Bảo hiểm y tế cho lao động di cư: Thiếu linh hoạt, khó tiếp cận

Khanh Lê 30/08/2016 09:10

“Đăng ký tạm vắng, tạm trú tại nơi làm việc lao động di cư sẽ được tham gia BHYT hộ gia đình”- đây được xem là quy định khá mở tại Khoản 5, Điều 1, Thông tư liên tịch 41/2014 (Thông tư 41) của liên bộ Bộ Y tế và Bộ Tài chính quy định đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình. Tuy nhiên dù cơ chế đã khá “mở”, song lao động phi chính thức vẫn khá thờ ơ với chính sách BHYT...

Ảnh minh họa.

Lao động di cư vẫn khó tiếp cận BHYT

30 năm định cư tại Hà Nội nhưng đến năm 2016 nhờ có sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ phường Chương Dương, bà Nguyễn Thị Thanh mới có được tấm thẻ BHYT. Không giấu được niềm vui bà Thanh chia sẻ: Những người như chúng tôi ai cũng mong có được tấm thẻ BHYT. Thế nhưng vì ngại thủ tục lại không am hiểu các chính sách thế nên suốt 30 năm qua tôi phải tự mình chi trả mỗi khi có bệnh.

Cũng giống như bác Thanh, chị Đỗ Thị Hồng ở phường Chương Dương, Hà Nội được sở hữu tấm thẻ BHYT không dễ. “Giá như những năm trước chúng tôi được giúp đỡ linh hoạt về thủ tục thì tôi không phải gánh nợ viện phí vì không có thẻ BHYT”- chị Hồng nói.

Chia sẻ về những khó khăn của người di cư trong việc tiếp cận mua thẻ BHYT, đại diện Hội Phụ nữ phường Chương Dương cho biết, hiện tại trên phường có 2.000 người di cư sinh sống và làm việc, nhưng số lao động di cư tham gia BHYT là con số 0. Trước thực trạng này, Hội Phụ nữ đã vào cuộc tuyên truyền đồng thời phối hợp với công an phường cải cách về mặt thủ tục, giúp người di cư tiếp cận dễ dàng hơn với chính sách BHYT.

Tuy nhiên dù đã đơn giản hóa về mặt thủ tục, song theo Hội Phụ nữ phường Chương Dương, đến nay toàn phường cũng chỉ mới có 4 người di cư mua thẻ BHYT tự nguyện. Lý do vì phần lớn người di cư vẫn chưa biết đến chính sách này hơn nữa không phải người di cư nào cũng gặp thuận lợi trong việc được chủ nhà đăng ký tạm trú, tạm vắng.

Rào cản từ nhận thức

Bà Phạm Ánh Dương - Phó Giám đốc BHXH quận Long Biên khẳng định, không có vướng mắc gì trong quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, cũng như việc tiếp cận bảo hiểm cho lao động di cư phi chính thức. Vấn đề là cần tuyên truyền để họ hiểu quyền lợi của mình.

“Thủ tục khai báo tạm trú rất đơn giản, chỉ 1 – 2 ngày là có sổ. Tuy nhiên lao động di cư chưa ý thức được vấn đề khai báo tạm trú, tạm vắng hoặc có thể vì tính chất đặc thù của lao động di cư là không ở một nơi cố định nên họ cho rằng không cần thiết. Trong khi đó, việc tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế chủ yếu được thực hiện trên hệ thống phát thanh của địa phương từ khung thời gian là 7 h sáng và 4 h chiều. Thời gian này phần lớn người di cư đi làm, do đó việc tiếp nhận thông tin bị hạn chế. Đây cũng chính là lý do vì sao phần lớn người di cư thờ ơ với chính sách BHYT” - bà Dương nói.

Thực tế kết quả nghiên cứu “Rào cản pháp luật và thực tiễn đối với người lao động di cư trong tiếp cận an sinh xã hội” được thực hiện trong khuôn khổ “Chương trình Quyền Lao động” do Oxfam và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối triển khai tại 4 tỉnh: TP Hà Nội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai cũng chỉ ra rằng, những rào cản tiếp cận BHYT của lao động di cư và gia đình họ một phần do nhận thức (không có nhu cầu, không quan tâm: chiếm 43,5%), một phần do thiếu khả năng tài chính (48,7%), một phần do thiếu thông tin không biết mua ở đâu (15,3%), và một phần muốn mua BHYT tại thành phố nhưng không có hộ khẩu nên không mua được. Bên cạnh đó, việc chờ đợi lâu, bất tiện trong đi lại, thủ tục hành chính phức tạp, cộng với thời gian phần lớn dành cho lao động kiếm sống là các nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ người lao động di cư sử dụng thẻ BHYT thấp.

Nghệ An: Quỹ BHYT vượt chi hơn 330 tỷ đồng

Đó là con số thống kê 6 tháng đầu năm 2016 của Qũy BHYT Nghệ An mà các cơ sở y tế trong tỉnh Nghệ An đề nghị thanh toán đã vượt khả năng chi trả của Quỹ BHYT. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) của Nghệ An thu được là 852 tỷ đồng, trong khi hồ sơ đề nghị thanh quyết toán từ các cơ sở khám chữa bệnh gửi về BHXH tỉnh này đã vượt khả năng chi trả của quỹ. Được biết, trong tổng số 2,4 triệu người được cấp thẻ BHYT ở Nghệ An, chỉ có khoảng 300.000 người đóng BHYT theo lương và hưởng lương hưu, số còn lại là hơn 2 triệu người đóng bảo hiểm theo mức lương cơ sở. Tính bình quân mỗi thẻ BHYT chỉ tương đương 710.000 đồng, trong khi chi phí điều trị ngày càng tăng cao đã khiến cho quỹ BHYT của Nghệ An mất khả năng cân đối.

Bắc Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo hiểm y tế cho lao động di cư: Thiếu linh hoạt, khó tiếp cận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO