Bầu cử Tổng thống Mỹ: Tuần nước rút cuối cùng

Phan Quang Vũ 29/10/2020 07:30

Ngày 3/11 tới, cuộc đua giữa đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump (đảng Cộng hòa) và ứng viên Joe Biden (đảng Dân chủ) sẽ hạ màn. Thời gian không còn bao lâu, giới quan sát cho rằng hãy đợi một cuộc chiến pháp lý ngay sau khi số phiếu được công bố. Tuy thế thì còn vài ngày nữa, cuộc đua nước rút vẫn cực kỳ gay cấn.

Hai ứng viên đã vào hiệp đấu cuối cùng.

1.Khi cả hai “đấu sĩ đã vào hiệp đấu cuối cùng”, dư luận Mỹ đặt câu hỏi: Vậy thì chiến trường thực sự ở đâu trong tuần nước rút cuối cùng? Vì rằng, giai đoạn cuối cùng của cuộc bầu cử thực chất chỉ gói gọn trong một số bang chủ chốt.

Tờ Le Figaro của Pháp nhận định, trong chặng cuối này, hai đối thủ (Trump - Biden) vẫn tiếp tục bám đuổi nhau, nhưng không khác so với kỳ bầu cử Tổng thống năm 2016, chiến trường phân định thắng - thua lại chỉ rơi vào một vài bang chủ chốt.

Vẫn theo Le Figaro, đó là các bang Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Tại đây, ông Trump đang thu hẹp khoảng cách với đối thủ khi chỉ còn kém 3% theo kết quả thăm dò dư luận. Đây cũng là 3 bang mà ông Trump đã giành chiến thắng cách đây 4 năm. Trong khi đó, ông Biden lại đang mất dần ưu thế ở 3 bang miền Nam là Florida, Georgia và Bắc Carolina.

Có nghĩa là, trong cả 6 bang này, “cán cân” dần ngả về phía ông Trump.

Tình hình ở các bang “chiến địa” khác cũng biến động lên xuống khó lường. Vận động cử tri là cách tốt nhất để chiến thắng, vì thế cả hai ứng viên đều rất nỗ lực, tổng lực. Có ngày, ông Trump tổ chức tới 3 cuộc mít tinh tranh cử.

“Đường đua càng ngắn lại thì kịch tính càng lên cao”, nhận xét của Fox News và cho rằng với các bang “chiến địa” đối với cả hai ứng viên thì không một dự báo nào có thể đáng tin cậy và cũng “không ai được ngủ ngon” - chỉ ông Trump và ông Biden.

Tuy nhiên, theo giới quan sát Mỹ, hình như ông Biden đã rút ra được bài học từ thất bại 4 năm trước của bà Hillary Clinton khi thu được phiếu cử tri vượt trội nhưng lại mất phiếu đại cử tri ở những bang chiến địa nên đã tỏ ra kín đáo một cách khéo léo, tận dụng tối đa sự chán chường, mệt mỏi của người dân Mỹ để giành lợi thế; khác với ông Trump lại đang tỏ ra rất nôn nóng.

2.Cho tới ngày 28/10, kết quả thăm dò cho thấy hai ứng cử viên đang bám đuổi nhau quyết liệt tại hai tiểu bang chiến địa Arizona và Bắc Carolina.

Tại tiểu bang Arizona, ông Biden chỉ vượt Tổng thống Trump với khoảng cách không lớn: 49% số phiếu ủng hộ từ những người được hỏi, so với 46% của ông Trump. Đáng ngại là 3% cử tri trong cuộc thăm dò này đứng về phía ứng cử viên của đảng Tự do Jo Jorgensen, còn lại là 2% chưa quyết định.

Trong bối cảnh các ứng cử viên tiếp tục chiến dịch vận động nhằm giành được 11 phiếu đại cử tri của bang Arizona, thì 60% cử tri tham gia khảo sát cho biết họ sẽ bỏ phiếu. Cách đây 4 năm, ông Trump đã giành chiến thắng ở bang Arizona với cách biệt 3,5 điểm trước bà Hillary Clinton.

Tại bang Bắc Carolina, theo số liệu từ hội đồng bầu cử ngày 27/10, tính đến 12h30 chiều theo giờ địa phương đã có hơn 3,4 triệu lá phiếu được bỏ, tương đương gần 47% tổng số cử tri đăng ký ở bang này, trong đó có 805.956 phiếu được bỏ qua đường bưu điện.

Cử tri bỏ phiếu sớm bầuTổng thống Mỹ tại điểm bầu cử bang Nam Carolina.

Bắc Carolina là bang chiến địa quan trọng bậc nhất trong cuộc bầu cử. Tại đây, ông Biden dẫn trước Tổng thống Donald Trump 1,2 điểm (theo chỉ số thăm dò của RealClear Politics).

Cũng cần nhắc lại, 4 năm trước, ông Trump đã chiến thắng tại bang này vào năm 2016 với cách biệt 4 điểm so với bà Hillary.

Tại một số bang khác, vẫn theo thống kê của RealClear Politics, ông Biden tạm dẫn trước đối thủ với cách biệt 9% (bang mà ông Trump đã giành được khi nhiều hơn bà Hillary Clinton 11.000 phiếu trong cuộc bầu cử năm 2016), và cao hơn 5% ở cả hai bang Nevada và Wisconsin (bang mà ông Trump đã giành được với khoảng 23.000 phiếu bầu, nhiều hơn đối thủ vào năm 2016).

Theo Election Project, tính đến ngày 28/10, số lượng cử tri đi bỏ phiếu sớm trên toàn nước Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, với gần 67 triệu người đã bỏ phiếu bằng thư hoặc bỏ phiếu trực tiếp.

3.Trong một diễn biến khác, giới quan sát chính trường Mỹ cho rằng ông Trump chiếm ưu thế khi Tòa tối cao đã ra phán quyết từ chối đề nghị của đảng Dân chủ gia hạn thời gian tính phiếu đối với các phiếu bầu được gửi qua đường bưu điện tại bang Wisconsin.

Như vậy, Tòa tối cao đã đứng về phía đảng Cộng hòa, thể hiện ở bang Wisconsin, theo Sputnik.

Phán quyết kể trên được đưa ra với tỷ lệ 5 phiếu thuận và 3 phiếu chống, theo đó chỉ cho phép kiểm các lá phiếu được gửi qua đường bưu điện tại bang Wisconsin nếu chúng tới tay các quan chức bầu cử trước hoặc trong ngày bầu cử 3/11.

Trước đó, đảng Dân chủ tại bang này đã đề nghị tòa án cho phép kiểm các lá phiếu đến muộn tối đa 6 ngày sau ngày bầu cử nếu chúng được đóng dấu bưu điện trước hoặc trong ngày 3/11.

Trường hợp tại Wisconsin được theo dõi sát sao do bang này có ý nghĩa quan trọng đối với cơ hội tái đắc cử của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Người ta chưa quên chiến thắng sít sao tại Wisconsin đã giúp ông Trump đắc cử năm 2016.

Động thái này càng cho thấy nếu cuộc chiến pháp lý nổ ra sau khi có kết quả kiểm phiếu chính thức (ngày 3/11) thì ông Trump sẽ thêm cơ hội chiến thắng vì ngày 27/10, bà Amy Coney Barrett đã chính thức ngồi vào ghế Thẩm phán Tòa tối cao Mỹ. Mà bà Barrett lại do Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đề cử.

Trong khi ông Trump thưởng tổ chức vận động ở những bang từng giúp ông chiến thắng “mùa” bầu cử cách đây 4 năm, thì ông Biden lại chọn đến cả những bang được cho là “thuộc về phía Cộng hòa”. Nhận xét của Fox News, hình như ông Biden muốn cho những nơi khác là ông không hề ngại khi phải vào “hang hùm”. Với việc ông Biden vận động tại bang Georgia như một nỗ lực “lật đổ” bang có “truyền thống” ủng hộ đảng Cộng hòa. Tại đây, ông Biden kêu gọi gắn kết người Mỹ với nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bầu cử Tổng thống Mỹ: Tuần nước rút cuối cùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO