Thị trường bất động sản (BĐS) đã đi qua nửa đầu năm 2023 khá ảm đạm khi giao dịch giảm, thanh khoản thấp, thiếu nguồn cung, nhiều khu vực đất nền đã giảm đến 30-40% vẫn không có giao dịch. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, diễn biến thị trường cuối năm được dự báo sẽ “dễ thở” hơn, khi đang nhận được nhiều tín hiệu tích cực...
Những “nút thắt” đang được tháo gỡ
TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường BĐS tiếp tục gặp nhiều khó khăn, khi tình trạng thanh khoản kém và nguồn cung rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do các vấn đề pháp lý chưa được tháo gỡ và việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn, một số vụ việc xảy ra trong nửa cuối năm 2022 làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê (Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 tháng đầu năm 2023 số lượng doanh nghiệp (DN) BĐS thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi số DN giải thể lại tăng 30,4%. Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cũng chỉ ra rằng, nguồn cung giảm sút kéo giảm doanh thu của cộng đồng DN BĐS. Cụ thể, đến thời điểm này 90% DN được VARS khảo sát đều ghi nhận giảm doanh thu. Trong đó, DN quy mô dưới 100 nhân viên giảm từ 20 - 50%, DN quy mô trên 100 nhân viên giảm 70 – 80%.
Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian qua thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn do 2 nút thắt lớn nhất đó là vốn và pháp lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những vướng mắc đang dần được tháo gỡ. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực vào cuộc tháo gỡ những khó khăn cho thị trường BĐS. Trong đó Nghị quyết 33/NQ-CP đã tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường trong cả 3 nhóm vấn đề về pháp lý, nguồn vốn và nhà ở xã hội; Chính sách điều hành kinh tế, tài chính tiền tệ của Chính phủ đang tạo ra tâm lý tích cực hơn cho thị trường.
Theo rà soát của Bộ Xây dựng, đến tháng 7/2023, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã xử lý, giải quyết 108 văn bản phản ánh khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, DN, hiệp hội và người dân liên quan đến 168 dự án BĐS trên cả nước. Nhờ đó, tháo gỡ cho hàng loạt dự án BĐS tồn kho, đắp chiếu, tạo nguồn cung trực tiếp cho thị trường. Về Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương, đang từng bước khắc phục sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân đô thị.
Những tín hiệu đáng mừng
Nhìn nhận thị trường BĐS những tháng cuối năm, theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, Chính phủ đã ban hành những cập nhật thay đổi pháp lý tích cực để gỡ vướng và thúc đẩy thị trường. Trong đó, có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; quy định về lãi suất và bảo lãnh ngân hàng… tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Nhờ vậy, dòng vốn đầu tư BĐS đang dần trở lại và chu kỳ phục hồi của thị trường BĐS bắt đầu diễn ra.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Khôi cho rằng, thị trường BĐS hết năm 2023 còn trầm lắng, chỉ có thể phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, từ quý II hoặc quý III năm 2024 nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; sự đa dạng của các nguồn lực tài chính...
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng chung nhận định, thị trường BĐS đang trải qua giai đoạn trầm lắng, nhưng đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh. Cùng với đó, thị trường BĐS 6 tháng cuối năm có yếu tố tích cực khác để kỳ vọng. Cụ thể là gói tín dụng 450.000 tỷ đồng, lãi suất từ 7% - 8% từ các ngân hàng thương mại hỗ trợ sản xuất kinh doanh; lãi suất cho vay mua nhà giảm từ 0,6% - 2,5% trong tháng 3/2023...
Cùng với áp lực lãi suất giảm nhẹ là tỷ lệ hấp thụ quý II/2023 tiếp tục tăng, hàng tồn kho giảm thêm so với quý trước đã giải quyết một phần khó khăn về dòng tiền cho các bên, là tiền đề để niềm tin thị trường dần phục hồi. Dự báo của các chuyên gia cho thấy tại Hà Nội, TPHCM và Bình Dương, chung cư tiếp tục là phân khúc dẫn dắt thị trường và là cơ hội lớn nhất cho các đơn vị môi giới có giao dịch và tạo doanh thu. Còn tại các tỉnh, thành khác ở miền Bắc, dự báo đến quý III và IV, phân khúc đất nền sẽ có giao dịch trở lại, với xu hướng giá đi ngang hoặc tăng nhẹ ở một số dự án có cơ sở hạ tầng và pháp lý tốt, cũng như vị trí gần các khu công nghiệp mới được đầu tư.
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, khi lãi suất huy động được điều chỉnh về mức thấp, các ngân hàng lớn đưa lãi suất huy động về mức khoảng 6%/năm, hứa hẹn một phần tiền gửi đáo hạn sẽ được điều chuyển sang kênh đầu tư khác, trong đó có bất động sản.