Báo Cứu quốc ra đời trong giai đoạn khó khăn của cách mạng Việt Nam

Hoàng Chiến 18/12/2021 10:00

Ngày 25/1/1942, báo Cứu quốc ra số đầu tiên đã đi vào lịch sử hào hùng của báo chí cách mạng Việt Nam, lịch sử Việt Minh và nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Báo chí rút vào hoạt động bí mật

Nhìn về hình thức, báo chí cách mạng cũng trong tình trạng chung của báo chí giai đoạn 1939 - 1945 là số lượng giảm so với giai đoạn 1936 - 1939. Tuy nhiên, nghiên cứu sâu sắc sẽ thấy tình hình có khác với tình hình báo chí nói chung.

Nếu báo chí công khai giảm về số lượng đồng thời mất đi cả xu hướng tiến bộ, thì báo chí cách mạng giai đoạn này chỉ giảm về số lượng, “nhưng về khí thế, nó phản ánh rõ hướng đi tới ngày toàn thắng".

Vì nhiều lý do, trong đó có việc phải xuất bản trong điều kiện bí mật, cơ sở vật chất từ tòa soạn đến nhà in báo, trang thiết bị kỹ thuật, đến giây mực và tài chính vô cùng thiếu thốn nên số lượng không nhiều băng giai đoạn trước, "nhưng chất lượng bài vở tốt hơn, nội dung phong phú hơn và hình thức trình bày đẹp hơn. Nhiều tờ có "tuổi thọ" dài hơn thời kỳ bí mật trước, vì cơ quan đầu não chỉ đạo báo chí tuy bị thiệt hại ít nhiều chứ không tan vỡ.

Cơ sở in báo rộng lớn, nếu không may bị lộ chỗ này thì có ngay nơi dự bị xuất bản và điều kiện bảo vệ cho việc biên tập, in, phát hành nói chung vững vàng hơn, chỉ di chuyển khi cần thiết chứ không bị dập tắt".

Tuy nhiên, do điều kiện bí mật, phân tán, thông tin không kịp thời nên báo chí cách mạng cũng có những hạn chế. Cụ thể như việc tạp chí Tiến lên - cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ khu C (gồm đảng bộ các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình) ra số 1 trước Hội nghị Trung ương 6 (11/1939) nên còn có những bài viết với thông tin bất cập, không theo kịp tình hình.

Ngoài ra, do chiến tranh, địch khủng bố, bắt bớ, cấm đoán ráo riết hơn nên việc xuất bản, phát hành cũng khó khăn hơn. Nhiều nhà báo bị bắt, nhiều nhà hoạt động cách mạng đồng thời là những người chỉ đạo các tờ báo cách mạng cũng bị bắt làm cho số lượng phát hành khó khăn.

Có thể nói, trong hai năm 1940 - 1941, nhiều đồng chí Trung ương đã anh dũng hy sinh như: Phùng Chí Kiên, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến...

Những mất mát đó của cách mạng đồng thời cũng ảnh hưởng đến báo chí cách mạng. Đảng chủ trương rút vào hoạt động bí mật để bảo toàn lực lượng, đồng thời có phương thức hoạt đồng mới hiệu quả hơn, nhưng không phải tất cả đảng viên và nhất là quần chúng đều hiểu như vậy.

Nhiều người nghĩ rút vào bí mật là thoái lui, thủ tiêu đấu tranh, giảm khí thể cách mạng. Rõ ràng rút vào bí mật, tìm cách hoạt động, mở rộng mặt trận, đoàn kết đấu tranh chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ và tạo thời cơ là một chủ trương sáng suốt nhưng cần phải quán triệt trong Đảng và trong quân chúng, tạo sức mạnh của sự thống nhất.

Tổ chức lớp tập huấn, tuyên truyền miệng trực tiếp là những phương pháp có hiệu quả nhưng khó tổ chức rộng rãi, khó thực hiện trong điều kiện chiến tranh đi lại khó khăn, địch canh phòng nghiêm ngặt, khủng bố tàn bạo. Không có báo chí, một phương tiện hữu hiệu để "tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể" khó có thể đẩy phong trào cách mạng đi lên trong hoàn cảnh những năm 1939 - 1945.

Mềm dẻo sử dụng báo chí để tuyên truyền

Xuất bản báo chí công khai không thể tiếp tục. Ngay như việc bí mật xuất bản báo Giải phóng của Xứ ủy Bắc Kỳ bị lộ, số 3 bị tịch thu hết, rồi số 8 in xong cũng phải hủy... làm cho số tờ báo đã giảm, số lượng phát hành, tới tay bạn đọc cũng bị hạn chế.

Tình hình thực tiễn cho thấy, phải ra báo mới, phải tăng cường cả số lượng và chất lượng báo chí cách mạng là yêu cầu thực tế khách quan. Mỗi tổ chức cách mạng ra đời khi có điều kiện cần có cơ quan cổ động tuyên truyền của mình để tập hợp lực lượng, góp phần vào khí thế chung của cách mạng trong điều kiện chiến tranh gian khổ, hy sinh nhưng cũng có nhiều cơ hội chuyển biến thành công của cách mạng.

Hội nghị Trung ương 7 (11/1940) đã chỉ rõ: "Về phương diện tuyên truyền: Đa số Trung ương bị thất bại một năm nay (ý nói nhiều Ủy viên Trung ương bị địch bắt) làm cho tờ báo thống nhất của toàn Đảng chưa ra được. Nhưng mỗi xứ một tờ báo làm cơ quan tuyên truyền cổ động cho toàn xứ: Tiến lên ở Nam Kỳ, Bẻ xiềng sắt ở Trung Kỳ, Giải phóng ở Bắc Kỳ. Ngoài ra, nhiều khu hoặc liên tỉnh cũ có báo riêng".

Với tình thần ấy một loạt các báo cách mạng đã ra đời. Ngày 1/5/1940, tờ Phá ngục - cơ quan của Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương do Trung ương chỉ đạo ra số đầu tiên.

Ngày 25/3/1941 báo Giải phóng - cơ quan tuyên truyền của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra số 1 tập mới.

Sau đó, báo Việt Nam độc lập ra số 1 ngày 1/8/1941, tạp chí Cộng sản xuất bản vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/1941...

Tuy nhiên, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 cũng chỉ rõ: "Về mặt tuyên truyền, phải áp dụng một chiến thuật hết sức mềm dẻo, thống nhất, thích hợp với chính sách cứu quốc của Đảng và sát hợp với tình thế xảy ra hàng ngày, phải tránh những lối tuyên truyền khô khan, trong lúc này không nên đưa chủ nghĩa cộng sản ra tuyên truyền, huy hiệu cờ đỏ, búa liềm không nên dùng luôn. Các sách báo tuyên truyền không nên dùng danh nghĩa Đảng nhiều, phải lấy danh nghĩa các đoàn thể cứu quốc vì Việt Minh thay vào".

Hoàn cảnh lịch sử nói chung, yêu cầu cổ động, tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh và tình hình báo chí nói riêng trong giai đoạn này cho thấy việc báo Cứu quốc - cơ quan cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh ra đời là phù hợp với yêu cầu thực tế khách quan và tiến trình cách mạng Việt Nam. Và Cứu quốc cùng với Việt Nam độc lập, Cờ giải phóng thực sự là những tờ báo cách mạng tiêu biểu thời kỳ này.

Ngày 25/1/1942, báo Cứu quốc ra số đầu tiên đã đi vào lịch sử hào hùng của báo chí cách mạng Việt Nam, lịch sử Việt Minh và nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo Theo cuốn "Lịch sử xây dựng và phát triển Báo Đại Đoàn Kết", NXB Sự thật, 2012
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo Cứu quốc ra đời trong giai đoạn khó khăn của cách mạng Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO