Cũng như nhiều dân tộc khác sinh sống trên rẻo cao, người Hà Nhì ở Tây Bắc có nhiều món ăn độc đáo, thể hiện sức sáng tạo và văn hóa ẩm thực riêng. Trong đó, có món bánh trôi thường được bà con làm trong dịp Tết Hồ Sự Chà (Tết cơm mới) - Tết cổ truyền với không gian văn hóa đặc sắc.
Phụ nữ Hà Nhì chuẩn bị bánh cúng trong ngày Tết Hồ Sự Chà.
Trong tiếng Hà Nhì, bánh trôi là “chà lẹ”. Hàng năm, vào tháng 10 âm lịch, bà con dân tộc Hà Nhì tổ chức đón Tết cổ truyền. Người Hà Nhì rất coi trọng sự thiêng liêng trong các ngày lễ, Tết vì thế bà con cũng đón Tết Hồ Sự Chà trong 3 ngày. Trong những ngày Tết, các gia đình chuẩn bị lễ vật cúng mời tổ tiên về mừng năm mới, tổ chức vui chơi, thăm hỏi, chúc nhau những điều may mắn, tốt đẹp.
Tết Hồ Sự Chà tổ chức để mừng cho vụ mùa bội thu, cầu mong tổ tiên phù hộ cho năm mới mọi điều may mắn, tốt lành. Đây được coi là ngày Tết quan trọng nhất đối với người Hà Nhì và bánh trôi được coi là lễ vật thiêng liêng nhất trong ngày này.
Theo tập tục truyền thống, Tết Hồ Sự Chà được tổ chức vào ngày con Rồng đầu tiên của tháng 12 Dương lịch, sau khi được sự bàn bạc thống nhất của hội đồng già làng, trưởng bản. Theo quan niệm của người Hà Nhì, đây là ngày tượng trưng cho sự bình an, giàu có. Bởi vậy, mâm cỗ dâng lên tổ tiên luôn đủ đầy, gồm cả các món mặn và món chay. Trong đó có 5 món không thể thiếu là thịt lợn, bánh trôi, rượu, gạo và lá chè tươi.
Trong ngày Tết đầu tiên, từ lúc sáng sớm, khi tiếng gà gáy mới cất lên, các gia đình chuẩn bị làm bánh trôi. Bà con tin rằng, bánh trôi là món ăn đầu tiên để tổ tiên ăn “lót dạ” khi “về ăn Tết” cùng con cháu. Do vậy, bánh trôi không thể thiếu trong lễ cúng đầu tiên ở mỗi gia đình, dù nhiều hay ít.
Người Hà Nhì chỉ làm bánh trôi không nhân và gạo được sử dụng để làm bánh trôi có thể là gạo nếp nương và cả gạo tẻ. Nhưng bà con ưa chuộng hơn cả là loại nếp nương của riêng người Hà Nhì, dòng gạo do chính các gia đình tự trồng cấy được trong năm.
Cụ thể, gạo nếp nương ngâm qua đêm rồi xay thành bột, nhào đến khi hỗn hợp mềm mịn thì nặn thành từng viên nhỏ bằng ngón tay cái. Dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ Hà Nhì, viên nào viên nấy tròn đều tăm tắp. Cho nước vào nồi đun lên, khi nước sôi, thả bánh vào, rồi đun lửa nhỏ. Đun đến khi bánh nổi lên trên mặt nước là chín, vớt ra để ráo nước rồi mang cúng. Hoặc khi chín, có thể thả tiếp vào nồi nước lạnh để bột bánh không bị dính lại với nhau.
Người Hà Nhì thường nặn riêng 3 chiếc bánh đặt trên chiếc lá chuối non, rắc thêm bột vừng rang chín lên bề mặt bánh, rồi đem vào gian thờ cúng gia tiên. 3 chiếc bánh này thường làm thường được làm tròn trịa và to hơn bánh để ăn. Qua việc này để thể hiện sự tri ân, thành kính, tấm lòng hiếu thuận của con cháu với các đấng sinh thành, bề trên, tiên tổ.
Tại sao lại là 3 chiếc, trong khi đó những món khác thì người Hà Nhì lại làm theo cặp đôi: Cặp bánh chưng, cặp bánh dày, 2 chai rượu, 2đĩa xôi, 2 đĩa thịt lợn, 2 gói muối? Bà con ở đây cho biết, mỗi chiếc bánh trôi đại diện cho Thiên, Địa, Nhân - trời, đất và con người. Đến khi hết lễ Tết, bà con sẽ thả bánh trôi ấy vào trong bếp than, và khi bánh trôi nở ra rất to, bà con nghĩ rằng những thứ đó sẽ phát triển.
Lễ cúng bánh trôi được tiến hành trước cả việc mổ lợn, vốn được coi là bước quan trọng để “làm lý”. Sau lễ cúng bánh trôi, mọi hoạt động của ngày Tết mới được tiếp diễn một cách thuận lợi và vui vẻ.