Bảo tồn cây xanh

Cẩm Thuý 07/06/2017 10:00

Miền Bắc vừa trải qua những ngày nắng nóng dữ dội. Không khó để cảm nhận trong cái chảo rang khổng lồ chụp xuống Hà Nội, đâu là vùng bức bối nhân lên, đâu là khu vực làm dịu đi nắng nóng. Giữa phố Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng với đường Khuất Duy Tiến, Nguyễn Chí Thanh, sự chênh lệch chắc phải cỡ hàng chục độ. Đó là nhờ cây xanh đấy!

Theo kế hoạch, đơn vị thi công mở rộng đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) sẽ chặt hạ hơn 1.000 cây, di chuyển 158 cây, cắt tỉa 142 cây.

Giữa những ngày nắng nóng, người ta lại càng thấy nhức nhối với thông tin di dời 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng và với đề xuất thay thế những cây xà cừ trên toàn thành phố của Sở Xây dựng Hà Nội. Bài học năm 2015, vừa cách đây 2 năm, về lòng dân không đồng thuận trong một dự án thay thế cây xanh của Hà Nội vẫn còn tươi roi rói.

Những cây xanh được trồng thay thế trong vòng 2 năm qua chỗ mới nhú mầm xanh, chỗ mới phơ phất cành lá chưa đủ để tạo ra bóng mát, càng chả thấm vào đâu so với lượng dân cư tăng lên nhanh chóng một cách cơ học vì sự nhồi vào dữ dội của những dự án chung cư trong mấy năm gần đây.

Đã đành rằng những cây xanh được trồng hôm nay sẽ cho bóng mát trong vài chục năm nữa. Nhưng người đang sống hôm nay cũng đang khát và thiếu cây xanh. Vậy thì cùng với trồng mới, trồng thêm cho tương lai; phần của người ở thì hiện tại là đừng bớt đi những cây xanh đã thành cổ thụ, đã cho bóng mát.

Lãnh đạo cấp cao của thành phố Hà Nội vừa trả lời báo chí: Các dự án đầu tư xây dựng đều tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Người dân cũng hoàn toàn chia sẻ với Bí thư Thành uỷ TP Hà Nội khi ông bày tỏ rằng “chặt cây đi ai cũng tiếc” nhưng trong quá trình phát triển, chỗ nào cần di dời cây thì bắt buộc phải làm, “chẳng lẽ dừng lại không làm gì”.

Đương nhiên, chúng ta không bảo thủ tới mức cản trở sự phát triển, nhân danh những gì thuộc về bảo tồn. Nhưng ngay cả với 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng, chúng ta không tin là không có cách để bảo tồn mà đường vẫn được làm, giao thông vẫn phát triển. Thế mới cần đến sự quy hoạch.

Không có đô thị nào trên thế giới có thể phát triển bền vững nếu cứ phát triển thành phố với các dự án giao thông hiện đại và chung cư cao tầng bằng cách chặt hạ cây xanh và lấp hồ ao, xâm lấn không gian công cộng.

Cho nên cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng đang cần có sự hiến kế của các chuyên gia quy hoạch đô thị, ví như đường có thể mở rộng sang 2 bên, dành không gian ở giữa bảo tồn hàng cây được hay không? Ví như có cách nào đấy làm đường trên cao ở tuyến đó mà không phạm đến 1.300 cây xanh ấy?...

Người dân chỉ tin rằng thành phố thực sự mong muốn giữ lại cây xanh chứ không phải chỉ nhăm nhăm thực hiện dự án bất chấp việc triệt hạ cây xanh nếu quan điểm “tránh tối đa cây xanh, công viên, hồ nước” được thực thi trong thực tế chứ không phải như những gì chúng ta đã thực hiện trong những thập niên vừa qua.

Có một điều đáng ngạc nhiên về quan điểm “kỳ thị” với những hàng xà cừ hàng trăm năm tuổi của các nhà quản lý đô thị khi mà hết lần này đến lần khác họ luôn đưa ra các dự án thay thế cây xanh (trong đó chủ yếu nhằm vào xà cừ). Không hiểu về đặc điểm thổ nhưỡng, sinh trưởng của xà cừ có những lý do gì khiến các nhà quản lý luôn nghĩ đến việc phải thay thế chúng.

Nhưng với những người dân Hà Nội bình thường, chỉ có một sự thật là người Pháp đã trồng ở Hà Nội rất nhiều xà cừ, sấu và sau hơn một trăm năm, chúng đang là một trong những biểu tượng đáng tự hào nhất của Hà Nội hôm nay. Vì sao một loài cây đã tồn tại ngạo nghễ suốt trăm năm qua lại trở thành một thứ đáng để “triệt hạ”?

Nếu chẳng may có một cây xà cừ nào đó vì già cỗi quá chết đi, chúng ta hãy dành cho nó sự thương tiếc. Phần còn lại phải được tôn vinh, giữ gìn như những bảo vật. Ý tưởng thay thế hàng nghìn cây xà cừ thật sự là khó có thể chấp nhận.

Nếu ai đó chứng minh rằng nó không phù hợp để trồng trong đô thị thì sự tồn tại của nó trong đô thị hàng trăm năm qua nói lên điều gì? Nếu thực sự có những loài hay hơn, tốt hơn, thích hợp hơn để trồng ở đô thị thì hãy trồng thêm vào, thành phố còn nhiều chỗ để trồng, chứ đừng vì thế mà bảo phải thay cây này trồng cây khác.

Để tìm kiếm các loại cây, loại hoa thích hợp để trồng ở Hà Nội, năm 1888, người Pháp lập Vườn thí nghiệm thực vật rộng 33ha. Nhờ thế mà Hà Nội hôm nay có vườn Bách Thảo – nơi vườn ươm các giống cây cho Hà Nội năm xưa của người Pháp.

Những Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Quan Thánh, Lò Đúc, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Thánh Tông, Lê Thánh Tông… sạch đẹp, mát mẻ nhất của Hà Nội hôm nay là nhờ người Pháp trồng cây. Chúng ta nghĩ gì khi nhìn vào những con đường khác của Hà Nội mà chúng ta đã tự trồng trong nhiều thập kỷ qua?

Thay vì nghĩ đến chặt hạ và thay thế vì sao không cho Hà Nội mở rộng bề thế hôm nay nhiều công viên Bách Thảo, nhiều con đường cây xanh. Thay vì quá nhiều dự án chung cư, những khu đất còn lại trong lòng thành phố phải được biến thành không gian công cộng.

Biến đổi khí hậu đâu phải là một mỹ từ xa xôi, nó đang đe doạ hiện hữu. Nắng nóng khủng khiếp hay bão lụt đều bắt đầu từ những duyên cớ do con người gây ra. Như là việc Hà Nội nóng quá mức bình thường có liên quan đến việc cây to, cây cổ thụ ít đi mà bê tông thì nhiều quá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo tồn cây xanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO