Bản quyền vaccine

Mai Phương 23/10/2021 07:21

Câu chuyện quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 đã được đề cập suốt hơn 1 năm qua, nhưng cho đến nay vấn đề này vẫn chưa đạt được sự thống nhất từ nhiều nước thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bởi vẫn còn những ý kiến trái chiều.

Tích cực ủng hộ

Phát biểu với báo giới hôm 22/10, Phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Piere kêu gọi các nước thành viên WTO ủng hộ việc miễn trừ sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 và cần phải hành động một cách khẩn trương và đầy tham vọng nhằm mở rộng sản xuất vaccine ngay từ bây giờ.

Đây không phải lần đầu việc từ bỏ bản quyền vaccine Covid-19 được nhắc đến. Nam Phi và Ấn Độ cũng từng đề xuất việc này với WTO. Do đó, ngay khi Mỹ bày tỏ quan điểm của mình, hai quốc gia này đã nhiệt liệt ủng hộ. Theo lãnh đạo hai quốc gia trên, việc chia sẻ công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ sẽ làm tăng tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 trên toàn cầu.

Hơn 100 quốc gia cũng đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) can thiệp để buộc các quốc gia phát triển và hãng dược phẩm từ bỏ bản quyền vaccine Covid-19, chia sẻ công nghệ để các nước khác có thể sản xuất loại vaccine này. Theo lãnh đạo nhiều quốc gia, các nước phát triển đang kiểm soát hầu hết lượng vaccine Covid-19 được sản xuất trên thế giới, dẫn đến tình trạng dư thừa vaccine tại các nước này. Trong khi đó, nhiều quốc gia nghèo trên thế giới chỉ nhận được “nhỏ giọt”.

Trên thực tế, theo thống kê của AFP, trong gần 1,25 tỷ liều vaccine Covid-19 được sử dụng tại ít nhất 210 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, có tới khoảng 45% đã được dùng tại các nước phát triển, chiếm 16% dân số toàn cầu. Ngược lại, chỉ 0,3% số liều vaccine đã được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, chiếm 9% dân số thế giới.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảo ngược quan điểm của chính quyền tiền nhiệm để ủng hộ đề xuất này hồi tháng 5 nhưng vẫn chưa có đột phá nào được thực hiện nhằm cụ thể hóa ý tưởng này.

Cùng với việc được nhiều quốc gia ủng hộ, ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của các “ông lớn” ngành dược và các quốc gia sở tại của họ với lập luận rằng bằng sáng chế không phải là rào cản chính đối với việc mở rộng quy mô sản xuất và cảnh báo động thái này có thể cản trở sự đổi mới.

Vào tuần trước, sau nhiều tháng bất đồng, cuộc thảo luận giữa các thành viên WTO về vấn đề này tại Geneva (Thụy Sĩ) mang tính xây dựng hơn, nhưng vẫn chưa thể đi đến thống nhất chung. Một quan chức WTO cho biết, đã có những dấu hiệu đáng khích lệ. Nam Phi đề nghị các thành viên WTO có sự lựa chọn cụ thể, hoặc tạm đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng Covid-19 để thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ tiêm chủng trên thế giới hoặc theo cách thức của Liên minh châu Âu (EU), đó là linh hoạt trong các quy tắc để giải quyết vấn đề cung cấp vaccine mà không cần từ bỏ bằng sáng chế.

Theo Tổng Giám đốc WTO, Ngozi Okonjo-Iweala, các cuộc đàm phán về việc từ bỏ bản quyền đối với vaccine ngừa Covid-19 đã “bế tắc”, nhưng các cuộc tham vấn không chính thức vẫn đang tiếp tục. Bà bày tỏ tin tưởng các bên có thể sớm tìm được tiếng nói chung. WTO muốn đạt được một thỏa thuận về ứng phó toàn cầu với Covid-19 tại hội nghị bộ trưởng ở Geneva từ 30/11 tới 3/12.

WHO cũng đã trấn an các hãng dược phẩm rằng, đề xuất tạm thời đỉnh chỉ bản quyền đối với vaccine ngừa Covid-19 không đồng nghĩa với một nỗ lực “giật” quyền sở hữu trí tuệ mà chỉ nhằm kiểm soát dịch càng sớm càng tốt.

Từ bỏ bản quyền vaccine có giải quyết được vấn đề?

Theo nhiều chuyên gia, ngay cả khi các bằng sáng chế được dỡ bỏ ngay lập tức, sẽ không có gì có thể bảo đảm việc sản xuất vaccine sẽ được tăng tốc trên toàn thế giới, bởi dây chuyền sản xuất vaccine vốn rất phức tạp và cần đầu tư đáng kể, trong đó dây chuyền lạnh nghiêm ngặt ở -70°C phải được duy trì để bảo đảm sản xuất.

Bằng sáng chế cũng hoàn toàn không phải là rào cản chính đối với việc gia nhập sản xuất vaccine cho bất kỳ công ty sản xuất vaccine nào của Ấn Độ, Brazil hoặc Nam Phi. Các rào cản thực sự đối với việc gia nhập là công nghệ, bí quyết cụ thể và thâm dụng vốn.

Có thể thấy rằng trong khi một số nước ủng hộ thì một số quốc gia khác lại cho rằng đó là một sai lầm. Việc dỡ bỏ các bằng sáng chế cũng có thể sẽ là một lực hãm sự đổi mới và nghiên cứu vốn sẽ cần phải tiếp tục, đặc biệt là để ứng phó với các biến thể mới. Như lập luận được ông Frédéric Collet, Chủ tịch Công ty Dược phẩm Pháp, đưa ra: “Việc dỡ bỏ các bằng sáng chế về vaccine sẽ không giải quyết được thách thức của sản xuất hàng loạt và sẽ đe dọa sự đổi mới trong tương lai. Điều thúc đẩy các công ty dược phẩm đổi mới, đôi khi bị thua lỗ, là khả năng tiếp cận thị trường an toàn trong một thời gian giới hạn, nhờ vào các bằng sáng chế”.

Hay như người phát ngôn của chính phủ Đức từng cho biết rằng “bảo vệ sở hữu trí tuệ là nguồn gốc của sự đổi mới và phải duy trì như vậy”. Farasat Bokhari, chuyên gia kinh tế chuyên về các vấn đề cạnh tranh và sức khỏe tại trường đại học East Anglia (Anh), cũng cho rằng nếu các bằng sáng chế được dỡ bỏ, các công ty dược phẩm “sẽ không có động cơ đầu tư vào lần tiếp theo khi có trường hợp khẩn cấp”.

Có thể về lâu dài, việc từ bỏ sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 là quyết định mang tính trọng yếu, làm thay đổi mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2 ở phạm vi toàn cầu, song trong ngắn hạn, việc làm này khó có thể mang lại những kết quả như mong muốn để chấm dứt đại dịch.

Giới phân tích cho rằng, tuyên bố của Mỹ là một quan điểm mang tính bước ngoặt đối với cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu. Tuy nhiên, việc tạm thời từ bỏ bản quyền vaccine Covid-19 sẽ gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian, trong khi WTO cần phải có được sự đồng thuận của tất cả 164 quốc gia thành viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bản quyền vaccine

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO