Bản đồ vaccine đang dần rộng ra

Hà Anh 02/06/2021 06:30

Theo dữ liệu cập nhật do Bloomberg công bố, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử đang được triển khai với hơn 1,38 tỷ liều đã được tiêm ở 176 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỉ lệ tiêm chủng mới nhất là khoảng 22,5 triệu liều một ngày. Tỉ lệ này đang tăng đều đặn khi nhiều nước và khu vực đang không ngừng tăng tốc trong chiến dịch tiêm chủng của mình. Đặc biệt, nhiều nước đã bắt đầu cấp phép tiêm chủng cho trẻ em.

Chiến dịch tiêm chủng đang được đẩy mạnh chưa từng thấy ở nhiều nước.

1.Ngày 1/6, Ủy viên phụ trách y tế của Liên minh châu Âu (EU) Stella Kyriakides cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) đã cấp phép sử dụng vaccine phòng Covid-19 của hãng dược Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.

Thông báo trên được đưa ra 3 ngày sau khi Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) “bật đèn xanh” cho việc sử dụng vaccine ngừa Covid-19 đối với thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên, cho rằng lợi ích của việc tiêm vaccine vượt trội so với những rủi ro.

Cũng trong ngày 1/6, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Italy (Aifa) cũng đã cấp phép sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-15 tuổi.

Trong khi đó, ngày 1/6 là dấu mốc quan trọng trong chiến dịch tiêm chủng chống dịch Covid-19 của nước Pháp. Những người từ 18 tuổi trở lên, nếu có nhu cầu, đã bắt đầu được tiêm liều vaccine đầu tiên.

Chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Pháp đang tiến triển rất nhanh. Theo con số thống kê của Bộ Y tế Pháp, đã có 25.763.596 người, tương đương 49,1% số người trưởng thành và 38,5% tổng dân số Pháp, được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19. Trong đó, gần 11 triệu người đã được tiêm đủ 2 mũi, tương đương gần 21% số người trưởng thành và 16,4% tổng dân số.

Không chỉ trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tuyên bố đạt “miễn dịch cộng đồng,” Malta còn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là một trong những mô hình phòng chống dịch hiệu quả.

Chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 với tốc độ “5 s/mũi tiêm,” như chia sẻ của Bộ trưởng Y tế Malta Chris Fearne, có thể coi là “bí quyết” giúp Malta đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm chủng.

Đến nay, quốc đảo này đã hoàn tất tiêm chủng 2 liều cho 42% dân số trưởng thành, và ít nhất 1 liều cho hơn 70% dân số trưởng thành. Các loại vaccine mà Malta sử dụng tiêm là Pfizer-BioNtech, AstraZeneca, Moderna và Johnson&Johnson.

2.Tại châu Á, ngày 1/6, Chính phủ Nhật Bản cũng đã cấp phép sử dụng vaccine phòng Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ) cho nhóm trẻ từ 12-15 tuổi. Như vậy, đây là loại vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng với trẻ em ở Nhật Bản.

Công ty dược của Mỹ đã đề xuất cấp phép sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-15 tuổi sau khi kết quả thử nghiệm lâm sàng với 2.260 trẻ em cho thấy vaccine của hãng có hiệu quả bảo vệ lên tới 100% với trẻ em trong độ tuổi này.

Chính phủ Nhật Bản đã đạt các thỏa thuận đặt mua lượng vaccine Pfizer đủ cho 97 triệu người và ký kết hợp đồng mua vaccine từ một số quốc gia khác như Moderna (Mỹ) và AstaZeneca (Anh/Thụy Điển).

Cùng ngày, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc (MOHW) cho biết, nước này có thể hoàn thành việc tiêm chủng cho khoảng 14 triệu người vào cuối tháng 6 tới, nhiều hơn 1 triệu người so với mục tiêu đưa ra hồi đầu tháng.

Số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho thấy, đã có hơn 10% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19. Số người đã được tiêm chủng đầy đủ (cả hai mũi tiêm theo yêu cầu) đạt 2 triệu người, tương đương 4% dân số.

Tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ở Hàn Quốc đang gia tăng sau nhiều tuần triển khai chậm chạp. Chỉ tính riêng trong 7 ngày qua, trung bình 183.022 liều vaccine/ngày đã được sử dụng.

Trong khi đó, ngày 1/6, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thông báo mở rộng chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19, đồng thời tăng tốc xét nghiệm và truy dấu. Theo đó, thanh thiếu niên độ tuổi 12-18 sẽ được tiêm vaccine, trước khi nhóm người từ 39 tuổi trở xuống được đưa vào chương trình tiêm chủng.

Singapore là một trong những nước đầu tiên trên thế giới cho thanh thiếu niên được tiêm vaccine trước khi hoàn tất chiến dịch tiêm chủng trên người trưởng thành. Hiện nay, hơn một phần ba dân số 5,7 triệu người của Singapore đã tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Tuy nhiên, dữ liệu do Bloomberg công bố cũng cho thấy, hiện các nhà sản xuất cung cấp đủ liều vaccine Covid-19 để tiêm chủng đầy đủ cho 9,1% dân số toàn cầu, nhưng sự phân bố không đồng đều. Các quốc gia và khu vực có thu nhập cao nhất đang tiêm chủng nhanh hơn khoảng 25 lần so với những quốc gia có thu nhập thấp nhất.

3.Sự do dự tiêm vaccine của người dân ở một số nước và sự cẩn trọng khi sử dụng vaccine cho trẻ em đang khiến thế giới ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới.

Như ở Malaysia, ngày 1/6, Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba thông báo, trong tổng số 82.341 ca nhiễm nCoV ở trẻ nhỏ, có tới 19.851 trường hợp là trẻ em dưới 4 tuổi và 8.237 ca nhiễm trong độ tuổi 5-6. Số ca nhiễm Covid-19 trong các độ tuổi 7-12 và 13-17 tại Malaysia lần lượt là 26.851 và 27.402 trường hợp.

Bộ trưởng Baba bày tỏ lo ngại về con số hơn 82.000 ca nhiễm ở trẻ nhỏ dù chưa có bệnh nhân nhỏ tuổi nào phải vào phòng chăm sóc tích cực. Ông khuyên các bậc cha mẹ không nên chủ quan, có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ các con khỏi virus như tránh tới chỗ đông người.

Trong khi đó, ở Ấn Độ, với sự thờ ơ của đa số người dân đối với vaccine, một lãnh đạo ở bang Uttar Pradesh đã nghĩ ra cách nhằm khuyến khích người dân đi tiêm chủng. Theo đó, ông Hem Kumar Singh, lãnh đạo của quận Etawah, bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ, đã yêu cầu các cửa hàng bán rượu phải dán thông báo “không bán cho những người chưa tiêm vaccine Covid-19”.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ thực hiện chiến dịch tiêm chủng chậm chạp và người dân vẫn xếp hàng dài trước các quán rượu thay vì xếp hàng tiêm vaccine Covid-19.

Nhiều người dân ở các vùng nông thôn và ngoại thành Ấn Độ đang tỏ ra hoài nghi về vaccine Covid-19. Hình ảnh gần 200 người tháo chạy quanh làng Sisaunda và nhảy xuống dòng sông ở bang Uttar Pradesh để tránh tiêm vaccine một tuần trước đã lan truyền khắp mạng xã hội Ấn Độ. Đám đông gọi vaccine Covid-19 là “thuốc độc” nên không muốn tiêm.

Phát biểu tại phiên bế mạc Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 74 ngày 31/5, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, con đường thoát đại dịch là sử dụng phù hợp và nhất quán các biện pháp y tế cộng đồng, kết hợp với thúc đẩy tiêm chủng công bằng. Ông kêu gọi các nước thành viên cam kết hỗ trợ để đạt các mục tiêu như ít nhất 10% dân số toàn cầu được tiêm chủng tính đến cuối tháng 9 và ít nhất 30% trước cuối năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bản đồ vaccine đang dần rộng ra

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO