Tác hại kinh hoàng của thuốc lá

Đức Trân 24/11/2019 07:00

Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, tính từ ngày 1/10/2014 đến hết tháng 10/2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ 52.375 vụ, tịch thu hơn 39 triệu bao thuốc lá nhập lậu các loại, khởi tố hình sự hơn 917 vụ với 1.150 đối tượng.

Tác hại kinh hoàng của thuốc lá

Những con số khủng khiếp

Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá - cho biết: Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động; tỷ lệ hút thuốc ở nam là 45,3%, nữ 1,1%; người Việt đã chi hơn 31.000 tỉ đồng để mua thuốc lá trong năm 2015.

Thuốc lá chính là thủ phạm của 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và là nguyên nhân thứ 2 gây nên các bệnh tim mạch như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Việt Nam hiện có 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên phải hít khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại các nhà hàng là 84,9%.

Theo BS Phạm Thị Lệ Quyên - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai - trong số hơn 7.000 chất độc hại trong thành phần của khói thuốc lá có khoảng 4.000 chất độc hóa học, 50 chất gây ung thư, CO (khí gây khó thở), nicotin… Khi hút thuốc, các chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp, gây nên tình trạng bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch. Nếu nguy cơ tử vong vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người không hút thuốc là 1 thì nguy cơ này tăng lên 66 lần ở người nghiện thuốc lá. Tỷ lệ tử vong do ung thư phổi ở nam giới có hút thuốc lá cao gấp 22 lần so với người không hút thuốc lá. Ngoài ra, nguy cơ ung thư thực quản của người hút thuốc cao gấp 8-10 lần, nguy cơ ung thư thanh quản cao gấp 12 lần, nguy cơ tai biến mạch máu não tăng gấp 2-4 lần và nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 2-3 lần so với người không hút thuốc lá. Thống kê tại Trung tâm hô hấp cho thấy trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận từ 15-30 bệnh nhân bị các bệnh lý về phổi và đường hô hấp, khoảng 2/3 bệnh nhân có tiền sử hút và nghiện thuốc lá, thuốc lào.

Việc cai nghiện thuốc lá không phải là điều dễ dàng bởi chất gây nghiện nicotin trong thuốc lá khiến người hút dễ nghiện. Trong số hơn 3.600 bệnh nhân tham gia chương trình tư vấn cai thuốc lá chủ động từ tháng 4-2017 đến tháng 9-2019 có 750 trường hợp đã cai nghiện thành công, tương đương với thế giới.

Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều gây hại đến sức khoẻ con người

Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Huy Quang -Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha…) đều gây hại tới sức khỏe con người. Nếu thuốc lá điện tử cứ được quảng cáo tràn lan gây hiểu lầm thì thế hệ trẻ sẽ tiếp tục nghiện các loại thuốc lá điện tử, nguy hại khôn lường với sức khỏe.

Tính đến ngày 22/10/2019, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Mỹ cho biết: Tại 49 bang và 1 lãnh thổ có 1.064 ca tổn thương phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới. Các ca tử vong liên quan đến thuốc lá điện tử tăng lên 39 ca và làm ảnh hưởng sức khỏe của ít nhất 2.051 người.

Đến nay đã có hơn 2.600 ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử.

Báo cáo của Viện Kiểm soát thuốc lá toàn cầu cho thấy: Hơn 40 quốc gia đã cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN, gồm: Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan.

Các sản phẩm thuốc lá đều độc hại với sức khoẻ và đến nay ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử gây nguy hại đối với sức khoẻ cộng đồng tương tự thuốc lá điếu thông thường. Ảnh hưởng của thuốc lá điện tử bao gồm tăng nguy cơ nghiện nicotine với người đã từng hút và chưa bao giờ hút, tăng nguy cơ động kinh, mắc các bệnh về răng miệng, gây các vụ nổ/ bỏng, chấn thương, gãy xương. WHO khuyến cáo không sử dụng thuốc lá điện tủ làm phương tiện cai thuốc và các cơ quan chức năng nên có khuyến cáo cấm hoặc kiểm soát thuốc lá điện tử.

Hoạt động buôn lậu thuốc lá vẫn hết sức phức tạp

Thuốc lá được ngụy trang, cất giấu rất tinh vi, các đường dây vận chuyển được tổ chức và hoạt động rất chuyên nghiệp, thường vào ban đêm và thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động. Các đối tượng luôn cử người theo dõi lực lượng chống buôn lậu 24/24 giờ; địa điểm giao hàng thường là tại những khu vực vắng người, có nhiều đường nhánh để tẩu thoát, nếu có đưa vào các điểm tàng trữ thì chia nhỏ hàng và cất giấu ở nhiều nơi … Đồng thời, đầu nậu còn gắn trách nhiệm bồi thường cho đối tượng tham gia, nên tình trạng chống đối khi bị kiểm tra bắt giữ vẫn còn xảy ra. Trong nội địa, tại các TP lớn, các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thuốc lá nhập lậu được bày bán công khai tại các đại lý, cửa hàng, nhà hàng, quán nước, các điểm bán thuốc lá ven các đường phố. Hoạt động buôn lậu thuốc lá vẫn còn đang diễn biến phức tạp, nhất là ở các địa bàn trọng điểm như: Long An, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp, TPHCM, Quảng Trị... các đối tượng buôn lậu thuốc lá ngày càng liều lĩnh, manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng và dùng đủ mọi thủ đoạn để vận chuyển, đưa thuốc lá nhập lậu vào thị trường nội địa vì lợi nhuận rất cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tác hại kinh hoàng của thuốc lá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO