Ấn tượng xuất khẩu

Minh Phương 07/12/2020 08:24

Năm 2020 là năm cực kỳ khó khăn do đại dịch Covid-19. Giao thương đình trệ trên phạm vi toàn cầu. Nhưng trên con đường đầy chông gai, nhiều rào cản, xuất khẩu hàng hóa của chúng ta lại có nhiều bứt phá ngoạn mục.   

Xuất khẩu thủy sản bứt phá mạnh nhờ EVFTA.

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới và các mặc của đời sống, xã hội nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong 11 tháng của năm 2020 vẫn đạt một con số ấn tượng với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt khoảng 489 tỷ USD, tăng 3,5% so cùng kỳ năm 2019. Ứớc tính cả năm con số này sẽ là 527 tỷ USD, tăng 1,8% so năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1% so năm 2019.

Tăng trưởng ngoạn mục

Nếu là bối cảnh giống như mọi năm, con số kim ngạch xuất khẩu đạt được và con số ước tính của năm 2020 sẽ không có gì đáng bàn, song, trong bối cảnh đại dịch hoành hành suốt 11 tháng qua, thì đây là một con số thực sự ấn tượng.

Trong khi các nước trên thế giới đều tăng trưởng âm vì buộc phải đưa ra các chính sách tạm ngừng xuất nhập khẩu vì Covid-19, thì riêng Việt Nam lại tăng trưởng xuất khẩu dương. Và tất nhiên, đây là kết quả của những nỗ lực, cố gắng không ngừng của nhà quản lý, doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu trong việc tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thời gian qua.

Đặc biệt, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), khi mà Hiệp định này mới chỉ chính thức được thực thi từ đầu tháng 8/2020 song đã mang lại hàng loạt những cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với những ưu đãi lớn về thuế quan.

Nói về những thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa từ EVFTA, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau những khó khăn do đại dịch Covid-19 tác động, xuất khẩu thủy sản của cả nước bắt đầu hồi phục từ tháng 9/2020 với mức tăng trên 12% so với cùng kỳ 2019. Xuất khẩu trong tháng 10 tiếp tục đà tăng trưởng trên 10% với khoảng 923 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm lên gần 7 tỷ USD.

“Những điểm sáng này hoàn toàn nhờ vào những ảnh hưởng tích cực từ EVFTA”, VASEP nhấn mạnh.

Xuất khẩu tôm đã có bước phát triển mạnh trong tháng 10 khi tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 430 triệu USD. Tổng 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm đạt 3,1 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Đặc biệt, xuất khẩu tôm vào thị trường châu Âu tăng mạnh tới 42%.

Tương tự, nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản khác cũng ghi nhận những dấu hiệu tích cực kể từ thời điểm EVFTA chính thức thực thi. Cụ thể, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 10 sang EU cũng tăng 17% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được đưa ra là do các ưu đãi thuế quan mà EVFTA mang lại đã tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá ngừ Việt Nam tại EU. Tính tổng 10 tháng, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang EU đạt hơn 115 triệu USD, tăng 0,5%.

Các mặt hàng nông sản như cà phê, gạo…cũng tận dụng ngay được cơ hội từ EVFTA khi có những đơn hàng đầu tiên sang thị trường châu Âu ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Sức mạnh từ nội lực

Đáng chú ý, theo nhận định của Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, khối DN trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thời gian qua với mức tăng trưởng cao hơn nhiều lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước, trong khi xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI lại tăng trưởng âm.

Ông Hải cho biết, các DN trong nước đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA, mở rộng được nhiều thị trường xuất khẩu mới. Đặc biệt, với việc EVFTA được thực thi, xuất khẩu sang châu Âu liên tục tăng trưởng.

Dù xuất khẩu hàng hóa 11 tháng qua đạt được con số ấn tượng, song thực tế, đại dịch Covid-19 vẫn đang là bóng ma đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, các thị trường như Mỹ và châu Âu đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, điều này tác động mạnh đến những lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh của ta, như da giày, dệt may...

Lần đầu tiên sau 25 năm liên tục tăng trưởng, xuất khẩu dệt may sụt giảm. Và thủ phạm không gì khác chính là Covid-19 khi đại dịch làm tê liệt các thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành may Việt Nam. Tình hình tương tự cũng xảy ra với da giày khi sản lượng giày dép da xuất khẩu trong 3 quý của năm 2020 ước đạt 265,6 triệu đôi, giảm 2,5% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan cũng giảm 2,5% so với cùng kỳ.

Bộ Công thương dự báo từ nay đến hết năm, đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và Châu Âu.

Bộ Công thương cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 để có biện pháp ứng phó kịp thời giải tỏa những điểm nghẽn, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Trong đó, ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch... Cùng với đó là việc đưa ra các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước theo đúng cam kết quốc tế.

Cùng với những nỗ lực từ phía nhà quản lý trong việc giảm thiểu những tác động từ dịch bệnh đến sản xuất, xuất khẩu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, DN trong nước cũng cần phải nỗ lực tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản lý, tìm kiếm mở rộng thị trường để có thể vừa đứng vững trên sân nhà, vừa đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ hiện nay.

Dù xuất khẩu hàng hóa 11 tháng qua đạt được con số ấn tượng, song Covid-19 vẫn là bóng ma đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, các thị trường như Mỹ và châu Âu đang bị ảnh hưởng nặng nề, đã tác động mạnh đến những lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh của ta, như da giày, dệt may... Lần đầu tiên sau 25 năm liên tục tăng trưởng, xuất khẩu dệt may sụt giảm. Tình hình tương tự cũng xảy ra với da giày khi sản lượng giày dép da xuất khẩu trong 3 quý của năm 2020 ước đạt 265,6 triệu đôi, giảm 2,5% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan cũng giảm 2,5% so với cùng kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấn tượng xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO