Bài 2: Doanh nghiệp không lớn được vì yếu vốn

Thuý Hằng 23/06/2020 14:00

Doanh nghiệp (DN) muốn làm ăn lớn thì không tiếp cận được vốn do nhiều rào cản về thủ tục, tài sản thế chấp... Từ đó không mở rộng được sản xuất kinh doanh, khó cạnh tranh và không thể chiếm lĩnh thị trường. Ngược lại khi không thể phát triển thì sẽ chẳng bao giờ đủ điều kiện để vay vốn... Đó là vòng luẩn quẩn mà nhiều DN không thể thoát ra được. Song, cũng có không ít DN tự bằng lòng với phương thức nhỏ lẻ.

Tranh minh họa của Dũng Choai.
Tranh minh họa của Dũng Choai.

Nhiều rào cản khi vay vốn

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện cộng đồng DN “nội” còn nhiều điểm yếu cố hữu chưa khắc phục được: Thiếu vốn, chậm áp dụng khoa học công nghệ, năng suất lao động thấp không được cải thiện... Tất cả những tồn tại đó đã “níu chân” khiến cho DN mãi không thoát xác được.

Giám đốc một ngân hàng cho biết: Có khá nhiều DN đến ngân hàng vay vốn nhưng bị từ chối vì trong hồ sơ DN, các chỉ số tài chính như chỉ số dòng tiền hoạt động, vòng quay hàng tồn kho, vòng quay vốn lưu động... không nằm trong khoảng an toàn tài chính theo quy định dẫn đến ngân hàng không thể cho DN vay vốn.

Lý giải cho thực trạng trên, các chuyên gia kinh tế phân tích: Tại nhiều DN, bộ phận quản lý tài chính đã không biết điều tiết các kế hoạch tài chính một cách bài bản mà hoàn toàn làm theo cảm tính của người quản lý. Đó là lý do mà các chuyên viên thẩm định của ngân hàng thấy thiếu minh bạch trong hồ sơ nên khó có thể chấp nhận duyệt cho vay vốn. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, mỗi khi làm việc với DN nhỏ và vừa, nhà băng này cũng rất tiếc vì có những đơn vị có dự án rất tốt, nhưng điều kiện vay không đủ, nên OCB không thể cho vay.

Bà Phạm Thị Phương Hoa, Giám đốc một công ty chuyên về nông sản và thực phẩm sạch tại Hà Nội cho biết, Công ty khởi nghiệp từ năm 2013, đến nay đã có chuỗi 40 cửa hàng về thực phẩm sạch trên toàn quốc. Song, bản thân vị nữ giám đốc chưa muốn dừng lại mà có tham vọng muốn mở rộng hơn nữa thị phần trên thị trường.

Để thực hiện kế hoạch trên, bà Hoa đã “gõ cửa” nhiều ngân hàng nhưng vì không có tài sản thế chấp nên DN này vẫn không thể vay vốn ngân hàng. Khảo sát thực tế cho thấy đa phần DN nhỏ và siêu nhỏ đều thiếu tài sản đảm bảo, trong khi đối tượng DN này chưa tạo được sự tin tưởng về năng lực vận hành, khả năng tài chính với ngân hàng để có thể vay tín chấp.

Mãi “nhỏ” chỉ vì thiếu vốn

Bà Trần Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam cho biết, DN hiện đang vay vốn của ngân hàng với mức lãi suất ổn định, nhưng phải thế chấp tài sản. Vì thế, có bao nhiêu tài sản đều đã mang đi thế chấp vay vốn hết nên giờ nếu muốn mở rộng sản xuất thì rất khó khăn vì chẳng có gì để thế chấp nữa.

Nhiều DN cũng ở trong tình trạng tương tự như bà Hằng, nhất là sau đợt đại dịch Covid-19 bị ảnh hưởng nặng nề thì lại càng cần vốn nhưng không thể tiếp cận vay vốn ngân hàng. Cũng theo bà Hằng, khi tới vay vốn ngân hàng yêu cầu nếu không có tài sản thế chấp thì cần có sổ tiết kiệm ngân hàng để thế chấp bằng chính tài khoản tiết kiệm đó.

“Nếu có tiền tiết kiệm gửi ngân hàng, chúng tôi đã rút ra để sử dụng chứ không phải đi vay vốn”, nữ giám đốc chán nản than.

Một số DN có tài sản là bất động sản để thế chấp, nhưng do một số điều kiện khách quan, vướng về thủ tục nên cũng không thể vay vốn ngân hàng. Đơn cử việc mang sổ đỏ đi thế chấp thì phải có sự đồng ý của cả gia đình. Có chủ DN từng mang sổ đỏ trị giá gần 10 tỷ đồng đi vay non 1 tỷ cũng không được chấp nhận do thiếu chữ ký vì chồng đi nước ngoài. Từ đó cơ hội ký kết hợp đồng của DN này với đối tác bị lỡ dẫn đến một phen điêu đứng. Vì vậy, nhiều năm qua, DN vẫn cứ bị vướng vào vòng luẩn quẩn muốn mở rộng sản xuất kinh doanh thì cần vốn, nhưng muốn vay vốn thì lại không dễ vì quy mô nhỏ không thể vay vốn.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, hầu hết các DN tư nhân có quy nhỏ và vừa nên rất cần vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Song, khả năng tài chính của các DN này bị hạn chế nên khó có thể tiếp cận vốn vay của các ngân hàng. Một bài toán khó hiện nay là do DN nhỏ và vừa là không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp do thông tin chưa minh bạch.

Chính điều này đã gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc sử dụng các chỉ tiêu tài chính để chấm điểm và xếp hạng tín dụng. Mặt khác, DN không có khả năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hay không có dự án khả thi để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay vốn.

Tony Lythgoe, Giám đốc Nhóm Cơ sở hạ tầng tài chính (Chương trình Phát triển thị trường và ngành tài chính của Công ty Tài chính quốc tế - IFC) cho rằng, sở dĩ các DN nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng chủ yếu do thông tin về họ còn thiếu, nên các tổ chức cung ứng vốn chưa nắm rõ để cung ứng tín dụng và lo sợ rủi ro nợ xấu.

Không ít doanh nghiệp chẳng cần “lớn”

Như trên đã phân tích, có nhiều DN cần vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng không tiếp cận được. Trong khi đó, trên thực tế cũng có không ít DN chẳng cần vốn vì tự bằng lòng với mức độ “nhỏ xinh” hiện tại. Ông Nguyễn Quốc Hùng-Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, nhu cầu vay vốn của DN hiện nay rất yếu, nhiều DN có dòng tiền trả nợ nhưng cũng không có kế hoạch vay mới, do không biết lấy nguyên liệu ở đâu, bán cho ai.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, thực tế nhiều DN không có nhu cầu vay vốn vì không muốn mở rộng sản xuất kinh doanh, vì lo sợ làm ăn thua lỗ. Vừa gây dựng và cho ra đời công ty chuyên về mành rèm phục vụ khối văn phòng, anh Quang Huy, Giám đốc Công ty mành rèm Huy Hoàng cho biết: Chỉ muốn gói gọn nhân lực công ty 10 người, trong đó chủ yếu là người trong gia đình. Để xử lý vấn đề tài chính, anh Huy thuê kế toán làm sổ sách chứ cũng không muốn tuyển kế toán chuyên trách cho công ty. Do bằng lòng với quy mô hiện tại, anh Huy cũng không có nhu cầu vay vốn ngân hàng, vì quan niệm vay rồi trả lãi còn khổ hơn. “Lãi suất ngân hàng cũng phải 11%/năm, trong khi đơn hàng hạn chế chưa cần nhiều vốn nên chẳng cần vay ngân hang làm gì”- anh Huy chia sẻ.

Có khá nhiều chủ DN nhỏ có cách nghĩ giống như anh Huy, họ cho rằng nếu như có nhiều đơn hàng hơn thì bước đầu tiên sẽ là huy động vốn từ người thân, chứ cũng chưa có nhu cầu vay ngân hàng, vì e ngại phát sinh nợ không khéo sẽ trắng tay.

Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cũng nói rằng, trong bối cảnh hiện nay việc ngân hàng tìm được một khách hàng tốt để cho vay là rất khó. Do vậy, không nên chỉ dựa vào tiêu chí DN tốt để cung ứng vốn, mà quan trọng là phải xem DN sử dụng đồng vốn đó có hiệu quả hay không.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam, trên cả nước hiện có hơn 500.000 DN nhỏ và vừa, chiếm 97,6% tổng số DN đang hoạt động. Các DN này hạn chế về vốn, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, chưa có công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản trị kém, tiếp cận vốn khó khăn... nên đang có xu thế nhỏ dần về quy mô, bỏ lỡ nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài 2: Doanh nghiệp không lớn được vì yếu vốn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO