Bảo vệ trẻ em trước dịch bệnh

Đức Trân 16/09/2021 09:40

Hơn 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh trong làn sóng dịch lần thứ 4. Trước thực trạng chưa có vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, các bậc phụ huynh cần hết sức chú ý để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ dịch bệnh.

Trên thế giới, số trẻ em mắc Covid-19 cũng có xu hướng tăng lên. Tại nhiều quốc gia Đông Nam Á thời gian qua ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày, tỷ lệ tử vong tiếp tục gia tăng. Thống kê của UNICEF, số tử vong do Covid-19 ở trẻ em trên toàn cầu (78 nước) là 8700/2,7 triệu ca tử vong, chiếm khoảng 0,3% số tử vong.

Các chuyên gia y tế nhận định, đa số trẻ lây nhiễm SARS-CoV-2 từ cha mẹ và người chăm sóc trẻ, giúp việc trong gia đình. Khi số lượng F0 trong cộng đồng tăng cao, người lớn đi làm, đi chợ, tiếp xúc nhiều nguồn lây, sau đó về nhà và lây nhiễm cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, một số nguồn lây từ người giúp việc theo giờ, thợ sửa điện, nước..., cũng có thể vô tình khiến trẻ bị nhiễm.

Theo BS Nguyễn Thành Úc - Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang, biến thể Delta của Covid-19 đã thay đổi tính chất ban đầu, một số biến thể này vượt qua khả năng tự vệ của cơ thể, thậm chí có khả năng trốn cả vaccine, lây nhanh hơn theo cấp số nhân, lây nhanh giống như bệnh thủy đậu. Trẻ em dưới 15 tuổi là nhóm tuổi chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19, nên trở thành vùng trắng để virus tấn công và có khả năng biến đổi di truyền nguy hiểm nhất. Còn một nguyên nhân nữa là khả năng đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch ở trẻ cũng chưa phát triển đầy đủ.

Trong một số trường hợp, trẻ em bắt đầu với các triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng. Covid-19 thường gây ra các triệu chứng giống như các bệnh nhiễm trùng hô hấp thông thường do các căn nguyên khác nhau, nhưng bệnh cũng có thể diễn biến nặng và tử vong, đặc biệt là những trẻ có bệnh nền như bệnh suyễn, tim bẩm sinh, bệnh tự miễn, béo phì.

“Trẻ béo phì, thừa cân là nhóm có nguy cơ chuyển nặng nhiều nhất và chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm trẻ mắc Covid-19. Do đó, các trường hợp trẻ nhỏ cần nhập viện khi mắc Covid-19 là bé dưới 12 tháng, trẻ có bệnh lý nền, cơ địa thừa cân hoặc có bệnh lý cấp tính đồng thời” - BS Úc cho hay

TS.BS Phan Hữu Phúc - Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin thêm, tuy hầu hết trẻ em nhiễm Covid-19 chỉ ở thể nhẹ, một số trẻ vẫn có thể bị diễn biến nặng, đặc biệt với những trẻ có các bệnh nền hoặc trẻ nhỏ, do sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch ở trẻ cũng chưa phát triển đầy đủ.

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tình trạng biến chứng nặng nhất có thể gặp phải khi trẻ em mắc Covid-19 là MIS-C (Multisystem inflammatory syndrome in children) Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em. MIS-C là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng liên quan đến Covid-19, trong đó các bộ phận cơ thể khác nhau bị viêm, bao gồm viêm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hoá . Nó xảy ra khi cơ thể bị nhiễm Covid-19, rồi tạo ra phản ứng miễn dịch với các mạch máu của chính mình.

CDC cho biết ít nhất 4,196 trường hợp MIS-C đã được báo cáo từ tháng 2 năm 2020 đến tháng 6 năm 2021, bao gồm 37 trường hợp tử vong, 99% bệnh nhân MIS-C dương tính với coronavirus và 1% còn lại có tiếp xúc với người mắc Covid-19. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân mắc MIS-C là 9 tuổi. Sau khi khỏi bệnh, trẻ còn các di chứng như các triệu chứng hô hấp, có thể kéo dài 3 tháng trở lên; các vấn đề về tim, bao gồm một loại viêm tim được gọi là viêm cơ tim; các vấn đề thần kinh như “sương mù não”; nhức đầu, mệt mỏi và các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Vì vậy, chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo: Các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ tại nhà, tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng; Tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc; Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, nhà cửa thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng trong nhà và đồ chơi của trẻ, vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên.

Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, tiêm vaccine là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch. Hiện Việt Nam chưa có chỉ định tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ nhỏ nhưng người lớn tiêm vaccine giúp hạn chế sự lây truyền, đồng thời giúp bảo vệ những người không đủ điều kiện tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em. Cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine khác theo đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ trẻ em trước dịch bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO