ASEAN: Covid-19 chưa giảm nhiệt

Thế Tuấn 08/03/2021 06:30

Trên phạm vi toàn cầu, đại dịch Covid-19 đang được cho là giảm nhiệt. Tuy nhiên, tại một số vùng cụ thể thì tình hình vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á.

Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở Malaysia.

Thái Lan: “Hộ chiếu vaccine” và hy vọng phục hồi du lịch

Tại trang web công báo của Chính phủ Thái Lan có tên “Ratchakitcha” đã đăng tải lệnh cấm các cuộc tụ tập công cộng hay biểu tình, mà có thể làm lây lan dịch bệnh Covid-19 ở các tỉnh có nguy cơ cao. Theo đó, Tư lệnh Các lực lượng quốc phòng - Đại tướng Chalermpol Srisawat đã ký lệnh cấm người dân tổ chức các cuộc biểu tình hoặc các cuộc tụ tập công cộng ở các tỉnh Bangkok, Samut Prakarn, Samut Songkhram, Nonthaburi, Nakhon Pathum và Pathum Thani mà không có sự chấp thuận của chính quyền.

Những người vi phạm lệnh này sẽ phải đối mặt với hình phạt 2 năm tù giam hoặc phạt tiền lên đến 40.000 baht (1.300 USD), hoặc cả hai hình phạt.

Trong một diễn biến khác, Cảnh sát trưởng vùng đô thị Bangkok Phukphong Phongpetra, cho biết 32 đại đội cảnh sát kiểm soát đám đông (gồm khoảng 4.800 cảnh sát) luôn trong tư thế sẵn sàng để đảm bảo trật tự, an toàn công cộng.

Trước đó, ngày 30/12/2020, Chính phủ Thái Lan cũng đã c áp đặt lệnh cấm các cuộc tụ tập “có nguy cơ lây truyền bệnh dịch”. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức đối với các vùng đang có sự lây nhiễm cao. Tiến sĩ Taweesilp Visanuyothin - người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 (CCSA) Thái Lan cho biết, lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với bất kỳ cuộc tụ tập nào có thể gây ra nguy cơ lây truyền dịch, lợi dụng các cơ hội để gây khó khăn cho người dân hoặc có ý định lây truyền bệnh dịch.

Cũng tại Thái Lan, trong nỗ lực kiềm chế Covid-19, mở cửa nền kinh tế (nhất là du lịch), Chính phủ đã cân nhắc tới việc phát hành “hộ chiếu vaccine” và miễn cách ly. Nếu được thực hiện thì các du khách đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đến Thái Lan sẽ được miễn thực hiện chế độ cách ly bắt buộc trong 2 tuần và được nới lỏng một số biện pháp hạn chế. Năm 2019, Thái Lan đón khoảng 400 triệu lượt du khách nước ngoài, song con số này chỉ còn 6,7 triệu lượt người trong năm 2020. Trong khi ngành du lịch đóng góp hơn 15% GDP, là lĩnh vực chủ chốt giúp phục hồi kinh tế của Thái Lan.

Trước mắt, Thái Lan dự tính sẽ sớm cấp sổ tiêm chủng ngừa Covid-19 cho những ai đã được tiêm. Theo Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul, điều đó sẽ thuận tiện cho việc đi lại. Ông Anutin cũng chính là người đầu tiên của Thái Lan tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, vào ngày 28/2. Hôm nay, ngày 8/3, Ủy ban quốc gia về các bệnh truyền nhiễm do ông Anutin làm Chủ tịch sẽ thảo luận về hộ chiếu vaccine cũng như phương án tạo “bong bóng du lịch” với các quốc gia có số lượng lớn người đã được tiêm chủng.

Philippines: Lây nhiễm đã ở “đỉnh điểm”

Tới nay, ASEAN đã ghi nhận trên 54.000 ca tử vong do Covdi-19 và hơn 2,5 triệu người mắc SARS-CoV-2. Trong số các nước ASEAN, ngoài việc Indonesia tiếp tục dẫn đầu số ca lây nhiễm cũng như số ca tử vong, thì tình hình căng thẳng tại Phiilippines và Malayssia vẫn chưa giảm một cách chắc chắn.

Với Philippines, nước này đang đối mặt với đợt lây nhiễm mới, khiến số ca nhiễm mới vọt lên trên ngưỡng 3.000. Ngày 6/3 vừa qua được ghi là ngày “đỉnh điểm” khi số ca mắc SARS-CoV-2 tại nước này lên tới 3.439 ca, nâng tổng số ca bệnh lên gần 600.000 người. Như vậy, kể từ ngày 12/10/2020, thì đây là lần đầu tiên Philippines có hơn 3.000 ca mắc mới chỉ trong 1 ngày.

Để ngăn chặn đã lây lan, Chính phủ Philippines đã và đang ráo riết “tìm kiếm vaccine”. Carlito Galvez Jr. - quan chức phụ trách chương trình tiêm chủng của nước này cho biết tối ngày 7/3 có thêm 38.400 liều vaccine AstraZeneca tới nước này. Lô hàng này hoàn tất đợt chuyển giao hàng đầu tiên của chương trình COVAX (do Tổ chức Y tế thế giới điều hành), với 525.500 liều vaccine cho Philippines. Manila cũng hy vọng khoảng 20 triệu liều vaccine Moderna sẽ tới nước này vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Malaysia: “Nhảy cóc” tiêm vaccine

Tại Malaysia, khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì người ta lại tranh luận vấn đề “người có tiền được “nhảy cóc” tiêm vaccine”. Có nghĩa là rất khó xác định được ưu tiên tiêm chủng, nên nảy sinh nghi ngờ rằng số vaccine ít ỏi sẽ thuộc về người giàu có, còn người nghèo “sẽ phải đợi nhiều nhịp nữa”.

Nghi ngờ phát sinh khi nhiều người trong giới chuyên gia y tế Malaysia đề xuất cho khối y tế tư nhân được phép mua vaccine Covid-19 để cung cấp cho khách hàng. Theo đó, việc này sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine và sớm đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều người lại cho rằng nó sẽ tạo điều kiện cho những người có tiền được “nhảy cóc” để tiêm vaccine Covid-19.

Nói như Tiến sĩ Subramaniam Muniandy - Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia thì việc cho phép tư nhân triển khai tiêm vaccine Covid chỉ nên được tổ chức sau khi các nhóm nguy cơ cao đã được chủng ngừa, do kho vaccine hiện còn khan hiếm.

“Trọng tâm nên tập trung tiêm cho các lực lượng tuyến đầu và nhóm rủi ro cao khác theo giai đoạn 1 và 2 của Chương trình tiêm chủng Covid-19 quốc gia. Chỉ khi các nhóm này được chủng ngừa, và khi có đủ vaccine cung cấp, các đơn vị y tế tư nhân mới nên được phép tham gia” - ông Muniandy nói và điều đó cũng có nghĩa là không tán thành dự định “nhảy cóc” trong tiêm vaccine dành cho người có tiền.

Đáp lại, ông Michael Chong - Trưởng ban Dịch vụ Công cộng và Khiếu nại Hiệp hội người Hoa Malaysia, lại cho rằng: “Có 9.000 phòng khám và bệnh viện tư nhân trên khắp đất nước. Nhiều người không muốn chờ đợi và họ có tiền để trả. Tốc độ hiện tại có thể không đủ để tiêm chủng nhanh cho nhiều người. Vì thế, với những ai có tiền trả, họ có thể được tiêm trước”.

Theo tờ Straits Times, đến nay trên 2 triệu người Malaysia đã đăng ký tiêm chủng Covid-19 và Chính phủ đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 126.000 người/ngày tại 600 điểm tiêm trên toàn quốc, kể tù khi kích hoạt chiến dịch từ ngày 24/2 vừa qua.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: Trong tuần này (kể từ ngày 8/3), cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) sẽ phân phối 14,4 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 tới 31 quốc gia nữa, nâng tổng số quốc gia được nhân vaccine theo cơ chế này lên trên 50. Tuy nhiên, WHO cũng lo ngại nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch mới nếu mọi người vẫn duy trì tâm lý sai lầm rằng, việc tung ra vaccine trên toàn cầu cũng có nghĩa là cuộc khủng hoảng đã kết thúc. Giám đốc Cơ quan khẩn cấp của WHO, Tiến sĩ Michael Ryan, cảnh báo: “Tôi thực sự lo lắng trước tâm lý cho rằng chúng ta đã vượt qua khủng hoảng. Thực tế là không và các quốc gia hoàn toàn có nguy cơ đối mặt với làn sóng thứ 3 hay thứ 4. Chúng ta không nên lãng phí hi vọng mà vaccine mang lại khi hạ thấp cảnh báo ở những khu vực khác”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ASEAN: Covid-19 chưa giảm nhiệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO