Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) địa chỉ tin cậy cho người dân vùng Tây Nguyên

THANH NGA 26/02/2023 09:33

Sau gần một năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (BUH) đã trở thành địa chỉ khám chữa bệnh uy tín, đáng tin cậy cho người dân trong vùng.

Hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân

Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, (trực thuộc Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột), tọa lạc tại số 298 Hà Huy Tập, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột là bệnh viện ngoài công lập đầu tiên được đầu tư xây dựng hiện đại nhất tại khu vực Tây Nguyên; BUH có diện tích 30.000 m2, với quy mô 200 giường bệnh, kinh phí đầu tư trên 600 tỷ đồng. Đây cũng là Bệnh viện đầu tiên được xây dựng theo mô hình Viện - Trường, kết hợp giữa Đào tạo- Nghiên cứu khoa học- Khám chữa bệnh.

BUH có 2 tòa nhà, tòa chính có 8 tầng và 18 khoa phòng; các khoa phòng được thiết kế rộng rãi, thoáng mát, khang trang, sạch đẹp; tiện nghi hiện đại, mang đến cho bệnh nhân cảm giác như đang được đi nghỉ dưỡng tại resort. Các phòng: mổ, gây mê hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm được trang bị máy móc tiên tiến, hiện đại nhất của tập đoàn Philips và các hãng máy móc uy tín trên thế giới như: Máy MRI 1.5 Tesla; Máy X-quang nhũ ảnh 3D; Mát CT 128 lát cắt; Máy siêu âm đàn hồi mô. BUH còn được sở hữu đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, triển khai được các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Ngày 16/2/2022, BUH đi vào hoạt động và triển khai nhiều chuyên khoa trọng điểm như: Ngoại Tổng Quát; Ngoại Thần Kinh; Nội Tổng hợp; Phụ Sản; Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVF; Tim Mạch Can Thiệp; Chẩn Đoán Hình Ảnh; Xét Nghiệm; Tầm soát và điều trị ung thư; Trung tâm Răng Hàm Mặt - Thẩm mỹ. Ngoài ra, BHU còn triển khai các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe đặc biệt như: Khám sức khỏe tổng quát; Tầm soát ung thư; Thai sản trọn gói cùng với các chương trình bảo hiểm, bảo lãnh viện phí mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh.

BS.CKII. Võ Minh Thành, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột cho biết, với phương châm “đề cao giá trị y đức, lấy người bệnh làm trung tâm”, sau gần 1 năm hoạt động, BUH đã tiếp đón hơn 150.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh (bao gồm cả BHYT và dịch vụ); thực hiện 21.473 lượt thủ thuật và 6.419 ca phẫu thuật, trong đó có sử dụng một số kỹ thuật đặc biệt như: Chụp, nong và đặt stent động mạch vành; Phẫu thuật nội soi cắt túi mật; Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng; Cố định cột sống bằng vít qua da; Tạo hình thân đốt sống bằng bơm cement sinh học qua cuốn; Phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng, khớp gối; Tán sỏi thận qua da theo hướng dẫn siêu âm; Thụ tinh trong ống nghiệm…

Địa chỉ tin cậy cho người dân trong vùng

Nhắc đến BUH, chị Phạm Thị Quỳnh (33 tuổi ở huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) hết lời khen ngợi. Chị Quỳnh kể: em bị bệnh tim bẩm sinh tứ chứng Fallot. Em đã điều trị bằng phẫu thuật mổ tim (vá lỗ thông liên thất) tại Viện tim TP HCM cách đây 8 năm nhưng thường xuyên vẫn bị khó thở và thiếu oxy mạn tính. Bác sĩ tim mạch đã khuyến cáo em không được mang thai. Thế nhưng, với khát khao tình mẫu tử, bất chấp rủi ro, nguy hiểm tới tính mạng em vẫn quyết định mang thai.

Khi mang thai ở tuần thứ 33, em bắt đầu có triệu chứng suy tim nặng hơn, phù toàn thân khó thở liên tục, môi và các đầu ngón tay tím. Em đã khám tại Bệnh viện Vùng Tây Nguyên, các bác sĩ khuyên em chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ ở TP HCM để sinh, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em đã đến BUH khám. Tại đây em đã được các bác sĩ thăm khám và cho nhập viện. Sau 4 ngày hội chẩn mổ lấy thai, các bác sĩ đã tiên lượng trong quá trình phẫu thuật không tránh khỏi những khó khăn, nhất là các nguy cơ biến chứng suy tim cấp, phù phổi cấp, đảo shunt... nhưng gia đình em vẫn quyết tâm chọn BUH để mổ.

Tình trạng của em lúc đó thật sự là một ca phẫu thuật khó khăn đối với các bác sĩ, nhưng em thật sự rất may mắn khi được các bác sĩ tận tâm, tận lực giúp cho ca mổ thành công. Sau khi mổ con em phải nằm lồng kính, còn em nằm phòng hồi sức 4 ngày, các bác sĩ thăm khám cho em thường xuyên; các cô điều dưỡng cũng chăm sóc em tỉ mỉ, ai cũng ân cần, nhẹ nhàng nên em bớt đau đớn và khỏe dần lên. Sau 24 ngày điều trị con em được chăm sóc khỏe mạnh và trở về trong vòng tay của mẹ. Lúc ấy em ôm con vào lòng, mà nước mắt tuôn rơi, em thật sự hạnh phúc nói không nên lời, thầm cảm ơn các y, bác sĩ rất nhiều, với em BUH rất tuyệt vời không có lời nào để diễn tả.

Năm 2022, ông Phạm Văn Hải (54 tuổi) ở huyện Krông Pắc, (tỉnh Đắk Lắk) cũng được người nhà đưa vào cấp cứu tại BUH trong tình trạng không thể tự di chuyển và cử động phần thân dưới được. Sau khi thăm khám, các bác sĩ Chuyên khoa Ngoại Thần Kinh của BUH đã chẩn đoán ông bị trượt cột sống thoát vị cấp II buộc phải tiến hành phẫu thuật điều trị.

Ông được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp bắt vít qua da. Đây là phương pháp có những ưu điểm vượt trội so với phương pháp mổ mở truyền thống: Giảm xâm lấn, hạn chế biến chứng sau mổ, nhanh phục hồi. Chỉ 7 ngày sau khi phẫu thuật, ông đã hồi phục và xuất viện, quay lại sinh hoạt hằng ngày. “Tôi cảm ơn bác sĩ phẫu thuật cùng ekip của Bệnh viện đã điều trị cho tôi được quay trở lại giảng đường và khỏe mạnh như bây giờ”, ông Phạm Văn Hải cảm kích.

“Có thể nói, sau gần 1 năm hoạt động, BUH đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên môn lần đầu tiên được thực hiện tại địa phương, qua đó góp phần cấp cứu thành công những bệnh lý nguy kịch, không có đủ thời gian để chuyển tuyến cấp cứu. Nếu như trước đây người dân khu vực Tây Nguyên phải di chuyển đến TP Hồ Chí Minh để thực hiện các can thiệp về tim mạch, ngoại khoa, điều trị hiếm muộn thì nay có thể thực hiện ngay tại Bệnh viện”, BS.CKII. Võ Minh Thành khẳng định.

Chú trọng chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng

Ngoài chú trọng công tác xây dựng phát triển Bệnh viện, BHU còn chú trọng công tác xã hội chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Đáng kể nhất, trong năm 2022, BHU đã phát thuốc miễn phí hơn 600 người dân hoàn cảnh khó khăn tại xã Ea Tul, huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk); khám bệnh, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí khoảng 500 người dân và trao 100 suất quà cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn huyện Cư Kuin, (tỉnh Đắk Lắk); tầm soát ung thư cho 50 người có nguy cơ, trị giá 300 triệu đồng theo chương trình Dự án cộng đồng “Vì một Việt Nam không còn nỗi lo về ung thư”.

“Trong thời gian sắp tới, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột sẽ tiếp tục nâng cao công tác đào tạo và thực hiện các kỹ thuật mới chuyên sâu, hoàn thiện dịch vụ, tạo ra môi trường chăm sóc sức khỏe chất lượng - tin cậy - thân thiện”, BSCKII. Võ Minh Thành, Giám đốc Bệnh Viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột chia sẻ.

Có thể nói, sự nỗ lực trong công tác khám, chữa bệnh và những đóng góp trong xã hội của đội ngũ y, bác sĩ và tập thể nhân viên BHU trong năm qua đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Tây Nguyên và đã trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân trong vùng lựa chọn đến khám và điều trị bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) địa chỉ tin cậy cho người dân vùng Tây Nguyên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO