Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp phiên thứ 12

M.Loan 29/04/2021 17:02

Ngày 29/4/2021, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tổ chức Phiên họp thứ 12 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương để thảo luận, cho ý kiến vào một số đề án.

Ban Chỉ đạo nghe Báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật”; Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” do Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp trình; và Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật” do Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị.

Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thống nhất đánh giá: Việc thực hiện Đề án “Xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật” và Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” đã được Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chỉ đạo tổng kết nghiêm túc, toàn diện.

Sau hơn 7 năm thực hiện Đề án, hai trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự chuyển biến tích cực về mọi mặt, từng bước mở rộng quy mô đào tạo, chú trọng hoàn thiện giáo trình, đổi mới phương pháp đào tạo; hoạt động nghiên cứu khoa học có chuyển biến tích cực; đội ngũ giảng viên ngày càng được tăng cường, chất lượng được nâng lên; cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập được được quan tâm, đầu tư trọng điểm, giúp hai trường có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại; hơp tác, trao đổi đào tạo cán bộ pháp luật trong và ngoài nước được tăng cường, mở rộng.

Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô đào tạo chưa đạt mục tiêu đã được xác định trong Đề án; chất lượng đào tạo của hai trường chưa có chuyển biến mang tính đột phá so với yêu cầu; hoạt động nghiên cứu khoa học chưa có tính ứng dụng cao, tiềm năng nghiên cứu khoa học chưa được khai thác tốt; việc phát triển đội ngũ giảng viên còn gặp khó khăn, số lượng giảng viên còn thiếu so với yêu cầu của Đề án và so với nhu cầu mở rộng quy mô đào tạo; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập chưa tương xứng với một cơ sở hàng đầu của cả nước về đào tạo cán bộ pháp luật.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp.

Để tiếp tục xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật cần đánh giá kỹ hơn, thẳng thắn hơn về những tồn tại, hạn chế, bất cập về tổ chức, hoạt động của hai trường, trong đó cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác đào tạo luật, nhất là trong bối cảnh cho các trường tự chủ đào tạo, tạo môi trường thuận lợi cho hai trường phát triển xứng đáng là trường trọng điểm đào tạo nhân lực về pháp luật, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và nhu cầu của xã hội.

Xác định rõ trách nhiệm của hai trường trong việc tự khẳng định vị thế của mình là những cơ sở có uy tín, kinh nghiệm trong đào tạo luật, trong đó, chú trọng xây dựng và triển khai chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên có chất lượng, có thể giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, coi đây là điều kiện quan trọng để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế; tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật trong tất cả các khâu từ việc xác định chuẩn đầu vào; xây dựng, ban hành Chuẩn chương trình đào tạo, kiểm định chặt chẽ chất lượng đào tạo và kết quả đầu ra của hai trường.

Việc thực hiện Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp, thời gian đầu quy mô đào tạo, bồi dưỡng được mở rộng, trong đó có đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và lớp đào tạo nghề luật sư chất lượng cao; đã phát triển được đội ngũ giảng viên thỉnh giảng và giảng viên cơ hữu; hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng mới toàn bộ, chuyển đổi từ học niên chế sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Tuy nhiên, so với mục tiêu ban đầu chưa đạt được, nhất là sau khi Học viện Tòa án và Đại học Kiểm sát được thành lập đã và đang được thực hiện đào tạo bậc đại học chuyên ngành và đào tạo nghiệp vụ để bổ nhiệm các chức danh tư pháp thẩm phán, kiểm sát viên; một số chỉ tiêu đề ra mới đạt kết quả ở mức trên trung bình; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Học viện chưa cao.

Về kiến nghị tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” đến năm 2030, Ban Chỉ đạo cho rằng, để có cơ sở đề xuất cho tiếp tục thực hiện Đề án, đề nghị cần làm rõ hơn lý do của việc đề xuất, trong đó xác định cụ thể phạm vi đào tạo, đối tượng đào tạo phù hợp với bối cảnh hiện nay; xác định những nhiệm vụ trọng tâm, nhất là các nhiệm vụ đào tạo 3 chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư nhằm trang bị mặt bằng kiến thức chung cho các chức danh tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán từ các chức danh tư pháp khác; đào tạo luật sư chất lượng cao; đào tạo chương trình tiếng Anh pháp lý cho luật sư và cán bộ tư pháp đủ năng lực tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Đối với Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật”. Ban Chỉ đạo đánh giá cao sự cố gắng của Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng Đề án, tán thành với sự cần thiết phải xây dựng Đề án, nhất là trong bối cảnh cho các trường tự chủ, việc đào tạo cử nhân luật theo nhu cầu thị trường, có sự cạnh tranh rất lớn giữa các cơ sở đào tạo luật hiện nay (cả nước hiện có đến 95 cơ sở đào tạo luật). Tuy nhiên, qua nội dung của Đề án cho thấy: số liệu đánh giá chưa phản ánh rõ thực trạng kiểm soát chất lượng đào tạo luật của Việt Nam như kiểm soát việc cấp mã ngành đào tạo, kiểm soát chất lượng đầu vào, chất lượng đầu ra, quá trình đào tạo, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho từng cơ sở, đội ngũ giảng viên của từng cơ sở...; chưa có giải pháp mang tính đột phá để giải quyết những bất cập đang nổi lên trong đào tạo cử nhân luật thời gian qua....

Để có cơ sở đề xuất các giải pháp tăng cường chất lượng đào tạo cử nhân luật, Đề án cần đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn thực trạng công tác đào tạo cử nhân luật, nhất là những hạn chế, khó khăn, vướng mắc về: Thể chế; số lượng, chất lượng giảng viên; chất lượng tuyển sinh đầu vào, giáo trình, tài liệu, cơ sở vật chất của của từng cơ sở đào tạo cử nhân luật...dựa trên các tiêu chí nhất định và theo loại hình cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, cần đánh giá toàn diện, đầy đủ, cụ thể hơn thực trạng kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân luật hiện nay, nhất là về các phương thức kiểm soát chất lượng đào tạo luật.

Ngoài các giải pháp kiểm soát chất lượng đào tạo mà đề án đã đưa ra, cần bổ sung các giải pháp cụ thể, có tính đột phá, khả thi để kiểm soát chất lượng đào tạo luật một cách thực chất, hiệu quả như rà soát, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo luật trên phạm vi cả nước bằng cơ chế kiểm soát, đánh giá chất lượng, năng lực, uy tín của các đơn vị đào tạo luật nhằm chấn chỉnh, sắp xếp lại hợp lý theo hướng siết chặt công tác đào tạo cử nhân luật, thu gọn và chỉ duy trì các cơ sở có đủ năng lực, uy tín.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp phiên thứ 12

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO