Bệnh viện gấp rút mua sắm vật tư, hóa chất

Đức Trân 17/03/2023 07:39

Nghị quyết 30 và Nghị định 07 của Chính phủ vừa được ban hành được xem là những biện pháp hiệu quả và kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc cho ngành y tế. Đến nay, hầu hết các bệnh viện đều đang tập trung gấp rút triển khai những công việc trước đây gặp vướng mắc.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hoạt động mổ phiên trở lại. Ảnh: BVCC.

Đã tháo gỡ khó khăn cho bệnh viện

Ghi nhận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sau 2 tuần gián đoạn các ca mổ phiên, chỉ ưu tiên mổ cấp cứu do thiếu hóa chất, trang thiết bị y tế thì hiện nay, mọi hoạt động tại bệnh viện đã trở lại bình thường.

Anh Trần Thanh Hưởng (28 tuổi, ở Hòa Bình) cho biết: Mẹ tôi gặp vấn đề về xương khớp đã được các bác sĩ chỉ định mổ, thế nhưng thời gian qua phải hoãn. Rất may, tuần này mẹ tôi đã được phẫu thuật. Qua các phương tiện thông tin tôi cũng biết được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và ngành y gặp nhiều khó khăn, vì vậy những ngày qua chúng tôi rất lo lắng.

GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin: “Bệnh viện đã hoạt động bình thường trở lại từ ngày 14/3, hiện nay, chúng tôi đã đầy đủ phương tiện để có thể đáp ứng công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Có thể nói, Nghị định 07 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế của Chính phủ đã tháo gỡ được nhiều nút thắt, giải quyết được các vấn đề mua sắm, đấu thầu trang thiết bị của các bệnh viện nói chung và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói riêng”.

Trong khi đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng đang khẩn trương rà soát lại máy móc, trang thiết bị vật tư y tế để nhanh chóng đưa vào hoạt động trở lại. PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện cho biết, trong hơn 10 năm qua, Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện liên doanh, liên kết và triển khai rất nhiều máy móc xã hội hóa. Trong đó, sau thanh tra kiểm tra, một loạt đề án về liên doanh liên kết có vấn đề về pháp lý, khiến nhiều máy móc, thiết bị không thể sử dụng 2 năm qua. Nhiều thiết bị trong dự án liên doanh, liên kết đã hết hợp đồng cũng không thể đưa vào sử dụng. Hiện nay, chúng tôi đang khẩn trương rà soát lại các máy móc này về kỹ thuật và tính pháp lý để sớm đưa ngay vào phục vụ khám, chữa bệnh.

Ông Cơ cũng chia sẻ thêm: “Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 và Nghị định 07 đã giúp bệnh viện tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc từ nhiều năm nay, giúp khắc phục, sửa chữa, bổ sung những vướng mắc trong vấn đề nhập khẩu, thông quan những thiết bị, vật tư y tế… để đưa vào thị trường trong nước, theo đó, việc mua sắm sẽ diễn ra thuận lợi. Đồng thời, Nghị quyết 30 cho phép những bệnh viện lớn, bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy… có cơ hội thuận lợi để mua những thiết bị hiện đại, mới ra đời để triển khai những kỹ thuật mới cập nhật trên thế giới”.

Cần chính sách căn cơ

Tuy chính sách mới đã tạo thuận lợi hơn cho các bệnh viện, nhưng theo các chuyên gia, về lâu dài, vẫn cần những văn bản pháp quy có tính chất căn cơ trong công tác mua sắm đấu thầu.

PGS.TS Đào Xuân Cơ cho rằng: Sau Nghị quyết 30 và Nghị định 07, Luật Đầu thầu cũng cần xây dựng để bao gồm giải pháp lâu dài, bền vững cho lĩnh vực y tế, khi đầu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế… là những mặt hàng đặc thù. Thực tế, chúng tôi đã đề nghị có một Chương riêng trong Luật Đấu thầu đối với vấn đề mua sắm, đấu thầu, thuốc, vật tư y tế… chứ không quy thành mặt hàng chung như hàng hóa thông thường. Trong Nghị quyết 30 cũng đã giao cho các bộ, ngành xây dựng những văn bản pháp quy một cách căn cơ và đây chính là những biện pháp về lâu dài trong công tác quản lý mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị, hóa chất… của ngành y tế.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết triệt để ngay mà giải quyết từng bước. Về lâu dài, cần phải có giải pháp căn cơ, đó là nhanh chóng hoàn thiện thể chế bằng văn bản, xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện. Bởi có những quy định trong Nghị quyết 30 như mục 3, Chính phủ chỉ cho áp dụng thí điểm để xây dựng giá đấu thầu đến hết năm 2023. Do đó, những gì còn vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc… khi triển khai, Bộ Y tế sẽ ghi nhận và phối hợp với bộ, ngành trung ương báo cáo lên Chính phủ. Mục đích cuối cùng và xuyên suốt là không được để thiếu thuốc, vật tư y tế mà cần có giải pháp thay thế để phục vụ người bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh viện gấp rút mua sắm vật tư, hóa chất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO