Báo Cứu Quốc đặc san về vấn đề hải ngoại (*)

Xuân Thủy 04/01/2022 07:08

Một buổi tối, tại một ngôi chùa ở đầu làng Ngọc Giang ven đê, bên ngọn đèn dầu trước bệ thờ Phật, tôi ngồi đối diện một anh chạc ngoài ba mươi tuổi, quần áo nâu, vầng trán cao rộng, mắt to và sáng. Ở đấy gọi tên anh là anh Toàn. Tôi nhận ra anh Đặng Xuân Khu, mà sau này là anh Trường Chinh.

Xem Báo Cứu Quốc mới in xong ở đèo Bụt (Bắc Giang - 1948). Người ngồi giữa, quàng khăn là Chủ nhiệm Xuân Thủy.

Anh Toàn nói cho tôi nghe vắn tắt về Hội nghị Trung ương tháng 5/1941, Chương trình và Điều lệ Việt Minh, về sự diễn biến của chiến tranh thế giới. Anh khẳng định phe đồng minh sẽ toàn thắng. Hít - le đang đại bại trước sức mạnh phản công của quân đội Liên Xô. Nhật, Pháp không tránh khỏi bắn nhau. Quân Tưởng Giới Thạch có thể lấy danh nghĩa đồng minh kéo vào Việt Nam đánh Nhật. Cách mạng Việt Nam phải biết nắm cơ hội này giành quyền chủ động vì độc lập tự do của Tổ quốc. Vấn đề là phải nhanh chóng tập hợp lực lượng cách mạng trong nước và ngoài nước.

Trong nước, ta có Việt Minh đang đà lớn mạnh và có nhiều chiến khu du kích. Ngoài nước, ta nhằm những người Việt Nam yêu nước ở Trung Hoa và ở Xiêm (Thái Lan). Trước mắt, đối với vấn đề “Hoa quân nhập Việt”, ta phải biết cách ứng phó kịp thời, phải làm sao thống nhất được những nhóm cách mạng Việt Nam ở Trung Hoa vì lẽ này lẽ khác còn đang bị chia rẽ, phức tạp.

Tổng bộ Việt Minh ủng hộ một cuộc hội nghị đại biểu các lực lượng cách mạng Việt Nam ở trong nước và ngoài nước trên đất Trung Hoa để đẩy mạnh cuộc cách mạng Việt Nam đã đến lúc quyết định. Việt Minh đã có Báo Cứu Quốc. Nay ra số đặc biệt “Cứu Quốc đặc san về vấn đề hải ngoại” để nói rõ Việt Minh tha thiết với tiền đồ của dân tộc, sẵn sàng cùng các lực lượng cách mạng của Việt Nam ở ngoài nước chuẩn bị cho một cuộc hội nghị đại biểu kể trên. Tất nhiên phải nói cả đến việc liên minh Hoa Việt chống Nhật.

Anh nói một cách sôi nổi và mạch lạc, với lý lẽ vững vàng, những lời chắc nịch và đầy tin tưởng. Rồi anh nêu nội dung số “Cứu Quốc đặc san về vấn đề hải ngoại”. Sau khi trả lời tôi một số câu hỏi và trao đổi một số ý kiến, anh phân công tôi viết mấy bài cho đặc san.

Đằng sau chùa có một nhà tranh gần lũy tre thông ra cánh đồng. Anh Toàn và tôi ăn cơm trong nhà này, thức ăn bày trên chiếc bàn mộc. Cơm hẩm, muối vừng, thỉnh thoảng có đậu phụ kho tương. Nhà sư và chú tiểu giúp đỡ chúng tôi chu đáo. Anh Toàn ăn xong, sáng sớm ra đi, cũng bộ quần áo nâu, kèm thêm chiếc ô thâm, đến tối mới về. Một mình tôi ở lại ngôi nhà tranh làm việc.

Tôi giở tờ Cứu Quốc số 1 ra xem. Báo ra 4 trang giấy trắng, chữ đen, in li-tô (in đá), mỗi trang khuôn khổ 30.40 cm. Trang 1, phía trên, suốt 4 cột bề ngang là chữ Cứu Quốc to, nét đậm đều nhau; giữa chữ Cứu Quốc có ngôi sao năm cánh tỏa ra mỗi bên năm tia sáng.

Dưới chữ Cứu Quốc có khung ngang dài 4 cột. Trong khung đề: Cơ quan cổ động của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh. Số 1.

Dưới đó, tờ báo chia hai. Bên trái cột liền có bài “Vài lời giới thiệu”; dưới là bài “Đội Cứu quốc quân muôn năm”. Bên phải chia hai cột, có bài “Hợp quần cứu quốc”, nói về chính sách của Việt Minh.

Cuối trang 1 có khẩu hiệu: Đánh Pháp đuổi Nhật. Trang 2, chia bốn cột rõ, tiếp những bài của trang 1. Trang 3, cũng bốn cột. Hai cột bên trái là bài “Sóng gió năm châu”. Hai cột bên phải là bài “Chiến tranh Thái Bình Dương và tình hình Việt Nam”. Cuối trang 3 có khẩu hiệu: Việt Nam độc lập!.

Trang 4 chia hai cột lớn. Cột một có bài “Sự quan hệ giữa hai cuộc cách mạng Trung Việt”. Còn lại là bài “Ngọn lửa đấu tranh” và bài tiếp về “Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương…”. Giữa trang có bài thơ tám câu của cụ Phan Chu Trinh gửi các nhà nho. Dưới trang là khẩu hiệu: Dân chủ tự do.

Tôi đọc kỹ lời giới thiệu và kêu gọi của Báo Cứu Quốc số 1.

“Hỡi các giới sĩ, nông, công, thương, binh!

Hỡi các đoàn thể Cứu Quốc!

Hỡi toàn thể đồng bào nước Việt Nam!

Đã 80 năm, Tổ quốc kính yêu mất quyền độc lập, sa vào vòng nô lệ của giặc Pháp tham tàn.

Đã 80 năm, dân tộc Việt Nam phải mang trên trán vết quốc sỉ nhuốc nhơ mà máu đào của bao nghĩa sĩ anh hùng tới nay chưa rửa sạch.

Giờ đây, quốc sỉ tăng thêm nhục nhã; quốc thù tăng thêm căm hờn.

Giờ đây, giang sơn tiêu điều lại thêm giặc Nhật chà đạp, tấm thân trâu ngựa lại thêm một tầng áp bức đọa đầy. Nhật khai chiến với Anh, Mỹ lôi cuốn xã hội ta vào vòng bom đạn.

Trước cảnh tượng nước mất nhà tan thê thảm, Cứu Quốc – cơ quan cổ động của Việt Nam Độc lập Đồng Minh ra đời, thống thiết kêu gọi đồng bào mau hợp sức cùng lòng đánh đuổi Pháp – Nhật, rửa nhục cho non sông, đưa Tổ quốc tới vinh quang độc lập.

Cứu Quốc sẽ giãi bày nỗi lầm than thống khổ của nhân dân.

Cứu Quốc sẽ nêu cao ý muốn thiết tha của trăm họ.

Cứu Quốc sẽ là người chỉ dẫn trung thành cùng đồng bào tiến bước trên đường giải phóng dân tộc.

Hỡi quốc dân đồng bào!

Cứu Quốc nguyện làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Mong đồng bào yêu nước hãy tận tâm ủng hộ Cứu Quốc về mọi phương diện: Hãy kiên quyết tiến lên dưới bóng cờ đỏ sao vàng.

Đánh đổ giặc cướp nước Pháp, Nhật!

Đánh đổ bọn bán nước thân Pháp, thân Nhật!

Việt Nam độc lập, tự do muôn năm!

Cứu Quốc”

Tôi trầm ngâm một hồi lâu suy nghĩ về giọng văn thống thiết và hùng hồn của lời mở đầu, rồi mới đọc đến các bài khác, rất phấn khởi.

Trong khi làm việc ở đây, tôi biết anh Toàn (anh Trường Chinh) là Tổng Bí thư của Đảng được bầu trong Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (tháng 5/1941), do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Anh chẳng những phụ trách chung mọi mặt mà còn trực tiếp phụ trách Báo Cờ Giải phóng của Trung ương Đảng và Báo Cứu Quốc của Việt Minh.

Một buổi tối, sau khi kiểm điểm những bài cho “Cứu Quốc đặc san về vấn đề hải ngoại” đã đủ, anh Toàn bảo: Tôi muốn anh làm việc ở đây, những nơi khác cần anh hơn và đang chờ anh. Tôi không hỏi đến đâu và làm gì, mà chỉ trả lời: Tôi sẵn sàng làm theo quyết định của đoàn thể.

Sáng mai sớm, tôi chia tay với anh Toàn một cách lưu luyến, rồi theo người liên lạc ra đi, từ giã ngôi chùa, tượng Phật, nhà sư, chú tiểu đều chân thành vì nước vì dân.

Sau này tôi nhận được “Cứu Quốc đặc san về vấn đề hải ngoại” thấy in ti - pô rất đẹp. Tôi ngắm nghĩa mãi tờ tập san dày 24 trang, khuôn khổ 16.24cm, bài màu xanh nhạt, có chữ:

Cứu Quốc

Cơ quan tuyên truyền cổ động

Của Việt Nam Độc lập đồng minh,

Đặc san về vấn đề hải ngoại

11-1944

Trang bìa cuối có chữ Trung Quốc: Cứu Quốc đặc san – Hải ngoại vấn đề.

Phía trong của bìa 1 có quảng cáo:

- Hãy đọc các Báo Bắc Sơn, Cứu Quốc, Cờ Giải phóng, Đuổi giặc nước, Giải phóng, Hồn nước, Kèn gọi lính, Lao động.

Muốn biết cách đánh đuổi Nhật, Pháp thế nào, hãy đọc: “Vấn đề du kích”, “Cách đánh du kích”, “Công tác phá hoại”, “Chiến tranh du kích”.

Bên cạnh quảng cáo trên, lại có một đoạn: “Một đồng tiền bỏ ra mua tín phiếu của Việt Minh là một viên đạn dành để bắn vào đầu lũ giặc Nhật, Pháp, là một viên gạch góp lại xây đắp lâu đài cho dân tộc Việt Nam”.

Tôi lại ngắm nghía tập đặc san và lấy làm lạ: Báo bí mật thường in thạch, in đất, in đá…. “Cứu Quốc đặc san về vấn đề hải ngoại” làm thế nào in ti-pô (chữ chì, in máy) được?

Sau này nghe kể lại, tôi mới biết anh Phạm Đức Khiêm phụ trách nhà in của Trung ương Đảng in Báo Cờ Giải phóng và Báo Cứu Quốc đã liên lạc với Hội Công nhân cứu quốc ở một số nhà in Hà Nội, nhất là nhà in IDEO (nhà in của Pháp), cứ mỗi ngày đi làm về, anh em công nhân bí mật lấy một ít chữ in hoa đưa đến một nơi, có người mang ra ngoại thành.

Anh Nguyễn Lương Hoàng đã chế một thứ khuôn xếp những chữ in kể trên và chính anh Hoàng đã trực tiếp in “Cứu Quốc đặc san về vấn đề hải ngoại” đẹp như vậy. Thật là tuyệt.

Nhà báo Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm (1912-1985), tại thôn Hòe Thị, tổng Phương Canh, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Ông bắt đầu làm ký giả từ thập niên 1930 và hoạt động cách mạng từ năm 1932 thông qua báo chí. Bút danh Xuân Thủy của ông ra đời trong thời kỳ này và trở thành tên gọi của ông suốt nhiều năm cho đến khi ông qua đời. Từ năm 1938 đến 1943, ông nhiều lần bị địch bắt giam, bị đưa đi lưu đày, nhưng ông vẫn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực báo chí cách mạng chống thực dân.

Đầu năm 1944, ông được trả tự do. Ông trở lại hoạt động cách mạng trong phong trào Việt Minh, làm Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc, tờ báo của Tổng bộ Việt Minh từ thời kỳ bí mật khi tờ báo còn đặt ở Núi Thầy (1944). Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Báo Cứu Quốc ra công khai, phát hành hàng ngày. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông lại theo Báo Cứu Quốc lên chiến khu Việt Bắc.

Năm 1948, ông được bầu làm Ủy viên thường trực Thường vụ Tổng bộ Việt Minh và giữ cương vị này cho đến năm 1950. Năm 1949, ông tổ chức lớp đào tạo cán bộ làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng, được xem như người đặt nền móng trong việc đào tạo lớp nhà báo đầu tiêu cho kháng chiến. Năm 1950, ông được bầu làm Chủ tịch Hội những người viết báo Việt Nam khóa I. Năm 1951, ông được bầu làm Trưởng ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt.

Ông từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris (1968-1973).

Theo * Bài đăng trên Kỷ yếu 60 năm Báo Đại Đoàn Kết
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo Cứu Quốc đặc san về vấn đề hải ngoại (*)

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO