ngừng tuần hoàn, nếu không xử lý kịp thời sẽ rất nguy hiểm.

Trong đó có 3 người cùng một gia đình là ông Tống Văn Liêm 67 tuổi, bà Ma Thị Luân 65 tuổi, con trai là Tống Văn Triền 44 tuổi, đều trú tại thôn Nà Khuổi, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể và một người khách tên Bùi Thị H 29 tuổi.

Theo người nhà của gia đình ông Tống Văn Liêm, ngày 11/5, gia đình ông Liêm có khách, bà Luân hái rau rừng về làm canh nhưng không biết đã hái nhầm lá ngón. Sau khi dùng bữa, cả 4 người đều bị ngộ độc, nôn mửa và đau đầu. Người nhà đưa 4 người lên Trung tâm Y tế huyện Ba Bể cấp cứu nhưng do tình trạng quá nặng, 4 người đã được đưa xuống Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn cứu chữa.

Sau một thời gian xử lý, chữa trị, hiện nay sức khỏe các bệnh nhân đã dần hồi phục.

Bà Đinh Thị Đầm, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn cho biết, hiện tại rừng ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn còn nhiều cây lá ngón, cây dại, nấm độc do đó người dân cần cẩn trọng, quan sát kỹ và không lấy các loại rau rừng lạ, nấm lạ về ăn. Khi có các biểu hiện như buồn nôn, đau đầu, chóng mặt… sau khi ăn rau rừng hay các loại nấm rừng, cây rừng cần nhanh chóng đưa đến các Trung tâm Y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được thăm khám, chữa trị kịp thời.

Lá ngón là một loại dây mọc leo, thân và cành không có lông, trên thân hơi có khía dọc. Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài, hơi hình mác, đầu nhọn, phía cuống nhọn hoặc hơi từ, mép nguyên, bóng nhẵn, dài 7-12 cm, rộng 2,5-5,5 cm. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá. Cánh hoa màu vàng. Mùa hoa tháng 6, 8, 10. Quả là một nang, màu nâu hình thon, dài 1 cm, rộng 0,5 cm. Hạt nhỏ, quanh mép có rìa mỏng màu nâu nhạt, hình thận.

Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn… Sau đó bị mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và tử vong rất nhanh do ngừng hô hấp.

Theo TS.BS Vũ Đức Định -Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện E trung ương, đối với bệnh nhân có biểu hiện của ngộ độc lá ngón thì việc đầu tiên y bác sĩ cần làm là phải kiểm soát ngay các chức năng sống như hô hấp cho bệnh nhân nằm nghiêng, dẫn lưu tư thế, hút đờm rãi và các biện pháp làm thông thoáng đường thở, liệu pháp oxy, đặt ống nội khí quản, thở máy nếu cần, duy trì mạch, huyết áp. Sau đó cần tìm cách loại bỏ chất độc khỏi cơ thể bằng các biện pháp như gây nôn (nếu bệnh nhân tỉnh và hợp tác tốt), rửa dạ dày (nếu bệnh nhân hôn mê phải đặt ống nội khí quản có bóng chèn để tránh sặc phổi)…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    4 người nhập viện do ăn nhầm lá ngón

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO