Bác sĩ khuyến cáo về phòng bệnh virus hợp bào hô hấp

29/10/2020 11:41

Theo các chuyên gia của BV Nhi Trung ương, trong thời tiết giao mùa, bệnh nhi mắc bệnh hô hấp sẽ tăng lên vì giai đoạn này điều kiện không khí độ ẩm có sự thay đổi, khả năng sinh sôi của virus phát tán mạnh hơn.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh thăm khám cho trẻ mắc các bệnh lý hô hấp đang điều trị tại Trung tâm.

Hiện nay, tại Trung tâm Hô hấp, BV Nhi Trung ương, các giường đều kín bệnh nhi. Nhiều trẻ được hỗ trợ thở oxy do viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suy hô hấp… Đặc biệt, một tháng gần đây số ca mắc bệnh do virus hợp bào hô hấp tăng hơn so với trước, trung bình 40-50 ca/ngày.

Các chuyên gia của BV Nhi Trung ương cho biết, bệnh lý hô hấp viêm đường hô hấp cấp tính phân loại hai mức độ: viêm hô hấp trên thông thường như viêm mũi, họng, amidan, viêm tai giữa. Viêm hô hấp dưới phế quản, tiểu phế quản, phổi nặng hơn. Bệnh nhi vào viện thường do hô hấp dưới.

Trong thời tiết giao mùa, bệnh nhi mắc bệnh lý này sẽ tăng lên vì giai đoạn này điều kiện không khí độ ẩm có sự thay đổi, khả năng sinh sôi của virus phát tán mạnh hơn.

Cách phòng bệnh virus hợp bào hô hấp

Cũng giống như bệnh lý hô hấp khác, triệu chứng thông thường hay gặp ở trẻ mắc virus hợp bào hô hấp là ở giai đoạn đầu có hắt hơi sổ mũi, sốt nhẹ. Sau đó, bệnh nhân sốt cao lên, thở nhanh, khó thở. Một số trẻ bị nhẹ vẫn có thể sinh hoạt bình thường, thậm chí, tự khỏi bệnh sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, đẻ non, thiếu cân, tim bẩm sinh…, bệnh diễn biến rất nhanh và nặng.

“Trẻ có sức đề kháng kém, cấu trúc đường thở chưa hoàn thiện nên dễ bị virus tấn công. Mặt khác, virus hợp bào hô hấp có ái lực với đường hô hấp nên trường hợp nhẹ có thể gây ra các triệu chứng viêm đường hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm tai giữa). Trường hợp nặng dẫn tới viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy thở nhanh” - PGS. TS Lê Thị Hồng Hanh nói.

Theo các bác sĩ, trong giai đoạn đầu, nếu thấy con ăn uống bình thường sốt nhẹ chưa khó thở, cha mẹ có thể chăm sóc con ở nhà, vệ sinh mũi họng, cho uống nhiều nước. Nếu con sốt cao lên, ho nhiều hơn, khó thở, ăn ít hơn, đi tiểu ít hơn, thở nhanh rút lõm lồng ngực thì khi đó trẻ có biểu hiện rất nặng, các gia đình phải đưa con đến cơ sở y tế để tư vấn chính xác chứ không nên tự đi mua thuốc điều trị.

Trẻ khi mắc virus hợp bào hô hấp mà không được xử trí sớm, can thiệp kịp thời sẽ gặp những biến chứng nặng về hô hấp, đồng thời có thể bị bội nhiễm thêm vi khuẩn, viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn, di chứng đường thở, gây biến chứng về hô hấp... Thiếu ô-xy kéo dài sẽ dẫn tới biến chứng thần kinh.

Giám đốc Trung tâm hô hấp khuyến cáo virus hợp bào hô hấp có khả năng lây lan mạnh, nếu các gia đình chủ quan, không biết con nhiễm bệnh, virus dễ phát tán rộng trong cộng đồng. Hiện nay, virus hợp bào không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng.

“Để phòng bệnh, tránh đưa trẻ tới nơi công cộng, tiếp xúc những người có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi… Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn rất quan trọng bởi virus có thể sống vài giờ trên mặt bàn, ghế, đồ chơi, bàn tay. Cha mẹ cũng cần rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ và đặc biệt tránh thói quen hôn con bởi có thể làm lây lan virus”- PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh khuyến cáo.

Theo PV (theo Sức khỏe đời sống)
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bác sĩ khuyến cáo về phòng bệnh virus hợp bào hô hấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO