Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Rào cản từ chính sách

Lê Bảo 23/12/2021 09:09

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của lao động phi chính thức là chủ cơ sở, lao động tự làm và lao động gia đình rất thấp ngay cả khi thu nhập của họ cao hơn chuẩn nghèo. Nguyên nhân khiến nhiều người không mặn mà được cho là vướng nhiều rào cản về chính sách khi tham gia bảo hiểm xã hội đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Những con số đáng suy ngẫm

Sau 6 tháng không tìm được việc làm đúng với chuyên ngành, Nguyễn Văn Tú (39 tuổi, ở Hà Nội) quyết định về mở cửa hàng kinh doanh riêng. Với 13 năm tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) thay vì chọn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, anh Tú quyết định rút BHXH 1 lần. “Chọn lựa rút BHXH 1 lần không phải vì tôi cần vốn mà do tôi thấy chính sách BHXH tự nguyện thiếu tính hấp dẫn nên “ngại” không muốn tiếp tục tham gia” - anh Tú chia sẻ.

Đáng tiếc là đây cũng không phải là trường hợp “hiếm gặp”.

Ngại không muốn tham gia vì rào cản chính sách được chỉ ra từ lâu trong quá trình thực hiện lộ trình mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Và đây cũng là thực tế được chỉ ra tại kết quả nghiên cứu “Tổng quan và phân tích chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam”, do Oxfam tại Việt Nam cùng mạng lưới Hành động Vì người lao động di cư (M.net) thực hiện. Báo cáo nghiên cứu đã chỉ ra thực tế, đa phần người lao động phổ thông đang thiếu chế độ bảo vệ thông qua hệ thống an sinh xã hội dù họ đã tham gia lực lượng lao động chính thức. Tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc của các chủ cơ sở đã có đăng ký kinh doanh chỉ vào khoảng 3-17%. Điều đáng nói là dù đã được pháp luật quy định nhưng lao động làm việc theo hợp đồng ngắn hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm hoặc dưới 3 tháng thường không được thực hiện chế độ BHXH bắt buộc theo quy định.

Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện của lao động phi chính thức là chủ cơ sở, lao động tự làm và lao động gia đình rất thấp ngay cả khi thu nhập của họ cao hơn chuẩn nghèo. Nguyên nhân khiến người dân không mặn mà theo báo cáo nghiên cứu, có quá nhiều rào cản về chính sách khiến người lao động đắn đo khi tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện.

“Mặc dù chế độ hưu trí và tử tuất trong chính sách BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện về cơ bản là khá tương đồng, nhưng vẫn có một số khác biệt như chế độ hưu trí của BHXH tự nguyện không có hưu trước tuổi, hưu do suy giảm khả năng lao động; chế độ tử tuất của BHXH tự nguyện không có chế độ tuất hàng tháng mà chỉ có tuất một lần. Quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện ít hơn BHXH bắt buộc khi không có các chế độ ngắn hạn khác như chế độ thai sản, ốm đau bệnh tật, và tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp” - Báo cáo nêu rõ.

Đảm bảo bình đẳng về quyền lợi

Nghị quyết số 28-NQ/TW “Cải cách chính sách BHXH” đặt mục tiêu đến năm 2030, khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Để thực hiện mục tiêu trên theo PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần tăng mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH tự nguyện một cách phù hợp để đảm bảo về sức mua của các khoản đã đóng này khi quy đổi về hiện tại do tác động của lạm phát theo thời gian. Đồng thời triển khai các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt như ốm đau, thai sản, trợ cấp gia đình. Đặc biệt với nhóm lao động di cư cần có những chính sách hỗ trợ để tiếp cận được với BHXH tự nguyện, chính sách hỗ trợ bao gồm hỗ trợ về việc làm, vốn để họ có được công việc ổn định từ đó tham gia vào hệ thống an sinh xã hội.

Lý giải thêm, PGS Long cho rằng, hiện nay các chủ cơ sở, lao động tự làm và lao động gia đình tham gia BHXH tự nguyện rất thấp, ngay cả khi thu nhập của họ cao hơn chuẩn nghèo. “Giai đoạn 2019-2020 tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện tăng mạnh nhờ thành công của các chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ về chính sách BHXH tự nguyện tuy nhiên độ bao phủ này rất hạn chế với chỉ khoảng 1,86% lực lượng lao động vào năm 2020, so với tỷ lệ lao động phi chính thức là trên 78%” - PGS Long cho biết.

Thực tế cho thấy, với tỷ lệ bao phủ của BHXH thấp, số người tham gia BHXH tự nguyện còn rất ít, trong khi nhóm lao động khu vực phi chính thức lại chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu việc làm, cần phải xem xét chính sách BHXH tự nguyện một cách toàn diện hơn. Bao gồm cả việc điều chỉnh chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là các nhóm lao động tự do. Do đó, các định hướng chính sách BHXH cần từng bước bổ sung thêm các chế độ bảo vệ để thu hẹp khoảng cách về chế độ giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc.

Tiếp tục kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), quý I/2022 là thời điểm thích hợp để khởi động lại việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng sau 2 năm liên tiếp không tăng. Đời sống công nhân, lao động sa sút sau đợt dịch thứ tư kéo dài. Hiện sản xuất dần phục hồi. Tổng Liên đoàn sẽ tính toán mức tăng lẫn phương án hợp lý, vì lợi ích hai bên và phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu còn góp phần giải quyết bài toán an sinh, mở rộng diện bao phủ BHXH và hạn chế rút BHXH 1 lần. Vẫn theo ông Quảng, mức doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động thấp dẫn đến mức hưởng thấp, bởi lương hưu trong khu vực doanh nghiệp tính bình quân tổng số năm đóng BHXH. Có người nhận lương hưu dưới mức tối thiểu khiến nhiều lao động nản lòng, rời Quỹ hưu trí. Trong khi chờ quy định được điều chỉnh, thì tăng lương đồng nghĩa tăng tiền đóng vào Quỹ BHXH cho người lao động, giúp nâng mức lương hưu họ được hưởng.

M.Sang

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Rào cản từ chính sách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO