Bán lẻ trỗi dậy

Duy Khang 05/12/2021 14:00

Kinh tế có thể thực sự phục hồi hay không, điều đó phụ thuộc vào thời gian bao phủ tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19, hay nói cách khác, cả nước hoàn thành mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Theo giới chuyên gia, đây sẽ là “bàn đạp” để các ngành kinh tế bứt phá, trong đó có ngành bán lẻ.

Các nhà bán lẻ hồi phục

Thế giới bắt đầu mở cửa khi đã xác định “sống chung với Covid-19”, trong nước cũng đã bước vào giai đoạn bình thường mới hơn 2 tháng qua. “Hộ chiếu vaccine” là giải pháp để chúng ta bắt đầu phục hồi kinh tế. Trong đó, các ngành du lịch, dịch vụ, bán lẻ… là những ngành bị tổn thương nặng nề bởi Covid-19 coi “hộ chiếu vaccine” như chiếc chìa khóa quan trọng để vực dậy. Đơn cử, ngành du lịch dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn cho du khách quốc tế vào tháng 6/2022.

Việc các địa phương đang thúc đẩy bao phủ vaccine là điều kiện để chúng ta tin tưởng vào sự hồi phục này. Tính đến chiều 4/12, cả nước đã tiêm gần 127 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Có 59/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho 80% dân số; trong đó 28 tỉnh, thành đạt tỷ lệ trên 95%. Dự kiến Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối quý I/2022. Trong khi đó, các loại thuốc điều trị Covid-19 cũng đang cho kết quả tích cực như Remdesivir, Molnupiravir.

Với ngành bán lẻ cũng đang có nhiều động thái để phục hồi. Nhìn vào bức tranh ngành bán lẻ gần một năm qua, có thể thấy, ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đã khiến doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp (DN) ngành bán lẻ bị sụt giảm mạnh trong 3 quý đầu năm 2021. Hà Nội và TP HCM thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong hầu hết quý III/2021 đã khiến cho các dịch vụ bán lẻ không thiết yếu phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động.

Lũy kế 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ cả nước đạt 3.437 nghìn tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý III chỉ đạt 928 nghìn tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của 3 DN lớn nhất là Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG), Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ), Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã chứng khoán: FRT) lần lượt đạt 30.203 tỷ đồng và đạt 672 tỷ đồng; lần lượt giảm 9% và 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, bước sang quý IV-2021, DN bán lẻ có nhiều động lực hồi phục khi thời điểm cuối năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua sắm và chi tiêu được đẩy mạnh.

Cụ thể, theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 10 tăng 18,5% so với tháng trước đó. Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng, bán lẻ hàng hóa vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 82,8%.

Trên thực tế, kể từ tháng 10/2021 – thời điểm bắt đầu bước vào giai đoạn bình thường mới, sự khởi sắc của các DN bán lẻ đã dần bộc lộ rõ hơn. Đơn cử, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động - một DN nằm trong top đầu của ngành bán lẻ, đã phải chịu thua lỗ trong quý III/2021 khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 24.333 tỷ đồng và 785 tỷ giảm; lần lượt giảm 5% và 17% so với cùng kỳ năm 2020. Song sự thua lỗ này chỉ diễn ra trong thời gian giãn cách xã hội. Thực tế, đó cũng là tình hình chung của tất cả các lĩnh vực kinh tế, không riêng gì ngành bán lẻ.

“Điểm cộng” cho thấy sự hồi phục rõ rệt của DN này chính là kế hoạch gia tăng số cửa hàng, mở rộng thị phần và toàn bộ hệ thống cửa hàng mở cửa trở lại ngay khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường. Rõ hơn, trên thị trường chứng khoán, MWG chốt phiên 19/11 ở mức 139.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 8,7% so với chốt phiên giao dịch cuối tháng 9/2021.

Nhiều nhà phân phối bán lẻ lớn như Vincom, Aeon, Lotte Center cũng sôi động hơn với nhiều chương trình kích cầu mua sắm cuối năm. Đây cũng là một minh chứng cho thấy, các lĩnh vực thuộc ngành bán lẻ đang “bắt nhịp” với giai đoạn bình thường mới, khởi động sau những biến cố do dịch Covid-19 gây ra.

Savills Việt Nam cho rằng, cuối năm là thời điểm trùng với nhiều lễ hội, vì vậy sẽ làm gia tăng nhu cầu mua của người dân nói chung như Giáng sinh, năm mới và Tết Nguyên đán dự kiến đến sớm hơn mọi năm. Với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn thì việc tiêu dùng, chi tiêu của người dân cũng sẽ bắt đầu quay trở lại để bù lại nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén trong suốt thời gian giãn cách vừa qua.

Quý IV-2021 được kỳ vọng là thời điểm mà mức tiêu dùng bùng nổ mạnh mẽ, đây chính là cơ sở để các DN ngành bán lẻ trỗi dậy sau những khó khăn bởi dịch bệnh.

Nỗ lực chuyển mình đáp ứng xu thế mới

Theo các chuyên gia, khi hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi sau giãn cách, nhu cầu của người tiêu dùng cũng đã khác nên bên cạnh chuyển đổi số, ngành bán lẻ còn cần bắt kịp sự thay đổi của thị trường. Đặc biệt, thời điểm cuối năm này là giai đoạn “bùng nổ” nhu cầu mua sắm với đa dạng các mặt hàng, từ thời trang, hóa mỹ phẩm đến trang trí nội thất, điện máy chứ không chỉ tập trung vào những nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm.

Chị Nguyễn Kim Thu (phố Lương Định Của, Hà Nội) cho rằng, mặc dù các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã được phục vụ khách hàng tại chỗ từ hồi cuối tháng 10 đến nay và nhiều hoạt động thương mại cũng đã từng bước mở cửa trở lại song gia đình chị Thu gần như đã quen dần với việc mua sắm hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử.

“Trong thời gian qua, gia đình tôi đã thay đổi thói quen chủ yếu mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến với tần suất và giá trị đơn hàng nhiều hơn” – chị Thu chia sẻ. Theo chị Thu, kênh mua sắm trực tuyến ngày càng tiện lợi khi khách hàng có thể đặt hàng bất kể lúc nào, thanh toán qua chuyển khoản rất thuận tiện, hàng được giao tận nhà... từ đó làm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Thực tế, thời gian qua, dịch bệnh đã khiến hầu hết người dân đã chuyển dần thói quen mua sắm, từ trực tiếp sang trực tuyến.

Giới chuyên gia khẳng định, trước sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng, các nhà bán lẻ cần nắm bắt xu hướng để có thể chuyển mình nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Thừa nhận những tín hiệu nóng dần lên của thị trường bán lẻ, song nhiều ý kiến cho rằng, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, các DN ngành bán lẻ cần có những giải pháp, chiến lược để vừa hồi phục, vừa chống dịch một cách hiệu quả, an toàn. Bên cạnh đó, đưa ra những chiến lược dài hơi để có thể đảm bảo sự phát triển ổn định.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu, Savills Việt Nam cho rằng, các thương hiệu cần phải chú ý đến những kế hoạch bền vững để giữ được lượng khách trung thành của mình, song song với đó là những chiến lược về dịch vụ chăm sóc khách hàng, hậu mãi ngay trong thời gian tới.

Giới chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị cần duy trì chặt chẽ các biện pháp về 5K để coi việc thực thi quy định này như một tiêu chuẩn của quá trình bình thường mới.

Chia sẻ với báo giới, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhấn mạnh, thời gian qua, các DN bán lẻ đã nỗ lực để thích ứng, như củng cố hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự; đổi mới phương thức kinh doanh phù hợp với tình hình.

Đáng chú ý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh dịch bệnh, ngành bán lẻ đã đẩy mạnh hơn phương thức bán hàng đa kênh, trong đó kênh bán hàng trực tuyến tăng trưởng nhanh chóng. Các DN bán lẻ đã và đang nỗ lực chuyển mình để đáp ứng với xu thế mới của thị trường.

Trong thời gian dịch bệnh, lượng hàng được mua trực tuyến tăng gấp nhiều lần so với trước dịch và tăng so với kênh bán hàng trực tiếp. Theo bà Hạnh, đây chính là động lực cho phát triển ngành này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, các DN, nhà bán lẻ, thương nhân, tiểu thương... dù kinh doanh ở kênh bán lẻ nào cũng cần xác định đối tượng khách hàng mục tiêu để có phương thức kinh doanh, bán hàng phù hợp.

Khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho hay, khoảng gần 40% DN bán lẻ cho rằng, để doanh thu của ngành bán lẻ sau làn sóng Covid-19 lần thứ tư có thể phục hồi cần từ 7 đến 12 tháng, và có 20% DN thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh lạc quan hơn, nhận định thị trường phục hồi sau khoảng 6 tháng khi mà du lịch mở cửa, người dân hoạt động nhộn nhịp trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bán lẻ trỗi dậy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO