Bán lương tâm rẻ quá

Tinh Anh 31/01/2021 07:40

Mới đây, một phụ nữ bị rơi tiền trên đường (tại quận 7, TP Hồ Chí Minh) đã bị bà bán nước và người đi đường nhanh tay nhặt hết. Mặc cho người phụ nữ đáng thương khóc lóc van xin, những người nhặt tiền vẫn thản nhiên đút tiền vào túi. Hành vi trên của những kẻ vô lương, tham tiền khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc, phẫn nộ.

Làm sao có thể không bất bình, khi mà truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là tương thân tương ái, nhưng một số kẻ lại nhặt tiền rơi ngay trước mặt khổ chủ, nhất quyết không trả lại. Số tiền 30 triệu đồng đối với một số người là không nhiều, nhưng đối với người phụ nữ trên lại chính là sự tích cóp cả năm trời để chữa bệnh cho người thân.

Những người cúi mặt xuống nhặt tiền rơi của người phụ nữ rồi đút túi nếu xét về nhân cách thì không bằng cả những đứa trẻ mới chỉ học lớp 1, lớp 2. Họ là những người lớn, trưởng thành, có suy nghĩ độc lập, biết phân biệt đâu là đúng – sai, nhưng vì lòng tham đã che mờ mắt nên họ chọn việc làm sai trái thay vì tích đức hành thiện.

Thử hỏi, khi đoạn video clip trên được phát tán rộng rãi, con cái họ xem được “bộ mặt thật” của bố mẹ, ông bà như vậy thì chúng sẽ nghĩ sao đây? Chẳng phải hàng ngày các vị vẫn ra rả dạy con cái phải chăm ngoan, lễ phép, làm điều tốt, tránh điều xấu đó sao? Vậy thì con cái sẽ nghĩ gì về bộ mặt đạo đức giả của các vị?

Nhiều người khi xem đoạn video clip thấy xót xa cho người phụ nữ. Một số người còn nói chị đã thiếu may mắn khi không gặp được những đứa trẻ mới chỉ 6-7 tuổi đầu, vì các cháu sẽ sẵn sàng trả lại số tiền ấy cho chị. Đơn giản là bởi chúng có đầy đủ sự nhân nghĩa mà một con người sống trên đời cần có, không như những người kia.

Suy nghĩ trên là hoàn toàn xác đáng, bởi trên thực tế có rất nhiều đứa trẻ nhặt được tiền đánh rơi đã giao nộp cho thày cô giáo hoặc lực lượng công an để trả lại người mất. Thử hỏi chúng có thích tiền không? Thích chứ, bởi nếu giữ lại số tiền nhặt được, chúng sẽ có thể mua bánh kẹo, đồ chơi và bất kỳ cái gì chúng thích.

Vậy câu hỏi đặt ra là vì sao những đứa trẻ lại lựa chọn trả lại cho người đánh rơi số tiền chúng nhặt được? Đơn giản vì chúng được sinh ra và nuôi dưỡng trong những môi trường thiện lành, bố mẹ chúng dù nghèo nhưng cũng không tham tiền để bán rẻ lương tâm. Với tấm gương sáng của ông bà, cha mẹ, làm sao chúng có thể đánh mất lương tri?

Nói như vậy sẽ có ý kiến phản biện cho rằng, do những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới” nên mới dễ dàng trả lại tiền nhặt được cho khổ chủ. Nếu ai đó lập luận kiểu này thì thực sự tôi và nhiều người khác trong xã hội không còn gì để nói với họ. Có thể nói, đây là tư duy ích kỷ, tham lam và nguy hiểm hơn là sự ngụy biện cho hành vi sai trái.

Thôi thì cứ tạm chấp nhận cái lý sự cùn này đi, nhưng với những trường hợp người nghèo vẫn vô tư trả lại tiền nhặt được thì lý giải sao đây? Chẳng phải trong đợt thiên tai lũ lụt tại miền Trung vừa qua, có không ít người dân nghèo khi vô tình nhặt được tiền trong hàng cứu trợ đã cố tìm để trả lại cho khổ chủ hay sao?

Đến những người giàu “nứt đố, đổ vách” mà vẫn cần tiền, huống hồ gì là người nghèo. Song, thay vì ỉm đi và đút túi số tiền nhặt được, những người dân nghèo vẫn tìm cách trả lại cho chủ nhân của tài sản đánh rơi. Điều đó chỉ có thể giải thích, họ là những người có nhân cách cao cả, tuyệt vời, họ không chấp nhận bán lương tâm với giá rẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bán lương tâm rẻ quá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO