Bất cập kinh doanh xăng dầu

T.Hằng-T.Như 11/10/2022 06:58

Những ngày vừa qua, tại một số tỉnh, thành phố phía Nam nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa. Các doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu cho biết nguyên nhân là càng bán càng lỗ.

Hiện tượng một số DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh diễn ra ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Đắk Lắk… Ngoài ra, một số cây xăng tiếp tục bán xăng với mức 30.000 đồng, thậm chí 20.000 đồng/lần đổ, trong khi một số cây xăng khác mở cửa nhưng không có nhân viên hoặc thông báo hết xăng.

Tại Hà Nội, hiện tượng cây xăng ngừng bán hàng không có nhưng bản thân các chủ cây xăng kinh doanh cũng cho biết trước đây kinh doanh xăng dầu sống nhờ “hoa hồng” nhưng giờ phần này ít nên nhiều nơi không mặn mà kinh doanh.

Một thương nhân phân phối xăng dầu chia sẻ, có giai đoạn giá xăng tăng cao hàng không có, chạy đôn đáo khắp nơi tìm kiếm các mối để có thêm nguồn. Có giai đoạn hàng không thiếu thì chi phí kinh doanh tăng lên mà định mức hoa hồng giảm. Mức chiết khấu quá thấp chỉ trên dưới 200 đồng/lít với xăng.

Tại hội nghị bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN bán lẻ xăng dầu mới đây, bà Nguyễn Thị Sinh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái) cho hay hiện chiết khấu với DN nhập khẩu xăng dầu tại kho Đức Giang là 0 đồng/lít. Trong khi chi phí vận chuyển từ kho Đức Giang đến các đại lý mất khoảng 700 đồng/lít. Với mỗi lít bán ra, DN lỗ 1.200-1.300 đồng. Nhưng nguồn cung cũng không sẵn, tình trạng khan hiếm, đứt hàng từ các DN đầu mối xảy ra liên tục.

Mới đây, trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, 36 DN xăng dầu cũng nói rằng kinh doanh theo cơ chế thị trường mà nhà cung cấp thường xuyên thông báo hạn chế bán ra, sợ hết hàng. Nhiều giai đoạn DN xăng dầu bán lẻ càng bán ra càng lỗ mà vẫn phải “bấm bụng” bán nhưng không ai bù lỗ, điều này dẫn đến một số DN bị âm vốn, khó có thể trụ nổi nếu tiếp tục mua vào với giá bằng hoặc cao hơn giá bán ra mà không thể được ngưng bán do cơ quan quản lý nhà nước dùng mệnh lệnh hành chính yêu cầu duy trì hoạt động.

Các DN này cho rằng, khi chưa theo quy luật thị trường một cách hoàn toàn, cần áp dụng chiết khấu cố định theo định mức đối với DN bán lẻ, tránh tình trạng thả nổi chiết khấu. Việc không quy định rõ ràng DN bán lẻ xăng dầu được hưởng bao nhiêu trong chi phí kinh doanh định mức sẽ dẫn đến việc đầu mối xăng dầu tự do điều chỉnh mức chiết khấu. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến DN bán lẻ luôn chịu thua thiệt, âm vốn.

Theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu: “Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố”. Tuy nhiên, DN phân phối đã tìm cách “lách” quy định để bán ra cho DN bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hóa đơn khác theo bảng kê của các hóa đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng không (0 đồng). Nghĩa là khi cộng phí vận chuyển thì DN bán lẻ mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú cho rằng phải có một đề án về phân phối lưu thông mặt hàng xăng dầu. Phải cắt bớt các khâu trung gian để giá bán đến người dân là giá bán cạnh tranh nhất, DN tham gia kinh doanh xăng dầu có lợi nhuận hợp lý trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, về lâu dài cũng cần tính tới việc đa dạng hóa các nhà đầu tư vào lĩnh vực xăng dầu, kể cả nhà đầu tư tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài.

TS Vũ Đình Ánh từng nêu giải pháp khi cho rằng cơ quan quản lý nhà nước phải thiết lập lại thị trường xăng dầu kể cả thị trường bán buôn. Tức là những DN đầu mối, hệ thống phân phối, đại lý lớn cũng như thị trường bán lẻ làm sao đảm bảo tính cạnh tranh của các DN đầu mối và đảm bảo tính linh hoạt của hệ thống bán lẻ xăng dầu khi mà có biến động từ phía DN đầu mối. Đồng thời, trên cơ sở đó sẽ có một cơ chế giá phù hợp và gắn với đó là việc điều hành bình ổn giá thông qua các biện pháp như cắt giảm các khoản thu ngân sách hay thuế, phí… một cách chủ động và linh hoạt thì mới tạo ra sự đồng bộ về quản lý, điều hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất cập kinh doanh xăng dầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO