'Bắt được vụ hàng giả, bao cuộc điện thoại gọi đến'

Hồ Hương 29/08/2015 06:10

Do lực lượng chức năng chỉ giơ cao đánh khẽ, nên các cơ sở làm hàng giả hàng nhái “nhờn” với luật pháp. Thậm chí, ông Trần Hùng - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389/QG nói, bắt giữ một vụ việc thì bao nhiêu cuộc điện thoại gọi đến. Quan hệ trên dưới, trong ngoài rất phức tạp.

'Bắt được vụ hàng giả, bao cuộc điện thoại gọi đến'

Người tiêu dùng khó phân biệt hàng thật - hàng giả.

Ảnh:Hoàng Long

Ông Nguyễn Văn Cẩn- Phó Tổng cục trưởng- Tổng cục Hải quan, kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 cho biết: Hàng tiêu dùng Việt Nam từ cây tăm, bông ngoáy tai, điện thoại, quần áo… đều bị các đối tượng ngoài biên giới làm giả. Cho dù cuộc chiến chống hàng giả, gian lận thương mại đã được đẩy mạnh, nhưng tình hình vẫn rất phức tạp, khó khăn.

Doanh nghiệp trong nước thờ ơ

Nộp ngân sách gần 4000 tỷ đồng

Từ khi thành lập Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tới nay, hơn 130.000 vụ vi phạm đã được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, qua đó, truy thu, nộp ngân sách gần 4.000 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã khởi tố trên 800 vụ và bắt giữ gần 1.000 đối tượng. Số lượng vụ vi phạm đã được phát hiện, bắt giữ khá lớn, song tình hình vẫn khá phức tạp là do diễn biến của hoạt động này vẫn tiếp tục. Ban chỉ đạo 389 đã xác định các địa bàn trọng điểm về buôn lậu gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp…

PV

Ngày 28/8, Tổng cục Hải quan và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 đã công bố những thông tin trên tại cuộc họp báo chuyên đề nhằm công khai về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Ông Cẩn cho biết, nhiều lô hàng bị hải quan bắt giữ không chỉ giả nhãn mác sản xuất tại Việt Nam mà còn giả cả giấy bảo hành. Hàng tiêu dùng Việt Nam từ cây tăm, bông ngoáy tai, điện thoại, quần áo…đều bị các đối tượng ngoài biên giới làm giả và tìm đường tuồn về Việt Nam.

“Thậm chí, huân huy chương, kỷ niệm chương, giấy bảo hành sản phẩm cũng bị làm giả” - ông Cẩn nhấn mạnh.

Đáng chú ý, các mặt hàng trọng điểm là ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, động vật hoang dã, vàng, ngoại tệ… Đối tượng vi phạm ngoài DN xuất nhập khẩu, cư dân biên giới còn có cả những cá nhân xuất nhập cảnh.

Hàng giả hàng nhái tinh vi tràn lan khiến cho DN lao đao. Tuy nhiên số lượng DN quan tâm tới vấn đề hàng giả hàng nhái còn đếm trên đầu ngón tay. Theo ông Cẩn, ở nước ngoài, các DN khi bị làm giả hàng sẽ cố gắng bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách phối hợp với cơ quan chức năng để cung cấp thông tin trong khi DN trong nước còn thờ ơ do tâm lí sợ ảnh hưởng tới thương hiệu, doanh thu.

Ngoài ra, một bộ phận cấp dưới ở chi nhánh, đại lý còn tiếp tay đặt hàng giả ở nước ngoài để trà trộn vào hàng Việt Nam, kiếm chênh lệch giá.

Lý giải sự chưa mặn mà, nhiều DN cho biết: Để tuyên chiến với hàng giả, mỗi năm DN phải bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ. Ngoài các khoản chi thường xuyên để đổi mới dấu hiệu nhận biết, làm lại khuôn hàng, bị cạnh tranh thị phần, mất uy tín thì DN còn phải bỏ tiền để tiến hành các đợt tự điều tra, phát hiện hàng giả, làm hồ sơ thủ tục và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc.

Theo ông Cẩn, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại hiện cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm và vào cuộc thực sự của chính quyền cơ sở. Trong khi đó, việc triển khai các kế hoạch đấu tranh của các lực lượng chức năng chủ yếu mang tính đơn lẻ, cục bộ nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống.

Thiếu chế tài mạnh

Tại các tỉnh Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh….diễn biến hàng giả hàng nhái phức tạp. Việc vận chuyển hàng lậu từ ngoài biên giới vào sâu trong nội địa nhiều. Các loại hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại cũng rất đa dạng.

Cập nhật số liệu mới nhất trong 7 tháng đầu năm 2015, ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 11.498 vụ buôn lậu, gian lận thương mại. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính là 118,9 tỷ đồng, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 90 tỷ đồng.

Cơ quan hải quan cũng đã khởi tố 9 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 42 vụ án hình sự. Tuy nhiên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo thống kê của ngành chức trách, mỗi năm, các lực lượng chức năng bắt giữ khoảng 19.000 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Vấn nạn hàng giả hàng nhái vẫn là câu chuyện dài chưa thấy hồi kết. Năm nào cũng có những đợt ra quân rầm rộ chống hàng giả hàng nhái, nhưng đâu lại vào đó. Trả lời câu hỏi này, nhiều ý kiến cho rằng, một phần do chế tài xử phạt chưa cao. Một số quy định chống hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại vẫn còn bất hợp lý.

Ví dụ, theo quy định, nếu xe tải chở gà lậu do chính chủ điều khiển thì bị tịch thu. Lợi dụng điều này, các chủ hàng thường thuê người lái nên rất khó xử lý triệt để. Phần nữa, do lực lượng chức năng chỉ giơ cao đánh khẽ, nên các cơ sở làm hàng giả hàng nhái “nhờn” với luật pháp.

Thậm chí, tại một cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại của TP Hà Nội diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua ông Trần Hùng - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389/QG nói, bắt giữ một vụ việc thì bao nhiêu cuộc điện thoại gọi đến. Quan hệ trên dưới, trong ngoài rất phức tạp. Đây cũng là một trở ngại không nhỏ cho các lực lượng thực thi công vụ đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại nước ta.

Để khắc thực trạng trên, Đề án thành lập Phòng Chỉ huy trực tuyến, kết nối và tích hợp các hệ thống dữ liệu quản lý giám sát hải quan đã được xây dựng và đang trong quá trình chạy thử nghiệm. Với hệ thống này, cơ quan chống buôn lậu, gian lận thương mại sẽ kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận, vận chuyển trái phép hàng hóa ngay từ khu vực cửa khẩu hay điểm nóng về buôn lậu.

Cùng với mục tiêu “không có vùng cấm” trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận của Chính phủ hy vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Bắt được vụ hàng giả, bao cuộc điện thoại gọi đến'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO