Bão Covid vẫn càn quét châu Á

Phan Quang Vũ 13/12/2020 07:21

Khi mà số người mắc SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã gần tới mốc 80 triệu, thì châu Á cũng không nằm ngoài trận bão dịch kinh hoàng này. Tuần qua là tuần chứng kiến nhiều quốc gia châu Á rất vất vả với Covid-19 khi mà số người nhiễm tăng nhanh và số ca tử vong cũng tăng cao. Nhật Bản, Indonesia là hai quốc gia “vất vả” nhất châu lục; trong khi Ấn Độ vừa phải đối phó với Covid-19 vừa phải tìm mọi cách để chặn sự đe dọa của “căn bệnh bí ẩn” cũng rất nguy hiểm.

Một bà mẹ Indonesia lo ngại cho đứa con của mình trong dịch Covid-19.

1. Ngày 10/12, thủ đô Tokyo (Nhật Bản) ghi nhận thêm 602 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm trong ngày tại Tokyo vượt 600 ca kể từ khi đại dịch bùng phát tại Nhật Bản (đầu tháng 3/2020).

Cho đến ngày 10/12, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Tokyo là 45.529 người, trong đó gần 2.000 bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Có 59 trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch. Trong số ca nhiễm mới tại Thủ đô nước Nhật thì bệnh nhân trong độ tuổi 30 nhiều nhất, với 137 ca. Tiếp đến là bệnh nhân độ tuổi 20 và 40 lần lượt là 135 và 111 ca.

Bão dịch buộc chính quyền Tokyo vẫn phải duy trì cảnh báo ở mức cao nhất. Theo quy định hạn chế hiện đang được áp dụng, các cửa hàng ăn uống phục vụ rượu, bia, cửa hàng karaoke… chỉ được mở cửa đến 10h tối, áp dụng đến ngày 17/12.

Đáng chú ý, số ca mắc Covid-19 tăng nhanh đã ảnh hưởng đến hệ thống y tế của thủ đô Tokyo. Chủ tịch Hội Y học Tokyo Haruo Ozaki đã cảnh báo khả năng các bệnh viện ở đây không thể cứu sống các bệnh nhân trong bối cảnh số người nhập viện vì dịch Covid-19 liên tục tăng. Ông Ozaki cho biết ngày càng có nhiều người trung niên và cao tuổi mắc Covid-19, trong khi thời gian điều trị nội trú kéo dài hơn.

Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn của Chính phủ Nhật Bản, Shigeru Omi, cho rằng cần đưa các khu vực có số ca nhiễm mới tăng cao ra khỏi chương trình kích cầu du lịch của nước này. “Đó là điều phải làm khi mà số ca mắc Covid-19 trong ngày (10/12) tại Nhật Bản phá vỡ mọi kỷ lục trước đó” - ông Ozaki nói.

Cũng trong ngày 10/12, số ca mắc mới trên toàn Nhật Bản là 2.811 - con số cao nhất kể từ mùa dịch, vượt qua con số kỷ lục trước đó là 2.678 ca vào ngày 28/11. Tính đến ngày 11/12, tổng số ca mắc trên cả nước Nhật là gần 171.000 người và số ca tử vong cũng đã vượt qua con số 2.500.

Trong bối cảnh đó, không phải người dân Tokyo nào cũng đồng tình với cách quản lý phòng dịch Covid-19 của Chính phủ. Nổi lên là việc chính quyền buông lỏng các biện pháp phòng dịch vì mục đích hồi phục kinh tế. Khôi phục lại kinh tế và ngành du lịch, đồng ý là như thế, nhưng giữa đợt dịch thứ 3 thì không - nhiều người nêu ý kiến.

Hàng trăm người, trong đó có trẻ em, mắc bệnh lạ ở Ấn Độ. Ảnh: Getty Images.

2. Còn với Indonesia, dịch bệnh có vẻ còn khủng khiếp hơn. Số ca nhiễm SARS-CoV-2 liên tục tăng khiến cho nền kinh tế đất nước này rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Chính phủ Indonesia dự báo khoảng 3,5 triệu người ở nước này mất việc làm trong năm nay.

Kể từ đầu tháng 11, người ta đã chứng kiến “bước tụt lùi mạnh” của nền kinh tế Indonesia sau hơn 20. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh và tiêu dùng ở quốc gia có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này, khiến hàng triệu việc làm bị mất, không kể những người mất việc tạm thời.

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Indonesia đã giảm 3,49% trong quý 3 năm nay so với cùng kỳ năm 2019. Mức giảm này lớn hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Trước đó, mức giảm trong quý 2 là 5,32%.

Tuy nhiên, Chính phủ Indonesia vẫn hy vọng suy thoái kinh tế chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati nói rằng “điều tồi tệ nhất đã qua đi” đối với nền kinh tế xứ vạn đảo, với tình hình phục hồi được ghi nhận trong cả đầu tư và tiêu dùng, cho dù dịch bệnh vẫn hoành hành dữ dội.

Còn người đứng đầu Cục Thống kê Trung ương Indonesia, ông Suhariyanto, cho biết dù rơi vào suy thoái trong hơn 20 năm, nền kinh tế nước này đã cho thấy bước cải thiện trong quý 3 so với quý 2 ở nhiều lĩnh vực. Nhưng theo ông Gareth Leather- nhà kinh tế học chuyên về châu Á tại Công ty nghiên cứu Capital Economics thì “sự phục hồi sẽ tiếp tục diễn ra trong các tháng tới, nhưng có thể chậm chạp và thất thường. Tuy rằng, vẫn theo ông Leathr, mặc dù Indonesia chưa thể kiểm soát được dịch Covid-19, số ca mắc mới dường như đang giảm đi và điều này sẽ cho phép nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Trong một nỗ lực không mệt mỏi, Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu các bộ trưởng tăng chi tiêu ngân sách cho đến hết năm 2020. Ông Widodo đã ký thông qua một luật mới nhằm thu hút đầu tư và tạo công ăn việc làm, bất chấp nó đã gây nhiều tranh cãi, kể cả những ý kiến không tán đồng đến từ Tòa án Hiến pháp.

Theo Hãng tin Bloomberg, Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Suharso Monoarfa hi vọng mức tăng trưởng GDP trong quý cuối cùng của năm 2020 thay vì dự báo giảm 1,6% sẽ tăng 0,6%. “Hi vọng năm nay sẽ khép lại với mức tăng trưởng khoảng 0 hoặc trên 0” - ông Monoarfa nói.

Đáng chú ý, cùng với việc nỗ lực phục hồi và đưa nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng, Chính phủ Indonesia cũng rất chú trọng tới việc nhập vaccine từ bên ngoài để chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19. Mới đây, nước này đã nhận được lô vaccine Covid-19 đầu tiên từ Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã lên kế hoạch tổ chức tiêm chủng đại trà để mở lại du lịch ở đảo Bali năm tới.

Tổng thống Joko Widodo cho biết 1,2 triệu liều vaccine Covid-19 do Hãng dược phẩm SinoVac của Trung Quốc sản xuất đã được chuyển tới nước này. Dự kiến còn 1,8 triệu liều nữa và các vật liệu thô để sản xuất khoảng 45 triệu liều vaccine Covid-19 sẽ được chuyển tới Indonesia trong năm 2021. Cư dân trên đảo Bali là những người đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 nhập từ Trung Quốc.

Trên đường phố Tokyo (Nhật Bản).

3. Tại Ấn Độ, trong khi Covid-19 vẫn hoành hành, thì lại xuất hiện căn bệnh bí ẩn khiến hàng trăm người mắc.

Theo tờ The Indian Express, khoảng 300 người đã báo cáo các triệu chứng của căn bệnh không xác định ở vùng Eluru ở Andhra Pradesh. Trong số 300 người bị nhiễm, khoảng 140 người sau đó đã được nhập viện vì các triệu chứng liên quan. Theo các bác sĩ, các triệu chứng bao gồm buồn nôn, co giật và thậm chí bất tỉnh.

“Những người bị ốm, đặc biệt là trẻ em, đột nhiên bắt đầu nôn sau khi kêu nóng mắt. Một số người trong số họ bị ngất xỉu hoặc lên cơn co giật. Một số trong tình trạng nguy kịch khi họ được đưa đến viện hôm 5/12, nhưng hiện tại tất cả họ đều an toàn”, một nhân viên y tế cho biết.

Đáng chú ý, mặc dù một số người đưa ra giả thuyết rằng những bệnh nhân mắc bệnh đã bị Covid-19, nhưng tất cả các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Người đứng đầu Cơ quan Y tế bang Andhra Pradesh, Alla Kali Krishna Srinivas, nói rằng các mẫu máu không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc nhiễm virus.

Mới đây, nhà chức trách Ấn Độ cho biết đã tìm ra dấu vết trong mẫu máu của hàng trăm bệnh nhân mắc căn bệnh bí ẩn kia. Chính quyền bang Andhra Pradesh cho biết, một nhóm các bác sĩ đã tìm thấy dấu vết của chì và niken trong các mẫu máu của bệnh nhân. Nồng độ cao của chì trong máu có thể làm suy giảm sự phát triển của não, hệ thần kinh và các cơ quan thiết yếu như tim và phổi.

Giám đốc y tế công cộng, bà Geeta Prasadini của bang Andhra Pradesh, nói rằng “đó là tia sáng để ngăn chặn căn bệnh bí hiểm”.

“Thật may, nó không phải là một biến thể của Covid-19”, bà Geeta nói.

Ngày 10/12, giới chức tỉnh Hắc Long Giang (phía Đông Bắc Trung Quốc), thông báo đã phát hiện một ca lây nhiễm mới trong cộng đồng ở tỉnh này. Đó là bệnh nhân nam, 40 tuổi, họ Kong, có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Đông Ninh. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 của thị trấn, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 9/12 và sau đó được xác nhận mắc Covid-19. Ngay sau đó, chính quyền thị trấn Đông Ninh đã khởi động chương trình khẩn cấp, cử đoàn kiểm tra dịch tễ, thực hiện xét nghiệm acid nucleic và khử trùng các khu vực bệnh nhân đi qua. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Kong cũng lập tức được xét nghiệm và theo dõi y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bão Covid vẫn càn quét châu Á

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO