Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Hà Nhì

Tùng Linh 15/04/2021 09:00

Người dân Hà Nhì có một không gian sống rất mộc mạc, giản dị, nhưng đời sống tinh thần của con người lại vô cùng phong phú.

Phụ nữ Hà Nhì trong trang phục dân tộc.

Nhiều người khi đến với những bản làng người Hà Nhì ở các xã biên giới (Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn, Chung Chải) thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên luôn cảm thấy ấn tượng về vùng đất này. Nơi đây người dân Hà Nhì có một không gian sống rất mộc mạc, giản dị, nhưng đời sống tinh thần của con người lại vô cùng phong phú. Những năm gần đây, nhận được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cuộc sống người Hà Nhì ở Mường Nhé có không ít đổi thay. Song, bản sắc văn hóa dân tộc vẫn luôn được bà con nơi đây gìn giữ và phát triển.

Sống trên vùng rừng núi rộng lớn, giao thông cách trở, ít có sự giao lưu với các dân tộc khác, nhiều thập niên qua, cộng đồng dân tộc Hà Nhì sinh sống ở 4 xã biên giới của huyện Mường Nhé vẫn được biết đến với bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt. Đó là phong tục, lối sống, là các lễ tết, hội hè, là văn hóa ẩm thực, là vẻ đẹp của trang phục truyền thống và kho tàng văn nghệ dân gian mang phong cách rất riêng.

Người Hà Nhì sống quần tụ bên nhau dưới bóng rừng đại ngàn, nhà cửa chỉ cần vừa đủ ở. Thay vì chinh phục thì họ tìm cách sống hài hòa với tự nhiên. Theo những người già ở xã Leng Su Sìn cho biết: Người Hà Nhì có tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”.

Ngoài phong tục thờ cúng tổ tiên, cộng đồng người Hà Nhì ở huyện Mường Nhé còn thờ các thần tự nhiên. Người Hà Nhì cho rằng, mọi thứ trên trời dưới đất đều có linh hồn, cây cối trong rừng cũng có thần rừng cai quản, nên hàng năm họ thường tổ chức cúng bản, trong đó có các nghi lễ cúng thần núi, thần lửa, thần đất và thần rừng.

Ở các vùng rừng núi quanh khu vực người Hà Nhì làm ruộng, nương và sinh sống đều có các khu rừng thiêng, các đồi thiêng được nhân dân thờ cúng hàng năm. Miếu thờ ở các rừng thiêng, đồi thiêng được nhân dân làm rất đơn giản, bằng cách xếp các hòn đá cổ có sẵn trong tự nhiên thành ban thờ và hàng năm tới đó thờ cúng.

Miếu thiêng ở bản Tá Miếu xã Sín Thầu có ban thờ đá rêu phong cổ kính, gồm một hòn đá nguyên khối xếp ở chính giữa, một nửa chôn dưới đất, một nửa nhô trên mặt đất. Quanh hòn đá này là những hòn đá nhỏ hơn xếp dưới thấp. Nơi đây không chỉ người Hà Nhì ở Sín Thầu, mà người Hà Nhì sống hai bên biên giới nước bạn cũng thường xuyên đến đây cúng lễ.

Trong kho tàng văn hóa độc đáo của người Hà Nhì, không thể không kể đến nét văn hóa “ở”. Người Hà Nhì ở huyện Mường Nhé hiện nay thường dựng nhà khung gỗ, tường đất có cốt là phên tre nứa. Không gian nhà ở của họ thường được thiết kế theo hình chữ L, hoặc hình chữ nhật nhưng được chia làm 2 phần, phía bên phải của nhà ở là bếp, phía ngoài có kho củi, bể nước, cối giã gạo. Thông thường, mỗi gia đình người Hà Nhì đều sẽ có vườn rau, có chuồng nuôi gia súc, gia cầm phía trước nhà.

Làm bánh truyền thống. Ảnh: Phạm Kiên.

Trong dịp Tết Tân Sửu 2021 vừa qua, lần đầu tiên Tết Hà Nhì của 4 xã biên giới huyện Mường Nhé được tổ chức chung như một lễ hội, tại bản Tá Miếu, xã Sín Thầu. Đây là dịp để dân bản sum vầy, vui chơi sau một năm mùa màng vất vả, đồng thời cũng là dịp để giữ gìn và giới thiệu nét văn hóa của mảnh đất, con người Hà Nhì nói riêng và đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung. Tại đây nhiều nét văn hóa truyền thống của người Hà Nhì được giới thiệu, quảng bá.

Mô hình nhà ở của người dân tộc Hà Nhì được giới thiệu trong lễ hội là những ngôi nhà khung cốt bằng tre nứa, với không gian sinh hoạt truyền thống đặc trưng do chính đồng bào tự tay dựng lên. Trong không gian này, trang phục truyền thống của người Hà Nhì, các dụng cụ dùng trong sản xuất nông nghiệp và trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào cũng được trưng bày, giới thiệu.

Tết cổ truyền của người người Hà Nhì thường diễn ra trong ba ngày, bắt đầu vào ngày Thìn, không kể đầu tháng hay cuối tháng 12, tùy từng bản, từng xã tổ chức sớm hay muộn. Cũng như các dân tộc khác, ngày Tết với người Hà Nhì cũng phải đầy đủ, đầm ấm và vui vẻ nên người Hà Nhì chuẩn bị rất chu đáo: Từ trang phục truyền thống đến lương thực, thực phẩm, bánh trái đều tươm tất.

Tết của người Hà Nhì ngày nay được cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp quan tâm đến chúc mừng, chung vui và tạo điều kiện phát triển về phần hội như các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ, thể thao... Sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới đã làm cho ngày Tết của người Hà Nhì thêm phong phú, đa dạng mà vẫn giữ được những nét văn hóa cổ truyền từ ngàn đời nay…

Về văn hóa ẩm thực của người Hà Nhì, tuy không phong phú như ở các vùng thuận lợi nhưng cũng có nhiều nét độc đáo. Vào ngày Tết, các gia đình người Hà Nhì thường làm mâm cỗ cúng tổ tiên và mời anh em, họ hàng đến chung vui. Trong mâm cỗ có đủ các thực phẩm do đồng bào tự nuôi trồng như: Bánh trôi, bánh dày, thịt lợn, thịt gà, cá, rau xanh. Món ăn phổ biến đồng bào Hà Nhì thường chế biến trong mâm cỗ Tết mời khách là món luộc, món rang, xào, món nướng và nộm chua.

Những món ăn độc đáo riêng có của người Hà Nhì là món cháo rau cải, món dưa cải chua xào thịt và món nước chấm chua cay, làm từ vỏ cây me rừng giã nhỏ trộn với các loại gia vị địa phương. Người Hà Nhì không chỉ dùng rau cải tươi để nấu ăn, mà còn dùng cả rau cải phơi khô để dành cho những ngày hanh khô khắc nghiệt, thiếu rau xanh.

Ngày Tết hoặc ngày lễ hội của người Hà Nhì, không thể thiếu các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi. Vào những ngày này, chị em phụ nữ Hà Nhì bỗng trở nên vui vẻ, hoạt bát khác thường. Họ không chỉ biểu diễn những điệu múa đặc trưng một cách đầy cảm xúc trên sân khấu, mà còn cùng nhau ca hát rất vui vẻ trong mâm rượu. Những bài dân ca sôi nổi, trữ tình các cô gái Hà Nhì cất lên khiến cho mọi vất vả, cực nhọc của cuộc sống hàng ngày bay biến, chỉ còn lại tình cảm ấm áp người với người dành cho nhau…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Hà Nhì

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO