Bấp bênh nguồn cung dầu đá phiến

Hà Anh 07/12/2022 07:29

Các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã chuyển đổi từ những nhà khai thác nhỏ lẻ thành nhiều triệu phú trong 2 thập kỷ qua, đưa Mỹ trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Thế nhưng, giờ đây tình hình đã khác.

Châu Âu không thể trông chờ vào dầu đá phiến của Mỹ bởi nguồn cung bấp bênh. Ảnh: Reuters.

Sụt giảm sản lượng

Mức tăng sản lượng dầu đang chậm lại, trong khi các giám đốc điều hành của một số công ty lớn nhất cảnh báo về sự sụt giảm trong tương lai do các mỏ dầu hoạt động quá mức và các giếng kém năng suất.

Cuối tuần trước, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhóm họp để quyết định việc giữ nguyên dây chuyền hay cắt giảm sản lượng dầu mỏ với tâm thế không còn lo sợ các quyết định này có thể gây ra sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến như những năm trước, khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh và năng lượng diễn ra.

Việc loại bỏ dầu đá phiến của Mỹ có nghĩa là người tiêu dùng trên toàn thế giới có thể phải đối mặt với một mùa đông với giá nhiên liệu cao hơn. Thêm vào đó, Nga đã tuyên bố sẽ đáp trả việc Liên minh châu Âu (EU) thống nhất áp mức giá trần đối với khí đốt từ Nga bằng cách chặn việc bán dầu cho các quốc gia ủng hộ.

Chi phí sản xuất đá phiến của Mỹ đang tăng vọt và không có dấu hiệu nào cho thấy các nhà đầu tư đang thắt chặt chi tiêu sẽ thay đổi nhu cầu về lợi nhuận bằng việc đầu tư mở rộng hoạt động khoan.

Trong suốt một thập kỷ tăng trưởng đáng kinh ngạc, đá phiến liên tục thách thức các dự báo về sản lượng và sự phản đối của các nhà bảo vệ môi trường, khi công nghệ mở ra ngày càng nhiều hoạt động đá phiến và cách mạng hóa ngành năng lượng toàn cầu. Nhưng dường như không có công nghệ chuyển đổi mới nào đang được triển khai hay tiết kiệm chi phí có thể thay đổi bức tranh “xám” trong khoảng thời gian này. Lạm phát đã đẩy chi phí lên tới 20%, năng suất tại các giếng kém hơn đang cản trở khả tăng sản lượng của ngành.

Ảnh hưởng suy yếu của dầu đá phiến được nhìn thấy rõ ở Bắc Dakota. Từng là vùng tiên phong trong ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ, tuy nhiên, năng suất kém và tình trạng thiếu lao động đã khiến vùng này không còn như những ngày bùng nổ.

Theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ, lưu vực Permian ở phía tây Texas và New Mexico, mỏ dầu lớn nhất và quan trọng nhất của Mỹ, cũng là khu vực đá phiến duy nhất của Mỹ vượt quá sản lượng sản xuất dầu trước đại dịch Covid-19.

Sau cuộc chiến giá cả của OPEC năm 2014-2016, hàng trăm công ty dầu mỏ phá sản, nhưng dầu đá phiến đã đổi mới với cách vận hành ít tốn kém hơn. Lợi ích sau đó đã mang lại cho Mỹ danh hiệu nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới vào năm 2018, một sự khác biệt mà nước này vẫn giữ cho đến giờ.

Khó khăn chồng chất

Trên thực tế, các nhà đầu tư đã mua lại cổ phần trước khi tăng sản lượng trong vài năm qua. Theo ông Bryan Sheffield - người đã bán nhà sản xuất Parsley Energy và hiện đang điều hành một quỹ đầu tư tư nhân tập trung vào năng lượng, điều đó đã thay đổi khả năng phản ứng của các nhà sản xuất dầu đá phiến trước sự tăng vọt của giá dầu quốc tế.

Ông Sheffield cho biết: Đá phiến không thể quay lại để trở thành một quy trình sản xuất xoay vòng vì các nhà đầu tư không sẵn sàng chi tiền cho tăng trưởng. Nhu cầu về các khoản thanh toán và giá cả liên tục tăng cao đã buộc các nhà sản xuất dầu mỏ và các công ty dịch vụ cắt “giảm các dự án nghiên cứu khoa học” đã tạo ra những bước đột phá sản xuất trong quá khứ.

Theo ông John Hess - Giám đốc điều hành của Hess Cor, ngành công nghiệp này cũng có ít thời gian hơn để giành lại vị trí thống trị như trước đây, trong khi các đối thủ có khoảng 10 năm hoạt động trước khi họ suy yếu. Ông Hess cho biết, đá phiến không còn ở vị trí dẫn đầu khi OPEC giành lại quyền kiểm soát thị trường.

Chính phủ Mỹ dự kiến, sản lượng dầu nói chung sẽ đạt đỉnh mới vào năm tới, nhưng họ đã nhiều lần cắt giảm dự báo trong năm nay. Gần đây, Mỹ đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng sản xuất năm 2023 xuống 21%.

Bên cạnh khó khăn về đầu tư tài chính, khan hiếm nguồn nhân lực cũng góp phần không nhỏ. Ông Lynn Helms - Giám đốc Sở Tài nguyên khoáng sản Bắc Dakota cho biết: “Chúng ta sẽ bước vào năm 2023 với tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động nghiêm trọng trong ngành khai thác dầu khí. Cộng với việc trước đây, bang này đã gặp khó khăn trong việc thu hút lao động và thị trường lao động khan hiếm đã làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn”.

Vẫn theo ông Helms, việc thu hút lao động vận hành các đội tàu và giàn khoan đá phiến là rất khó khăn, điều này khiến nhiều giàn khoan đã phải di chuyển về phía Nam tới Permian. Dữ liệu hàng năm gần đây nhất của Cục Thống kê lao động cho thấy, từ năm 2019 đến 2021, số lượng công nhân khai thác dầu khí ở Bắc Dakota đã giảm 12%, ở New Mexico giảm 9,6%.

Ông Mike Oestman - Giám đốc Điều hành của nhà sản xuất đá phiến Tall City Exploration - cho biết, tỷ lệ sản xuất thấp hơn là xu hướng dài hạn. Việc thiếu quy định rõ ràng và mục tiêu chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch của chính phủ Mỹ cũng làm giảm lợi nhuận từ đá phiến.

Ông Matt Hagerty - một nhà phân tích cấp cao - cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nguồn cung dầu đá phiến trở nên khó khăn, như việc giá cả hiện nay quá đắt đỏ, thị trường lao động eo hẹp khiến hoạt động hậu cần chặng cuối trở nên khó khăn trong khi các nhà sản xuất thường sẵn sàng ngừng sản xuất hơn là tăng đầu tư”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bấp bênh nguồn cung dầu đá phiến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO