Bí ẩn bảo vật Quốc gia 700 năm tuổi

Tùng Duy 19/05/2023 08:53

Cách Đền Hùng chỉ vài km, một Bảo vật Quốc gia quý hiếm được người dân lưu giữ, bảo quản nguyên vẹn qua 700 năm từ thời Trần. Cổ vật độc nhất vô nhị được chế tác từ nhiều phiến đá xanh có nhiều họa tiết chạm khắc tinh xảo chứa những thông điệp bí ẩn.

Chùa Phổ Quang (di tích Quốc gia) được người làng Dòng đóng góp tu tạo qua nhiều thế hệ.

Một bệ đá hình khối chữ nhật nhưng mang dáng hoa sen được làm bàn thờ Phật đặt trong ngôi cổ tự chùa Phổ Quang (làng Dòng, xã Xuân Lũng, Lâm Thao, Phú Thọ) đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia cuối năm 2021.

Theo nhà văn hóa Lê Thoa (Bảo tàng Hùng Vương), bệ đá làm bàn thờ Phật được chế tác vào năm 1387 dưới triều đại vua Trần Phế Đế.

Chùa Phổ Quang được xây dựng từ thời Lý - Trần có kiến trúc cổ, gác chuông 2 tầng, 8 mái, nhà bia ở hai bên sân. Cả tòa Thiêu hương và tòa Thượng điện đều có hoa văn chạm khắc tinh xảo, còn lưu giữ đến tận ngày nay nhiều tượng Phật cổ, đồ vật quý giá từ thuở dựng chùa (cuối thế kỷ XIV). Và quý nhất là "bệ đá hoa sen" ở chính điện cổ tự.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao, ông Ngô Đức Sáu dẫn chúng tôi vào thăm chùa. Tiết trời nóng như đổ lửa cuối tháng Năm, nhưng trong chùa vẫn mát dịu nhờ lớp ngói âm rất dày và hệ thống cột, vì kèo, xà ngang bằng gỗ lim đồ sộ. Bàn thờ Phật bằng đá hình chữ "Công" dài 3,3m, cao và rộng hơn 1m, có kết cấu 5 tầng được lắp ghép lại từ 71 phiến đá xanh, trông rất vững chãi. Bốn bề chạm khắc cánh sen nhiều lớp cách điệu, sống động mà tinh hoa khiến bàn thờ đá trở nên khá đặc biệt, như đóa sen vuông đang nở.

Những cánh sen đá có diềm khắc chìm, và ở giữa có những chấm tròn, phải chăng các nghệ nhân xưa đã khéo léo mà bí ẩn cài một ý tưởng "bốn phương tám hướng" của đạo Phật? Những phiến đá xanh không rõ nguồn gốc, lại xếp lên nhiều tầng khác nhau, ngoài ra còn có những họa khắc chưa thể giải mã, như "Độc long", "Cá hóa rồng", "Sư tử vờn hoa"..., cứ vừa thực, lại phi hiện thực.

Bệ đá Hoa sen làm bàn thờ Phật được công nhận di sản "Bảo vật Quốc gia".

Đặc biệt nhất, hình tượng những con rồng được chạm khắc trong một vòng tròn khép kín như hình lá đề cách điệu với trung tâm là tia mặt trời. Rồng hiện ý "Lưỡng long chầu nhật" với dáng vẻ khỏe mạnh khiến du khách đến chiêm ngưỡng cảm nhận ý tưởng về lịch sử cha ông ta như muốn thể hiện sức mạnh dân tộc, sức mạnh của Đại Việt hào hùng.

Ông Ngô Đức Sáu khẳng định, bệ đá hoa sen độc bản này là tài sản vô giá của Quốc gia mang giá trị độc đáo, có tính văn hóa và mỹ thuật rất cao. Bệ đá được nhân dân làng Dòng bảo quản nguyên vẹn qua 7 thế kỷ, và có giá trị cao về thực tiễn, đóng góp tích cực đối với sự nghiệp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, đây là hiện vật đầu tiên xuất hiện hình tượng “Sư tử hí cầu” và “Cá hóa rồng” trong mỹ thuật cổ, và đến nay, chưa từng phát hiện thêm hiện vật thứ hai có cùng niên đại. Hoa văn hiện lên hình ảnh hươu cặp hoa hải đường, loài hoa đặc trưng của vùng trung du Tây Bắc. Một kết hợp hài hòa trong nghệ thuật chạm khắc cổ với những họa tiết hoa văn trang trí gắn với thế giới Phật giáo để mô tả cuộc sống cư dân, lại linh thiêng nơi cửa Phật, và rất điển hình quanh vùng núi Nghĩa Lĩnh, nơi phát tích cội nguồn dân tộc.

Cũng đã 7 thế kỷ đi qua, cổ vật bệ đá hoa sen ngự tại chùa Phổ Quang chưa một lần bị dịch chuyển vị trí.

Làng Dòng không chỉ tự hào gìn giữ được báu vật, đây cũng là vùng đất học có 3 danh nhân nổi tiếng được vinh danh bia đá Quốc Tử Giám, Hà Nội. Đó là các cụ Nguyễn Chính Tuân, Nguyễn Doãn Cung và Nguyễn Mẫn Đốc. Thời kỳ kháng chiến đến nay, làng Dòng đã có hơn 1.000 người có bằng đại học trở lên, trong đó 47 giáo sư, tiến sỹ, phó tiến sỹ, và có 4 vị tướng. Đây cũng chính là ngôi làng góp nhiều công sức nhất để xã Xuân Lũng cán đích nông thôn mới năm 2018.

Hiện nay trên Đất Tổ có tới 5 bảo vật Quốc gia, gồm Trống đồng Đền Hùng, Bộ khóa đai lưng bằng đồng (thuộc Khu di tích Đền Hùng), tượng Mẫu Âu Cơ (thuộc Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ), sưu tập Nha Chương (thuộc Bảo tàng Hùng Vương), và Bệ đá hoa sen (chùa Phổ Quang). Tất cả được lưu truyền bảo quản, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu được gìn giữ qua nhiều đời nay… Tại Bảo tàng Hùng Vương cũng đang trưng bày gần 700 hiện vật và tư liệu hình ảnh, tài liệu, thuộc các giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn. Trong đó quý nhất là trống đồng Đền Hùng được tìm thấy ngày 5/8/1990 ở mạn Tây núi Nghĩa Lĩnh, cách Đền Hùng gần 500m.

5 bảo vật Quốc gia ở Đất Tổ thuộc các giai đoạn lịch sử khác nhau, có ý nghĩa, giá trị rất đặc biệt. Bệ đá hoa sen làm bàn thờ Phật có thể còn những bí ẩn chưa phát lộ nhưng là minh chứng lễ đạo gắn liền với cuộc sống nhân sinh, lại toát lên sức mạnh dân tộc Việt.

Tại Bảo tàng Hùng Vương cũng đang trưng bày hơn 12.000 hiện vật, tư liệu hình ảnh, tài liệu gốc về văn hóa và lịch sử, trong đó Nha Chương, công cụ cầm tay thể hiện uy quyền của các thủ lĩnh xa xưa, là bảo vật bằng đá ngọc độc đáo nhất của văn hóa Phùng Nguyên có niên đại vào khoảng 3.700 đến 3.400 năm.

Từ thuở xa xưa ấy, người Việt cổ đã biết lựa chọn chất liệu đá và sử dụng kỹ thuật chế tương thích, chứng tỏ sự phát triển đỉnh cao của cư dân Phùng Nguyên trong việc chế tác đá.

Mang dấu ấn văn hóa, giá trị thẩm mỹ đặc sắc qua mỗi thời kỳ lịch sử, bảo vật Quốc gia không chỉ khẳng định sự giàu có về văn hóa mà còn hội tụ những tinh hoa trí tuệ của các bậc tiền nhân.

Du khách về Đất Tổ chiêm ngưỡng bảo vật Quốc gia, cũng góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trong hành trình trở về với nguồn cội.

Ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ khẳng định, việc quản lý, bảo quản các bảo vật Quốc gia đã và đang phát huy giá trị lịch sử, góp phần khơi dậy niềm tự hào truyền thống, văn hóa, đồng thời đảm bảo quyền hưởng thụ văn hóa của người dân. Ngành Văn hóa đã thực hiện phiên bản các bảo vật Quốc gia với tỷ lệ 1/1 và trưng bày, quảng bá, giới thiệu tại Bảo tàng tỉnh Phú Thọ để người dân và du khách tham quan, tìm hiểu. Sở Văn hóa cũng đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày chuyên đề giới thiệu về di sản văn hóa tiêu biểu, trong đó có bảo vật Quốc gia.

Nhằm bảo vệ an toàn cho các bảo vật Quốc gia, tỉnh Phú Thọ đã lắp đặt hệ thống camera giám sát, hệ thống báo động chống trộm, và các phương tiện phòng chống cháy nổ. Một số bảo vật như Trống đồng, Bộ khóa đai lưng, Nha Chương đều được đặt trong tủ kính 5 mặt, trong tủ lắp đặt thiết bị báo động, và bố trí người trực gác 24/24h. Các bảo vật được trưng bày ở vị trí dễ thấy để người dân và du khách đến tham quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bí ẩn bảo vật Quốc gia 700 năm tuổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO