Ánh Viên, 'của để dành'cho Olympic 2020

An Chi 21/08/2016 10:00

Kình ngư 20 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên đã kết thúc hành trình của mình ở Olympic 2016 với kết quả không thể vào được chung kết ở 3 nội dung. Một thất bại không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn, bởi bên cạnh việc Thế vận hội vẫn là sân chơi quá tầm, thì đây chưa phải là thời điểm Ánh Viên đủ sức tranh huy chương. Phải 4 năm nữa, tại Olympic 2020, “tiểu tiên cá” mới bước vào độ tuổi chín và khi đó bơi lội Việt Nam mới có thể hy vọng…

Ánh Viên,  'của để dành'cho Olympic 2020

Biết người, biết ta

Olympic Rio 2016, dù Ánh Viên đăng ký thi đấu 3 nội dung 400m hỗn hợp, 400m tự do và 200m hỗn hợp, nhưng thực tế thầy trò HLV Đặng Anh Tuấn chỉ nhắm vào mỗi nội dung 400m hỗn hợp, vì đấy là cự ly chủ lực và cơ hội góp mặt của Ánh Viên ở vòng chung kết rõ nhất. Thực tế thì nếu có một chút may mắn, kình ngư người Việt Nam đã có thể hoàn thành mục tiêu của mình ở Olympic năm nay, nhưng rất đáng tiếc là dù Ánh Viên đã bơi với thành tích khá tốt và đứng đầu vòng loại mà cô góp mặt, nhưng cuối cùng chỉ đứng ở vị trí thứ 9, kém VĐV thứ 8 trong tích tắc là 31% giây (8 VĐV đứng đầu sẽ vào chung kết tranh huy chương).

Sau khi thất bại ở nội dung sở trường, Ánh Viên bước vào thi vòng loại 400 m tự do, cô về cuối cùng trong lượt bơi của mình với thành tích 4 phút 16 giây 32. Thành tích này còn kém xa so với kỷ lục SEA Games 28 mà Viên đã lập năm 2015. Thất bại ở Olympic 2016 sẽ giúp Ánh Viên và HLV Đặng Anh Tuấn biết mình đang đứng ở đâu, để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện kỹ-chiến thuật.

HLV Đặng Anh Tuấn chia sẻ: “Ánh Viên dù là tài năng của bơi lội Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, nhưng thực tế cô vẫn chỉ mới ở mức tiếp cận đấu trường Olympic và thế giới. Sân chơi Olympic vẫn còn quá tầm và Ánh Viên vẫn còn phải rất nỗ lực, nhưng tôi tin em ấy sẽ làm được nếu tiếp tục có sự đầu tư hợp lý, vì Ánh Viên vẫn còn rất trẻ”.

13 tỷ/5 năm vẫn... chưa đủ

Tính đến hết năm 2016, tài năng người Cần Thơ có tròn 5 năm tập huấn tại Mỹ trong một quy trình đào tạo chuẩn quốc tế, với các điều kiện chăm sóc chuyên biệt. Với những gì đã thể hiện, Ánh Viên chính là mẫu hình thành công nhất của thể thao Việt Nam, kèm theo đó cũng là một khoản kinh phí khủng.

Theo đó, ngay năm đầu tiên Ánh Viên được đầu tư không dưới hai tỷ đồng và năm nay vào khoảng 4 tỷ đồng. Nếu tính riêng chiến dịch Olympic Rio mà Việt Nam có 23 tuyển thủ đoạt vé, mức chi phí cho Ánh Viên cũng bằng 4-5 người khác cộng lại, cao hơn nhiều so với các VĐV trọng điểm như Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn. Thậm chí mức đầu tư của một mình Ánh Viên trong năm 2016 ngang với cả đội tuyển bắn súng.

Như đã nói, Ánh Viên là VĐV nhận được sự đầu tư lớn nhất trong số các VĐV trọng điểm của Việt Nam. 13 tỷ cho 5 năm tập luyện tại Mỹ là một con số rất lớn nhưng nếu so với các VĐV trong khu vực, thì mức đầu tư cho Ánh Viên chỉ… bé như cái móng ta..

Cần nên biết rằng Singapore đã đầu tư như thế nào với các VĐV trọng điểm hướng tới mục tiêu có huy chương Olympic. Riêng Schooling- kình ngư vừa giành HCV Olympic 2016, mỗi năm được đầu tư hơn 1 triệu USD. Tất nhiên, chúng ta không nên đặt ra mức so sánh với các nước khác vì điều kiện kinh tế của Việt Nam nói chung còn nghèo. Các VĐV trọng điểm của Việt Nam được hưởng mức đầu tư như vậy cũng là sự nỗ lực tối đa của ngành thể thao và của cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, có một thực tế là chỉ có sự đầu tư, thì VĐV mới có thành tích chứ tài năng và sự khổ luyện cũng chỉ đến một giới hạn nào đó.

HLV Đặng Anh Tuấn là người quá rõ việc một VĐV như Schooling được đầu tư như nào để có HCV Olympic: “Schooling sang Mỹ tập huấn từ năm 11 tuổi, đến nay có gần 10 năm ở Mỹ và phát triển theo hệ thống đào tạo của Mỹ. Chúng ta đừng nên so sánh thành tích của Ánh Viên với Schooling, mà hãy nhìn họ đầu tư như thế nào để thấy được trong hoàn cảnh hiện tại các VĐV Việt Nam dù thiệt thòi nhưng cũng đã cố gắng hết sức”.

Kết thúc Olympic Rio, khoản đầu tư khổng lồ cùng những bước thăng tiến ngoạn mục vẫn chưa thể giúp Ánh Viên hoàn thành được mục tiêu “được bơi ở chung kết”. Thất bại này cho thấy để có huy chương Thế vận hội, thì mức đầu tư với Ánh Viên sẽ phải cao hơn nhiều con số 13 tỷ/5 năm. Như vậy, đây không còn là câu chuyện riêng của thầy trò Đặng Anh Tuấn, của ngành thể thao, mà còn của cả xã hội, với sự chung tay của các doanh nghiệp, mạnh thường quân.

Ánh Viên,  'của để dành'cho Olympic 2020 - 1

Lời xin lỗi và quyết tâm phục thù tại Olympic 2020

“Ở Olympic lần này em đặt kỳ vọng lớn sẽ giành vé vào bơi chung kết 400m hỗn hợp nhưng cuối cùng vẫn không thể nào làm được. Hai cự ly 400m tự do và 200m hỗn hợp thì em thực hiện rất kém so với năng lực của mình. Em xin lỗi mọi người, em làm không tốt trong bài thi của mình. Thất bại của em phải cố gắng phấn đấu để không lặp lại thất bại”-Ánh Viên thừa nhận mình chưa thể đủ sức tranh tài ở Olympic nhưng cô quyết không đầu hàng.

Ánh Viên cho biết thời gian tới cô sẽ tiếp tục tập luyện để cải thiện thành tích, chuẩn bị cho giải đấu trong nước và quốc tế. Cụ thể, dự kiến vào tháng 11, Ánh Viên sẽ tranh tài tại Giải Vô địch châu Á 2016. Trước đó trong tháng 10, Ánh Viên sẽ quay về Việt Nam để tranh tài ở giải bơi lặn vô địch quốc gia 2016 cho đơn vị Quân đội.

HLV Đặng Anh Tuấn cho biết, lộ trình phát triển của Ánh Viên là ASIAD 2018 và Olympic 2020. Vì thế, tới Olympic 2020 Ánh sẽ đặt mục tiêu là có huy chương chứ không phải là lọt vào chung kết nữa.

Hướng tới Olympic 2020 tại Tokyo, Nhật Bản. Kình ngư này vẫn còn 4 năm, đây cũng là khoảng thời gian cô bước vào độ chín của sự nghiệp. Chắc chắc, ngoài sự đầu tư về vật chất, tiền bạc, Ánh Viên cần sự nỗ lực của bản thân mới làm nên điều kỳ diệu ở đấu trường lớn như Thế vận hội. Những lời xin lỗi và sự thể hiện quyết tâm phục thù của Ánh Viên sau Olympic 2016, cho thấy cô đang khao khát như thế nào với tấm huy chương Thế vận hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ánh Viên, 'của để dành'cho Olympic 2020

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO