ASEAN tăng cường chống Covid-19

Hà Anh 06/02/2021 06:44

Cho dù bước đầu đã có vaccine ngừa Covid-19 nhưng diễn biến dịch bệnh vẫn rất phức tạp. Đặc biệt là việc giới chuyên gia đã lại lên tiếng cảnh báo về một biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Tại các quốc gia Đông Nam Á, cuộc chiến chống Covid-19 vẫn rất căng thẳng.

Người dân Malaysia trong lúc dịch Covid diễn biến phức tạp. Nguồn: Tân Hoa Xã.

Áp dụng phương pháp “bịt chặt”

Trong bối cảnh ghi nhận 231.000 ca bệnh và 826 người tử vong vì Covid-19, Malaysia đang trải qua một đợt bùng phát dịch mới.

Ngày 4/2, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob - người phụ trách tình hình an ninh của quốc gia Đông Nam Á trong dịch Covid-19 - thông báo, nước này sẽ cấm việc đi chúc Tết âm lịch. Mọi hoạt động liên quan tới ngày lễ này sẽ chỉ giới hạn trong phạm vi những người sống trong cùng 1 ngôi nhà.

“Sau khi xem xét mọi khía cạnh, có một số điều đã được quyết định. Thứ nhất, hoạt động ăn Tết âm lịch chỉ được phép tổ chức giữa các thành viên gia đình sống trong cùng một mái nhà” - ông Yaakob phát biểu sau cuộc họp đặc biệt của Hội đồng An ninh Quốc gia Malaysia.

Trong khí đó, tại Thái Lan, nhà chức trách nước này sẽ áp dụng các biện pháp “bịt chặt” và “bong bóng” để hạn chế sự lây lan của Covid-19 trong lao động nhập cư ở tâm dịch Samut Sakhon sau khi những xét nghiệm tại 7 nhà máy ở tỉnh này trong nhiều tuần qua cho thấy gần 8.000 ca dương tính.

Các quan chức y tế ở Samut Sakhon đã đồng ý áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh mới nêu trên sau khi có tin tức cho biết đợt lây nhiễm thứ hai ở tỉnh này nghiêm trọng hơn suy nghĩ ban đầu, theo đó, phương pháp “bịt chặt” sẽ áp dụng cho các nhà máy có chỗ ở tại chỗ và công nhân sẽ không được phép rời khỏi cơ sở, trong khi biện pháp “bong bóng” sẽ áp dụng cho các nhà máy không có chỗ ở tại chỗ khiến công nhân phải ở ký túc xá ngoài khuôn viên.

Sự gia tăng số người mắc Covid-19 tại nước láng giềng Thái Lan đang khiến nhiều lao động Lào tại Thái Lan lo lắng, tìm mọi cách để về nước. Đây cũng là nỗi lo của nhà chức trách Lào về một làn sóng lây lan virus thứ hai ở Lào.

Lào cũng đang tăng cường kiểm soát khu vực biên giới, ngăn chặn việc nhập cảnh trái phép của lao động Lào trở về từ Thái Lan, nhằm nỗ lực phòng tránh làn sóng Covid-19 lần thứ hai sau đợt bùng phát trên diện rộng gần đây ở nước láng giềng.

Đến nay Lào vẫn là nước có số người nhiễm Covid-19 ít nhất khu vực ASEAN với 44 ca. Tuy nhiên, Lào vẫn đề cao cảnh giác với nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các nước láng giềng. Do đó, các biện pháp thắt chặt kiểm soát Covid-19 đang được Chính phủ Lào áp dụng đến hết tháng 3 năm nay.

Tại Indonesia, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa Nadiem Makarim cho biết, các kỳ thi quốc gia chính thức được bãi bỏ, thay thế bằng các hình thức đánh giá theo cấp trường. Ngoài ra, thông tư mới của Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia cũng đưa ra hướng dẫn tuyển sinh năm học mới 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cho toàn bộ cấp học từ mẫu giáo cho đến trung học phổ thông và các trường dạy nghề.

Trong khi đó, Singapore ngày 3/2 trở thành nước đầu tiên ở châu Á phê duyệt vaccine Moderna. Quốc đảo này dự kiến nhận được lô hàng Moderna đầu tiên vào khoảng tháng ba, bổ sung vào kho vaccine Pfizer-BioNTech, đã được phê duyệt vào tháng 12. Singapore dự kiến tiêm vaccine cho toàn bộ dân số vào quý III/2021.

Điều tra nguồn gốc

Trong một diễn biến khác, ngày 5/2, một chuyên gia trong đoàn công tác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Vũ Hán, Trung Quốc cho biết, nhóm điều tra đang cân nhắc lên kế hoạch tập trung điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 tại các hang dơi.

Hãng tin Reuters dẫn lời nhà động vật học Peter Daszak - thành viên nhóm chuyên gia WHO đang điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 tại Vũ Hán cho biết, đoàn công tác đã tiếp nhận một số thông tin mới về cách virus bùng phát thành đại dịch toàn cầu.

Đến nay, ông Daszak không nói cụ thể về thông tin này, song khẳng định không có bằng chứng việc virus bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm.

“Việc tìm ra các nguồn bệnh tiềm tàng từ dơi là rất quan trọng, vì nếu bạn có thể phát hiện gốc rễ của những virus chết người, bạn sẽ hạn chế tiếp xúc với loài động vật đó, giảm các hành vi khiến chúng ta gặp nguy hiểm và ngăn chặn được đại dịch. Công việc thực sự của chúng tôi lúc này là truy vết các ca nhiễm đầu tiên về một vật chủ là động vật. Đó là con đường phức tạp hơn nhiều và có thể đã xảy ra trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm” - ông Daszak nói.

Cùng với đó, ông Vladimir Dedkov - Phó Giám đốc nghiên cứu khoa học tại Viện Nghiên cứu dịch tễ học và Vi sinh vật học St. Petersburg (Nga), ngày 3/2 đã tới thăm phòng thí nghiệm tại Viện Virus học Vũ Hán và cho biết: “Phòng thí nghiệm được trang bị hoàn hảo. Tôi khó hình dung được cái gì đó có thể bị rò rỉ từ đây” - ông Dedkov nói với hãng tin Sputnik của Nga.

Ông Dedkov và 9 chuyên gia khác của WHO đã tới thăm Viện Virus học Vũ Hán - nơi có phòng thí nghiệm BSL-4 được cách ly nghiêm ngặt. Vũ Hán là ổ dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới và là nơi phát hiện các ca nhiễm đầu tiên từ tháng 12/2019. Đây cũng từng là tâm điểm chú ý của thế giới khi xuất hiện tin đồn nói rằng, vi rút gây đại dịch Covid-19 rò rỉ từ đây.

Ngoài ra, một trong những kịch bản khác mà nhóm điều tra của WHO đang xem xét có khả năng xảy ra là virus có thể tồn tại từ lâu trước khi nó được phát hiện lần đầu ở Vũ Hán. Các chuyên gia của WHO đến nay đã tới thăm các bệnh viện, cơ sở nghiên cứu và chợ hải sản ở Vũ Hán - nơi ổ dịch đầu tiên được xác định.

WHO cho biết, cuộc điều tra đang diễn ra tại Vũ Hán không nhằm đổ lỗi cho bất cứ bên nào, mọi giả thuyết đều đang được cân nhắc và còn quá sớm để khẳng định virus có khởi phát từ Trung Quốc hay không. Chuyến đi của nhóm chuyên gia WHO sẽ giúp thu thập thêm bằng chứng để hỗ trợ cuộc điều tra nhằm tìm kiếm nguồn gốc Covid-19 dự kiến kéo dài nhiều năm.

Đan Mạch ngày 4/2 đã công bố sẽ triển khai hộ chiếu điện tử tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trong vòng từ 3-4 tháng nữa. Theo đó, để được cấp hộ chiếu điện tử, người dân Đan mạch sẽ khai báo tình trạng y tế và tiêm chủng của mình trên một ứng dụng nghệ do chính phủ phát hành cho điện thoại thông minh. Người sở hữu hộ chiếu điện tử sẽ có quyền trở về Đan Mạch mà không cần phải thực hiện cách ly cũng như có thể tự do lui tới các quán bar, nhà hàng, khách sạn...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ASEAN tăng cường chống Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO