Bất an sau bão

Hoàng Mai 19/09/2017 09:50

Cơn bão số 10- cơn bão được cho là mạnh nhất từ nhiều năm trở lại đây vừa đi qua. Thiệt hại do bão số 10, mới tính sơ sơ đã khiến 33 nhà dân bị sập; đến hơn 120 ngàn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng trải dài tại 5 tỉnh miền Trung là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Có khoảng 7000 ngôi nhà bị ngập tại Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Nhiều trường học, công trình công cộng bị tốc mái, hư hỏng chưa có số liệu thống kê.


Văn bản thống kê thiệt hại do bão số 10 gây ra của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa gây bức xúc dư luận.

Bão số 10 cũng làm hàng ngàn cột điện hạ thế bị nghiêng hoặc gãy đổ; số tàu thuyền, ghe máy bị chìm lên đến hàng chục. Cũng đã có 27 tuyến đê biển gặp sự cố. Về nông nghiệp cũng đã có hơn 2.000ha hoa màu bị ngập và gần 5.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại.

Để hỗ trợ cho bà con vùng chịu thiệt hại do bão số 10 gây ra, nhiều cơ quan, đoàn thể, cá nhân trong cả nước đã có những hành động ứng cứu cụ thể. Đặc biệt, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay trong chiều tối 15/9 khi bão vào đất liền đã hủy bỏ các công việc tại phía Nam để bay ra vùng bão, trực tiếp chỉ đạo ứng cứu. UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã có công điện khẩn gửi MTTQ các tỉnh miền Trung về việc này...

Theo nhận định của cơ quan chức năng, bão số 10 tuy gây hậu quả lớn nhưng do trước đó đã có cảnh báo tốt, phòng chống tốt từ Trung ương tới địa phương nên mức độ thiệt hại giảm đáng kể. Từ đó có thể rút ra nhiều bài học về công tác phòng chống bão nói riêng, thiên tai nói chung.

Việc ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ vùng bão khắc phục thiệt hại là cần thiết và cũng là đạo lý của người Việt Nam không quên nghĩa đồng bào khi hoạn nạn. Nhưng cũng sẽ thật đáng buồn khi có những cá nhân, đơn vị lợi dụng điều đó để khai khống thiệt hại.

Ngày 18/9, dư luận không khỏi băn khoăn, ngỡ ngàng trước việc tỉnh Thanh Hóa đưa ra con số thiệt hại do bão số 10. Thanh Hóa không phải là tâm bão đợt này nên việc đưa ra con số thiệt hại lên tới 1.000 tỉ đồng khiến người ta sửng sốt và hoài nghi.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 15 giờ ngày 16-9, con số thiệt hại của địa phương khoảng 1.000 tỉ đồng. Khi phóng viên hỏi về con số nghìn tỉ, sáng 18/9, ông Ngô Hoàng Kỳ- chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, con số thiệt hại trên là báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh còn phía văn phòng UBND tỉnh cũng chưa có kiểm chứng lại. Ông này cũng đề nghị phóng viên liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để nắm lại.

Đồng thời, sẽ cho kiểm tra lại thống kê, báo cáo này. Còn ông giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa lại đề nghị phóng viên liên hệ với ông Đặng Tiến Dũng- chi cục trưởng Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão kiêm phó chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để nắm rõ. Nhưng, trao đổi với phóng viên, ông Đặng Tiến Dũng lại cho biết, hiện đang tháp tùng Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra tình hình sạt lở đê biển tại khu vực bãi biển Hải Tiến (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Về con số thống kê thiệt hại 1.000 tỉ đồng do bão số 10 gây ra trong báo cáo của Ban, ông Dũng nói rằng hiện chưa có số liệu chính thức, còn số liệu vì là trong báo cáo nhanh nên đây mới chỉ là con số mang tính ước tính chứ chưa chuẩn. Ông Dũng cũng nói thêm rằng hiện các địa phương đang tổng hợp lại số liệu và đơn vị sẽ có báo cáo chính thức về số liệu thiệt hại gửi đến các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, điều rất đáng nói là chiều tối 15/9 bão vào Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình chứ không phải là Thanh Hóa. Với cơn bão này, Thanh Hóa có bị ảnh hưởng nhưng không nặng. Thực tế là từ chiều ngày 16-9, tại Thanh Hóa đã không còn mưa lớn trên diện rộng, trời đã quang đãng. Vì thế, con số 1.000 tỉ đồng thiệt hại thật khó tin. Trên mạng, không ít người nói rằng chính họ là người Thanh Hóa cũng hoài nghi con số nghìn tỉ đồng thiệt hại. “Bão không vào thẳng, Thanh Hóa vẫn thiệt hại 1.000 tỉ đồng. Các bác tính toán nhanh thật!”- một người viết và nêu vấn đề một cách hài hước: “Bão mới tan chưa được bao lâu các bác đã tính toán thiệt hại nhanh thế rồi. Công nhận khả năng tính toán giỏi thật. Cho hỏi, dựa vào cơ sở nào mà các ông tính nhanh thế những 1.000 tỷ đồng trong khi bão đi vào Quảng Bình, Hà Tĩnh…Thành phố Sầm Sơn là địa phương giáp biển nhưng bão cũng chỉ gây thiệt hại khoảng 0,5 km đê biển và làm ngập đường Hồ Xuân Hương. Chỉ có thế thôi thì làm sao thiệt hại kinh hoàng đến thế”.

Rồi tỉnh Thanh Hóa sẽ phải trả lời vấn đề này. Nhưng nghi ngờ của dư luận không phải là vô căn cứ.

Câu chuyện của Thanh Hóa sau bão số 10 làm người ta nhớ lại những vụ trục lợi từ thiên tai những năm trước. Thiệt hại ít lại khai vống lên thiệt hại nặng nề, cốt để lấy tiền của Trung ương, của tỉnh và của cả những tấm lòng nhường cơm sẻ áo trong ý nghĩa đồng bào. Có thời, người ta lấy làm buồn cười (tất nhiên là nụ cười buồn) về việc có nơi bão chưa vào đã có con số thiệt hại để báo cáo. Đó thực sự là nỗi đau, là điều không thể chấp nhận. Và chính vì thế, việc gần như ngay lập tức đã thống kê thiệt hại 1.000 tỉ đồng của Thanh Hóa khiến dư luận băn, khoăn, hoài nghi. Sự hoài nghi ấy nếu không được giải đáp một cách công khai, minh bạch sẽ khiến người dân không tin và cảm thấy bất an.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất an sau bão

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO