Áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Thách thức và cơ hội

Thanh Xuân 21/03/2023 07:09

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, về lâu dài, khi áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, môi trường kinh doanh sẽ ổn định, khu vực kinh tế FDI sẽ đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế.

Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo đà để khu vực kinh tế FDI đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế. Ảnh: Quang Vinh.

Thách thức không nhỏ

Tại Hội nghị “Tác động của thuế tối thiểu toàn cầu với thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 20/3, vấn đề liên quan đến chính sách thuế tối thiểu toàn cầu tiếp tục được quan tâm.

Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và hiện nay đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Trong đó, Trụ cột 2 quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu cho phép nước đầu tư đánh thuế tối thiểu 15% đối với thu nhập được miễn, giảm thuế tại nước nhận đầu tư.

Hiện tại, Chính phủ các nước đầu tư và nhận đầu tư đều đã và đang có những động thái quyết liệt trong việc cân nhắc và đưa ra các chính sách liên quan đến Thuế tối thiểu toàn cầu. Nhiều nước sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Vấn đề này cũng đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam trong duy trì tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, đòi hỏi cần có những chiến lược cụ thể hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần phải giải quyết các nhóm chính sách: “Nhóm vấn đề thứ nhất là Việt Nam sẽ cần điều chỉnh chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tại Việt Nam như thế nào để nó thích ứng tương ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, nhưng vẫn tiếp tục tạo một môi trường thu hút đầu tư mang tính cạnh tranh trong khu vực. Thứ hai là các doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi đầu tư nhưng thuộc diện mà phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cần phải có giải pháp nào để áp dụng quy định này hay không. Nếu phải áp dụng thì Việt Nam nên thu thuế bổ sung hay để cho nước có nhà đầu tư thu khoản thuế này. Trường hợp Việt Nam thu thuế bổ sung, cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ gì để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư phù hợp với cam kết quốc tế, tránh khiếu kiện giữa cơ quan quản lý nhà nước với nhà đầu tư”.

Bên cạnh đó, cần nhìn nhận thuế tối thiểu toàn cầu ở góc độ rộng hơn, không chỉ tác động đối với các doanh nghiệp (DN) các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam mà còn tác động đối với các DN Việt Nam đã, đang và sẽ đầu tư ra nước ngoài.

Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam. Cùng với đó, khi ưu đãi thuế thu nhập DN không còn là lợi thế, Việt Nam không thể chậm trễ trong việc xây dựng các chính sách khác để thu hút đầu tư nước ngoài.

Các nhà đầu tư cũng đã nêu nhiều kiến nghị đáng lưu ý như xem xét nới thời gian ưu đãi thuế thu nhập DN; nới bước lũy tiến thuế thu nhập cá nhân; chú trọng tạo thuận lợi, thu hút thêm nhiều DN vừa và nhỏ (không chịu tác động của chính sách thuế mới); đồng thời, giảm bớt thủ tục hành chính và đa dạng hóa chính sách ưu đãi thay vì tập trung vào chính sách thuế cũng là những gợi ý đáng lưu ý khác.

Và những cơ hội

Trước đó, đánh giá về thuế tối thiểu toàn cầu, nhiều chuyên gia cũng khẳng định, việc áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có những tác động cả về mặt tích cực và tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, theo chuyên gia ngành tài chính – ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, tác động tích cực là góp phần giúp Việt Nam cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và đặc biệt là giúp tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy năm 2021 có 14.293 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ, chiếm 55% tổng số DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Đáng lưu ý, nhiều DN thua lỗ triền miên nhưng vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Ngược lại, Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu được dự báo cũng sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, khiến sức cạnh tranh thu hút FDI có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách thuế thay đổi. Một trong những lợi thế giúp Việt Nam thu hút vốn FDI là chính sách ưu đãi thuế.

Hiện nay, ưu đãi thuế của Việt Nam cho đầu tư phổ biến là: ưu đãi thời gian miễn, giảm thuế đối với đầu tư mới, đầu tư mở rộng; miễn 4 năm, giảm 9 năm; miễn 2 năm, giảm 4 năm. Theo tính toán của giới chuyên gia, trong khi thuế suất phổ thông là 20% thì thuế thực tế với các DN FDI trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%. Trong đó, một số tập đoàn lớn chỉ ở mức vài %. Khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng, có thể một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác, nơi họ có trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế họ được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Hiệu lực chính sách ưu đãi đầu tư sẽ bị giảm trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, ngoài tác động tiêu cực, thì chính sách thuế này có cơ hội tăng thu ngân sách và hạn chế trốn tránh thuế, hạn chế tình trạng các quốc gia cạnh tranh thu hút đầu tư theo cách “đưa nhau xuống đáy”.

Giới chuyên gia nhìn nhận, với việc nhiều năm thu hút đầu tư bằng các chính sách ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi thuế thì, việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu nếu có hiệu lực, những hấp dẫn về chính sách ưu đãi đầu tư sẽ bị giảm, từ đó sẽ có những ảnh hưởng trước mắt. Song nhìn rộng ra thì đó cũng là thời cơ để Việt Nam nâng cấp chiến lược và mô hình thu hút FDI. Khi đó, mô hình kinh tế truyền thống sẽ chuyển sang kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và bền vững. Môi trường kinh doanh ổn định, khu vực kinh tế FDI sẽ đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Thách thức và cơ hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO