Áng mây ngũ sắc

Trang Thanh 07/10/2021 20:00

Ngày nhỏ, trò chơi tâm tưởng khiến tôi mê mải suốt những buổi chiều, là ngắm nhìn từng cụm mây giăng hình biến ảo, mỗi khi chúng dồn tụ thành từng vầng lớn, chồng lớp muôn hồng ngàn tía về phía trời tây.

Ảnh: Xuân Chi.

Vầng dương đỏ ối trước khi trốn mình vào bóng tối, còn bịn rịn lưu luyến hắt lên những tia hồi quang rạng rỡ, dâng tặng cho bầu trời và những đứa trẻ mơ mộng từng áng mây ngũ sắc biến ảo không ngừng trước hoàng hôn.

Trẻ em nhà quê khi ấy chẳng có đồ chơi gì giá trị. Một túi bi đất nung nhuộm màu xanh đỏ, một cuộn cước, con khăng, bộ que chuyền... Chúng tôi hái lá râm bụt xếp nếp làm tiền, ngọn cúc tần bó một chẹn tay làm rau, dây tơ hồng làm miến. Chúng tôi chơi và học từ thiên nhiên, cây cỏ, từ đất đai sông ngòi đồng ruộng, những vật nuôi trong nhà. Mây, khi chúng bay trên bầu trời, cũng tạo ra nhiều hình thù giống những sinh vật của trái đất hay đồ vật gần gũi. Thiên nhiên là một trường học rộng lớn, những bài học từ trải nghiệm tự nhiên bao giờ cũng giản dị, dễ thấm, quý hóa vô cùng. Tình yêu thiên nhiên cũng từ đấy mà được nhen lên, vun đắp, bù lại, thiên nhiên cũng thân ái, chan hòa và bao dung với con người.

Nhớ lại, tôi thấy mình học được nhiều điều từ cánh đồng, ngược lại, tình yêu nguyên sơ cho đến mãi mãi trong tôi cũng sẽ luôn dành cho cánh đồng ấy. Từ thuở còn được chị dắt tay ra đường chơi, nhớ mẹ, tôi khóc, chị tôi luôn chỉ tay ra phía cánh đồng, nói mẹ đang về và sẽ mang cho tôi con cá, con tôm. Mẹ về, thả vài con cua vào cái chậu, tôi cầm cái que dứ con cua mà hát: “Con cua tám cẳng hai càng…”. Ba, bốn tuổi, nhiều lần mẹ cho tôi theo ra đồng. Tôi ngồi trên bờ ruộng với mấy bông hoa dại, vài con châu chấu mẹ xâu bằng sợi cỏ lồng vực, một nắm đất dẻo với cái bảng đen cũ mẹ nhặt lại để tôi đập pháo đùng pháo đoàng, đợi mẹ lúi húi phạt cỏ bờ hay tát nước cho lúa một lúc. Lần ấy mùa đông, tôi chừng năm tuổi, cả làng vào vụ dỡ khoai tây. Chị tôi mới nghĩ ra trò nhặt con sâu đông tây ở ruộng khoai bỏ vào nón cho tôi chơi. Chị san một khoanh đất, lấy cuốc nện qua cho bằng bặn, trải cái bao tải cho tôi ngồi. Tôi không biết sợ là gì, đổ con sâu đông tây từ nón ra “chơi” với chúng suốt chiều, cho đến khi nhà tôi dỡ xong cả một ruộng khoai.

Theo tháng ngày tôi lớn, cánh đồng cũng như cùng tôi mà thêm dài rộng, bởi tầm mắt tôi nhìn về phía cánh đồng ngày một xa hơn, những mộng tưởng và bài học tôi và cánh đồng gửi cho nhau mỗi ngày lại thêm rộng mở. Cánh đồng với tôi là khung trời mộng mơ khao khát nhưng cũng đầy thấp thỏm âu lo. Qua mỗi sáng sương giăng thơm mùi hương lúa ven đường đi học, là từng chiều tay kẹp quyển sách, tay dắt trâu theo chúng bạn đi chăn. Qua mỗi hoàng hôn ngũ sắc ngóng mẹ trở về là đêm đêm trăng lên sao mọc, nhìn qua dải đồng về phía thành phố, đèn điện thắp lên lấp lánh sao sa. Phải sống vào cái thời nhà quê không có điện, học hành dưới ánh đèn dầu tù mù, nỗi khao khát thứ ánh sáng ấy mới trở nên thao thiết.

Những trưa hè nắng như thiêu đốt, nhà tôi thấp bé, lại bị ngôi nhà đằng trước cao to nhất xóm chắn mất hướng gió đông nam. Tôi ôm manh chiếu tướp chạy sang, hiên nhà ấy rộng, lại có tán mít lớn tỏa bóng, rải chiếu nằm đó rất mát. Có hôm, tôi ôm chiếu rải dưới gốc mít nơi bờ ao. Tôi thích chỗ ấy, bởi từ đó, tôi được gần hơn với cánh đồng to lớn của mình, đôi khi cố dõi mắt, tôi có thể nhìn thấy xa xa là bóng mẹ. Khi ấy, tôi đã biết nghĩ ngợi, nắng nung như này, mình ngồi dưới gốc cây, phải trưa đứng gió còn nực người lên muốn sốt, mẹ và chị đang ở giữa cánh đồng thì sao? Trưa tháng sáu nắng nung là khi nước trên đồng nóng bỏng, bọn cua bò lên bờ, trốn trong các gùm rạ, co càng nép mình trong khóm cỏ. Bọn cá không có cách gì thì đành lập lờ chịu ngớp bỏng ở những vũng tát. Những trưa ấy, gần như cả làng đổ ra cánh đồng để vớt cá, vồ cua. Một lần, bởi tò mò và hăng hái quá, tôi cũng được mẹ cho theo. “Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ…” (thơ Trần Đăng Khoa) là có thật. Cua nhiều lắm, lật gùm rạ lên tay tôi vồ không kịp. Với một đứa trẻ khi ấy, nó sẽ miêu tả là nhiều cực kỳ, vô kể. Cá cũng thế, tất cả đều lập lờ phơi bụng trắng. Mẹ và chị tôi sẽ rất vui vì việc bắt cua cá hôm ấy được nhiều và thật dễ dàng. Cá nhiều ăn không xuể, bán cũng không kịp, mẹ tôi luộc sơ cá với muối rồi rải chúng ra chiếc nia phơi, cua thì đem ướp muối trong các chum sành lớn.

Mẹ và chị tranh thủ càng trưa nắng thì càng lao ra đồng để bắt cua, còn tôi thì cứ âm thầm lo lắng. Tôi sợ một cơn cảm sẽ đột ngột xảy đến với mẹ và chị giữa cánh đồng. Tôi sợ cái vòi rồng, có lần tôi nhìn thấy nó vào buổi xế chiều, khi còn chưa biết gọi nó là vòi rồng. Một chiếc cột dựng ngược từ trên trời xuống, xám xịt, to lớn như cây cột cái nhà tôi, nhưng không hiểu sao nó lại biết di chuyển. Lúc nhanh lúc chậm, nó cứ rà rà mà bơi ngược trên cánh đồng, một lúc rồi dần thu bé lại, loằn ngoằn uốn lượn như một con rắn khổng lồ, cho đến khi tan biến. Tôi khi đó không biết nó là cái gì, chỉ thấy có giông gió nổi lên và trời mây bỗng đâu ầm ập thâm lại. Từ hôm ấy, nỗi lo lắng cứ thổn thức. Không thấy bóng dáng vòi rồng, trời không giông gió, tôi mới yên lòng mà chờ đợi quãng mặt trời chìm xuống để lại đắm chìm mộng mị cùng những ánh tà mây. Cho đến khi vòm trời xâm xẩm thì mẹ tôi sẽ trở về, bên hông trĩu xuống hai giỏ cua đầy, trên tay nhiều khi cũng xách nặng một cái xà cạp chứa đầy cua cá. Người mẹ tỏa ra mùi bùn mùi lúa quyện trong mùi cua, mùi cá, đôi bắp chân nâu khẽ óng vàng lên màu đất, còn dính bết bùn khô. Ngày ấy, tôi luôn thắc mắc về cái màu nâu óng vàng trên bắp chân và móng chân của các bà mẹ làng tôi. Sau thì tôi hiểu, bởi các mẹ đi làm đồng, dầm trong bùn đất cả ngày, màu đất bám vào da. Lần ấy, tôi nhớ mẹ thở mệt nhọc ngồi bệt xuống bờ hè, thì một cơn mưa giông bỗng đâu kéo đến. Thì ra, mẹ đã chạy từ cánh đồng về để tránh cơn giông. Ông trời thật khó lường, mới thoáng đây thôi còn lấp lánh hồi quang sáng rỡ đằng kia, mà bây giờ đã sấm chớp rạch ngang giận dữ rồi ầm ào cành rung mưa xối. Bấy giờ thì tôi đã hiểu, vì sao mẹ luôn lo lắng bão tố sẽ chụp xuống cánh đồng…

Cuộc sống trẻ em thành phố bây giờ đầy đủ quá, nhưng chúng lại thiếu bầu trời, những cánh đồng lúa vàng và mây trắng, thiếu cung bậc vỡ òa cảm xúc trước thiên nhiên, hay những cái giật mình thảng thốt cần thiết cho sự lớn lên. Con trai tôi 9 tuổi, những ngày giãn cách kéo dài, tìm mọi cách xin mẹ cho chơi games, không được chơi thì nhớ games đến ỉu xìu, vật vã. Tôi gợi ý con học cách gấp origami. Chẳng ngờ con rất khéo tay, gấp tôm cá, chim, thỏ, gấu, rồi điểm mắt tô môi cho chúng thật sinh động. Tôi kể con nghe về những buổi chiều xưa, khi tôi chẳng có đồ chơi gì, chỉ tha thẩn với những đám mây và ráng chiều ngũ sắc. Bây giờ nhà ở tầng cao, thỉnh thoảng, qua cửa sổ có thể trông rõ chiều đằng tây quần tụ từng vầng mây xếp lớp. Một chiều, tôi nhìn thấy hình người cha đang bồng đứa con của mình trên ngực, như yêu chiều nựng nịu. Con có thấy trên trời kia bố đang bế con lên nựng không? Con lặng lẽ nắm lấy tay tôi và mẹ con cùng ngắm mây rồi mường tượng. Từ hôm đó, thỉnh thoảng lại nghe tiếng con reo lên: Mẹ ơi, con nhìn thấy đám mây kia giống cây đèn thần Aladin. Thật đấy, mẹ nhanh lên, đèn thần sắp tan ra rồi, đám mây nó lại biến thành con thuyền có nước sóng sánh, cái đầu thuyền kia như miệng con rồng đang khạc lửa. Tối đến, trăng lên, con loay hoay tìm chỗ đứng nào tiện nhất, sực nhớ có cái kính viễn vọng, liền đem ra để ngắm các vì sao. Nhìn con, tôi lại nhớ về những ngày xưa đầy ắp tưởng tượng và mơ mộng của mình.

Một chiều, cơn giông to gió lớn bất ngờ ập xuống thành phố. Con tôi bảo, mẹ ơi, con quan sát rồi, chiều nay, con thấy ông mặt trời cứ nán lại mãi giữa những đám mây khổng lồ. Mây ngũ sắc hôm nay đẹp quá nên ông mặt trời có vẻ bịn rịn, tiếc nuối. Con lại thấy trên mây có một người giống bố. Con cứ nói thầm, bố ơi, con nhớ bố, vậy là một lúc sau thì trời mưa. Hôm nay, chắc bố và con nhớ nhau nhiều nên trời mưa lớn đấy, mẹ ạ.

Thì ra, thiên nhiên và tình yêu có thể nuôi dưỡng một đứa trẻ tưởng tượng. Một đứa trẻ tưởng tượng thì sẽ biết nuôi dưỡng tình yêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áng mây ngũ sắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO