Bài toán lợi ích

Hà Trọng Nghĩa 29/06/2017 07:30

Ngày 27/6, tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: làm bất cứ dự án nào liên quan đến đô thị, hạ tầng, công nghiệp, tiền của nhà đầu tư hay tiền ngân sách nhà nước thì cũng đều phải đặt lợi ích và quyền lợi của người dân lên trước hết.

Những dự án “trùm mền” lãng phí, khiến người dân bức xúc.

Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở, nguyên tắc đầu tiên phải đảm bảo lợi ích người dân lên hàng đầu và đúng luật. Phải hài hòa lợi ích của các bên, nếu người dân giao đất để thực hiện các dự án thì chính quyền phải đảm bảo đời sống của người dân từ bằng cho đến hơn trước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành chức năng, chính quyền ngồi lại với từng hộ, từng cá nhân có vướng mắc kéo dài liên quan đến các dự án để giải quyết, từ đó đưa ra kết luận hợp lý và rõ ràng nhất.

Cũng trong chiều 27/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tiếp xúc cử tri tỉnh Long An. Lắng nghe ý kiến cử tri liên quan đến tiến độ dự án xây dựng cảng Tân Tập và những bất cập trong quy hoạch dự án, phát triển hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng và cấp quyền sử dụng đất...

Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền tỉnh Long An trong quá trình thực hiện các dự án phục vụ phát triển đô thị, cụm công nghiệp phải đặc biệt quan tâm đến lợi ích của người dân.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Đối với đất đai do người dân quản lý, sử dụng, dù người dân chưa xác lập quyền sử dụng đất nhưng đã canh tác ổn định lâu năm thì vẫn được công nhận hoặc được hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Khi thu hồi đất, phải làm tốt công tác đền bù hỗ trợ, thực hiện đầy đủ chính sách tái định cư, đào tạo nghề, bố trí việc làm mới cùng những chính sách khác để cuộc sống người dân được tốt hơn.

Quá trình thu hồi đất phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội phải đảm chính sách hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. “Các địa phương cần rà soát những dự án treo gây lãng phí, khi có khiếu kiện thì cần đối thoại trực tiếp với người dân, làm rõ vấn đề để điều chỉnh, giải thích, tạo được sự đồng tình cao”- Phó Thủ tướng lưu ý.

Vấn đề “người dân trong dự án” đã được đề cập rất nhiều lần, ở nhiều nơi nhiều lúc, nhiều diễn đàn, nhiều cấp khác nhau. Bởi đây là vấn đề nổi cộm dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Nổi lên hơn cả là giá cả đền bù giải phóng mặt bằng, lấy đất cho dự án. Phần lớn số vụ kiện tụng là do giá đất người dân được đền bù quá thấp, bị thiệt hại nên không chấp nhận.

Ở đây có vấn đề: giá đất trước khi dự án chính thức hình thành và giá đất khi dự án đã triển khai. Thường thì người dân được đền bù với giá thấp (nhiều khi rất thấp) khi hình thành dự án.

Nhưng sau đó, khi dự án đã thành hình thì giá đất cao vọt, khiến người bị thu hồi đất cảm thấy thiệt hại, cảm giác như bị lừa. Với doanh nghiệp khi bàn bạc, thỏa thuận với người dân để lấy đất làm dự án, bao giờ cũng xuất phát từ lợi nhuận của mình nên tìm mọi cách hạ giá đền bù. Đây chính là mấu chốt của vấn đề dẫn đến khiếu kiện sau này.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong trường hợp này, lợi ích của người dân đã bị hy sinh vì lợi ích của doanh nghiệp và trách nhiệm của chính quyền là rất lớn.

Thực tế cho thấy, để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, người dân đã hy sinh lợi ích của mình, không ít người còn tình nguyện hiến đất mà không đòi hỏi quyền lợi vật chất.

Nhưng cũng không thể vì thế mà để quyền lợi của họ bị xâm hại, lòng tốt bị lợi dụng. Địa phương nào cũng muốn có dự án, họ phải đứng giữa một bên là doanh nghiệp - còn bên kia là người dân.

“Phân xử” thế nào cho công bằng, không thể để doanh nghiệp không có lợi nhuận khi bỏ vốn đầu tư nhưng cũng không để người dân mất đất bị thiệt hại- đó là nhiệm vụ của chính quyền.

Nhưng, với quá nhiều vụ khiếu kiện đất đai liên quan đến dự án, có thể nói rằng chính quyền nhiều nơi chưa làm hết trách nhiệm. Từ đó người dân cho rằng mình bị “xử ép”, bị “lừa” dẫn đến bất bình.

Một vấn đề khác rất đáng quan tâm là sau khi có được đất thì dự án lại “trùm mền” hoặc thay đổi mục đích sử dụng. Với dự án “trùm mền”, đất đai bị bỏ hoang trong khi người dân thiếu đất canh tác, đó là điều rất xót xa.

Còn khi dự án được “phù phép” thay đổi mục đích sử dụng, không loại trừ cả việc san nền phân lô để bán, thì tình hình lại càng căng thẳng.

Rõ ràng người dân bị thu hồi đất cho mục tiêu chung của địa phương đã bị gạt ra bên lề của cuộc chơi, phần thiệt hại rơi vào những người thấp cổ bé họng. Quyền lợi của địa phương, quyền lợi của doanh nghiệp, nhưng cũng cần phải tính đến quyền lợi của người dân.

Vì thế, nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì khi thực hiện án thì đều phải đặt lợi ích và quyền lợi của người dân lên trước hết, phải tìm hiểu nguyện vọng, tìm hiểu đời sống của người dân.

Nói cách khác, người dân phải được dự phần vào dự án, cao hơn là phải được hưởng lợi từ dự án chứ không phải là đối tượng bị gạt ra bên lề.

Bài toán lợi ích của 3 bên (chính quyền địa phương - doanh nghiệp - người dân) khi thực hiện dự án phải được đặt ra một cách minh bạch, sòng phẳng.

Người dân không thể tự mình bắt tay với doanh nghiệp hoặc với chính quyền để giành phần lợi cho mình. Chính quyền và doanh nghiệp cũng không thể “đi đêm” với nhau mà lạm vào quyền lợi của dân. Quyền lợi của một trong 3 đối tượng không bảo đảm sẽ phát sinh mâu thuẫn.

Hài hòa lợi ích của các bên là bài toán khó. Khi không thể bắt doanh nghiệp hy sinh lợi ích của mình cho người dân thì chính quyền phải là đại diện cho dân để thương thảo.

Chỉ có như vậy bài toán sẻ chia lợi ích mới được giải, người dân vĩnh viễn bị mất đất cho dự án mới thực sự được thụ hưởng quyền lợi chính đáng của họ.

Thật đáng tiếc với nhiều dự án dẫn đến khiếu kiện, những dự án gây ra hậu họa môi trường..., thì đều thấy rằng tiếng nói của người dân trước đó đã không được tôn trọng.

Chính quyền mờ nhạt trong vai trò bảo đảm quyền lợi của người dân, chăm lo đời sống cho nhân dân. Bài học kinh nghiệm rút ra là phải tăng cường giám sát, trong đó vai trò rất quan trọng thuộc về Mặt trận Tổ quốc các cấp- nơi được cho là gần dân nhất, hiểu dân nhất. Và, bản thân người dân cũng phải được quyền giám sát.

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”- chủ trương ấy phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Khi đó, bài toán chia sẻ lợi ích mới được giải một cách thỏa đáng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài toán lợi ích

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO