Bài toán hạ lãi suất

Thúy Hằng 22/02/2017 08:05

Thông điệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra là ổn định mặt bằng lãi suất, nếu có điều kiện sẽ hạ lãi suất. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vẫn dựa vào đồng vốn, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhờ vay vốn ngân hàng thì việc hạ lãi suất được ưu tiên, song đây quả là nhiệm vụ khó.

Cơ chế xử lý nợ xấu đi vào cuộc sống, lãi suất cho vay vẫn có cơ hội giảm thêm.

Cơ hội giảm lãi suất

Hiện NHNN đang hoàn thiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị.

Trên cơ sở phê duyệt và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đối với Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, trong năm 2017 NHNN sẽ xây dựng kế hoạch cũng như tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt phá nợ xấu.

Đối với công tác xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh thông qua yêu cầu các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng.

Trong năm 2017, vai trò của VAMC sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững (dưới 3% tổng dư nợ). Đặc biệt hơn NHNN cũng sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD. Và khi nợ xấu được xử lý dứt điểm và thực chất hơn, các ngân hàng sẽ có điều kiện để ổn định và giảm lãi suất cho vay nếu điều kiện cho phép.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành nói, việc làm sạch nợ tại Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ khiến ngân hàng có thêm dư địa để giảm lãi suất, nhất là khi số nợ xấu này được ngân hàng thu hồi thành công.

Hiện tại, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên xử lý thành công toàn bộ nợ xấu tại VAMC và VietinBank là ngân hàng thứ hai đặt ra mục tiêu này, dự kiến hoàn thành năm 2017.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng bình luận, nếu NHNN kiểm soát được mức độ tăng trưởng tín dụng và những cơ chế xử lý nợ xấu đi vào cuộc sống, lãi suất cho vay vẫn có cơ hội giảm thêm.

Áp lực

Ngoài các áp lực tăng lãi suất như lạm phát hay việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, kéo theo sự lên giá của USD.

Nhưng quan trọng hơn là câu chuyện dỡ trần lãi suất trong một điều hành mới phía cơ quan quản lý. Từ 15/3 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp cho vay ngắn hạn.

Theo đó với định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 18% nhưng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng chỉ còn 50% như vậy buộc các NHTM phải tăng huy động để hút vốn đáp ứng nhu cầu cho vay, từ đây đẩy lãi suất cho vay tăng.

Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, phải xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp, trong đó có vấn đề lãi suất. Dù lãi suất gần đây khá ổn định, song vẫn ở mặt bằng cao.

Tại cuộc họp trực tuyến triển khai Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và Thông tư số 43/TT-NHNN diễn ra vào ngày 20-2 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, lãnh đạo các TCTD cần quan tâm đặc biệt đến việc tiếp nhận và xử lý vướng mắc của khách hàng, doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình tiếp cận vốn bắt đầu từ ngày 15/3.

Những vướng mắc thuộc chức năng quản lý của các TCTD thì các TCTD tự xử lý, những vấn đề chưa rõ có thể gửi xin ý kiến hướng dẫn của các đơn vị chức năng của NHNN để xử lý kịp thời.

Phó Thống đốc cũng chỉ đạo, từ lãnh đạo đến các cán bộ tham gia trực tiếp vào hoạt động cho vay cũng như các mảng nghiệp vụ liên quan khác có hướng dẫn cụ thể cho các khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân nhằm đảm bảo việc cho vay được thông suốt.

Áp dụng biện pháp xử lý đặc biệt tổ chức tín dụng vi phạm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 16/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Theo đó, NHNN được cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng, giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.

NHNN được quyết định áp dụng biện pháp xử lý đặc biệt đối với tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng...

Theo Nghị định này, NHNN là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của NHNN.

T.Hằng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài toán hạ lãi suất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO