Bệnh tim tấn công người trẻ

Thanh Mai 30/08/2020 09:49

Nếu trước kia bệnh tim mạch được coi là của người già, thì nay ngày càng có nhiều người trẻ gặp vấn đề về tim mạch. Theo GS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu của bệnh tim mạch là béo phì, stress, nghiện thuốc lá, rượu bia, thức ăn nhanh, chế độ dinh dưỡng nhiều thịt ít rau, lười vận động... và đáng lo ngại nhất là mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh tim.

Mỗi năm bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của 200.000 người.
Mỗi năm bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của 200.000 người.

Tỉ lệ mắc tăng huyết áp ở người trên 25 tuổi là 47,3%

Theo các chuyên gia tim mạch, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 520.000 ca tử vong do nguyên nhân bệnh tật, trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73%. Như vậy tính trung bình cứ 10 người chết thì có 7 người chết bởi bệnh không lây nhiễm. Theo điều tra của Chương trình quốc gia về tăng huyết áp năm 2015 do Viện Tim mạch Việt Nam thực hiện cho thấy: tỉ lệ mắc tăng huyết áp ở người trên 25 tuổi tại Việt Nam là 47,3%.

Trong số các bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao thì tim mạch dẫn đầu với tỷ lệ hơn 40%. Đáng báo động hơn, theo công bố của Viện Tim mạch, cứ 4 người trên 25 tuổi có ít nhất 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi. Trước đây, những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch não… thì nay, bệnh tim mạch đã xuất hiện ở những người 30 - 40 tuổi, thậm chí có những ca bệnh dưới 30 tuổi.

Đặc biệt, có đến 44,3% người 25 - 74 tuổi ở khu vực thành phố bị cholesterol máu cao và có xu hướng tăng dần theo lứa tuổi. Cholesterol máu cao là hậu quả của chế độ dinh dưỡng không hợp lý, của thừa cân béo phì và sẽ dẫn đến hình thành các mảng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gia tăng bệnh lí tim mạch, thậm chí để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy cứ 2 giây lại có một người tử vong vì bệnh tim; 5 giây có một ca nhồi máu cơ tim và 6 giây có một trường hợp đột quỵ. Cũng theo WHO, bệnh tim mạch hiện là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu trên phạm vi toàn cầu. Bệnh tim mạch đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng tại các nước đang phát triển. Các báo cáo gần đây cho thấy, số người mắc bệnh tim mạch tại các nước đang phát triển thậm chí còn cao hơn tại các nước phát triển.

Ngăn chặn sát thủ thầm lặng

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho biết: Số ca bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng từ 10-20% và ngày càng trẻ hoá. 10 năm trước, mỗi năm Viện Tim mạch quốc gia làm thủ thuật tim mạch can thiệp cho khoảng 5.000 bệnh nhân. Nay số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kĩ thuật tim mạch can thiệp ngày càng tăng với tốc độ tăng trung bình 15% mỗi năm. Ông Hùng cũng cho rằng bệnh tim mạch thực sự đáng lo ngại bởi có thể gây ra gánh nặng cho đất nước khi Việt Nam đang già hóa dân số, nhưng người trẻ lại phải đương đầu với các bệnh lý tim mạch. Do vậy, đã đến lúc cần phải thức tỉnh cả xã hội về căn bệnh này.

Vẫn theo BS Hùng, nguyên nhân là do chế độ thực phẩm ngày càng nhiều calo như thịt, mỡ động vật, bơ sữa, đường gây bệnh béo phì. Một nguyên nhân rất quan trọng khác là do ít vận động nhưng lại bị sức ép công việc quá lớn, thường xuyên bị căng thẳng. Điều này thoạt tiên nghe có vẻ mâu thuẫn với nhau, nhưng lại hoàn toàn thực tế.

Trước kia, khi cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, tiện nghi sinh hoạt chỉ ở mức tối thiểu, con người thường xuyên phải vận động cật lực như trồng trọt, cấy hái, chẻ củi, xách nước, mang vác, đi bộ, đạp xe khiến toàn bộ các cơ quan chức năng như đầu, cổ, vai, gáy, chân, tay… phải vận động. Ngày nay, điều kiện sinh hoạt đầy đủ, máy móc đã thay thế hầu hết các hoạt động nặng nhọc. Ngay cả ở nơi làm việc, hầu hết phải ngồi một chỗ suốt ngày, lượng calo không tiêu hao hết, gây ì trệ, máu không lưu thông đều và khắp trong cơ thể dễ dẫn đến các bệnh mạch vành có xu hướng gia tăng.

Còn theo GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, trẻ hóa bệnh lí tim mạch ngày càng phổ biến là do lối sống công nghiệp hóa khiến con người lười vận động thể lực, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật hơn đạm thực vật. Bên cạnh đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Tuy nhiên GS Lợi cũng cho biết, mặc dù là căn bệnh nguy hiểm, bệnh tim mạch có thể được phòng ngừa thông qua vận động thể thao, cụ thể là đi bộ mỗi ngày và chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm quá nhiều cholesterol, tăng tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ và đạm thực vật, đặc biệt là đạm đậu nành.

Theo GS Nguyễn Lân Việt thì bệnh tim dễ gây tử vong nhưng phần lớn các triệu chứng lại không rõ ràng, người bệnh và gia đình chỉ phát hiện ra khi có biến chứng nguy hiểm. Bệnh có thể đề phòng từ sớm nếu thay đổi tích cực lối sống như hạn chế hút thuốc lá, rượu bia, tăng cường vận động, tập thể dục 10 - 30 phút mỗi ngày. Đồng thời, bổ sung các thực phẩm có lợi cho tim như rau củ (bông cải, bí ngô, cà rốt…); các loại hạt ngũ cốc; trái cây; thịt nạc... Nên sử dụng loại dầu đậu nành được Hội Tim Mạch Việt Nam khuyên dùng khi chiên xào, nhằm giảm lượng cholesterol trong máu.

Về cách phòng tránh, PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo: Mọi người, nhất là giới trẻ nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý như giảm ăn mặn, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo, thực phẩm quá nhiều cholesterol. Việc ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và rau quả (400g/ngày) sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

“Nên đảm bảo tính cân đối giữa chất đạm nguồn động vật và chất đạm nguồn thực vật, trong đó chú ý các loại đậu, đỗ, đặc biệt là đậu nành. Vì thế, trong bữa ăn truyền thống của người Việt thường có các chế phẩm của đậu nành như đậu phụ, tương, tào phớ, xì dầu, dầu đậu nành”- PGS Tuyên nhấn mạnh.

Từ những cảnh báo của các chuyên gia tim mạch và ngành y tế có thể thấy bệnh tim mạch đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe và tính mạng của mỗi người. Nói như GS Nguyễn Lân Việt thì căn bệnh này đang được coi là “sát thủ thầm lặng” của toàn nhân loại.

Tại Viện Tim mạch, số lượng bệnh nhân trẻ từ 25-40 tuổi đến khám và điều trị ngày càng tăng trong những năm gần đây và có khá nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40 đã được ghi nhận. Cũng theo Viện Tim mạch, trung bình mỗi năm, bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của 200.000 người, chiếm khoảng 1/4 tổng số ca tử vong ở nước ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh tim tấn công người trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO