Bí thư, Chủ tịch phải xắn tay vào giải ngân vốn đầu tư công

Nguyên Khánh 02/07/2020 10:30

Dẫn bài báo của Đại Đoàn Kết liên quan đến sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công là do GPMB, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu những người đứng đầu các đơn vị có nguồn vốn còn bị tắc phải xốc lại, xắn tay vào để giải phóng nguồn vốn này...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, sáng 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bí thư, chủ tịch các địa phương phải xắn tay vào giải ngân vốn đầu tư công.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam phải đạt được hai mục tiêu kép. Thứ nhất, không để Covid-19 quay trở lại xóa thành quả mà chúng ta đã phấn đấu, không vì kinh tế mà dễ dãi làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe nhân dân. Thứ 2, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo tăng trưởng và đời sống nhân dân.

Thủ tướng cũng đã gợi mở 8 vấn đề để các thành viên Chính phủ thảo luận đưa ra giải pháp gỡ khó cho nền kinh tế.

Thứ nhất, dù kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, CPI khả thi để đạt được mục tiêu đề ra, nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao, rủ ro đầu tư thương mại, tài chính còn đó.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành cần nhận diện rủi ro bên ngoài, bên trong để có giải pháp đồng bộ, hiệu quả, kịp thời. Trong khó khăn như vậy, cầnduy trì ổn định vĩ mô, nâng cao uy tín, chỉ đạo điều hành, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp để thu hút đầu tư, tạo nền tảng ổn định, phát triển. Đây là tư tưởng nhất quán của Chính phủ nhiệm kỳ này, nhất là trong những lúc khó khăn.

Theo Thủ tướng, cỗ máy tăng trưởng Việt Nam ví như cỗ xe tam mã gồm: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Chúng ta cần dùng mọi biện pháp tăng cả 3 con ngựa kéo lấy đà cho đất nước đi lên.

Thứ 2, về điều hành công cụ kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa và tiền tệ, kích cầu tăng trưởng tinh thần là không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà phải tiến công để phát triển. Theo Thủ tướng, dư địa tài khóa và tiền tệ của nước ta còn khá lớn, vấn đề đặt ra là trong bối cảnh khó khăn cần điều hành thận trọng có phải là định hướng phù hợp không?

Theo đó, trong khó khăn, chính sách tài khóa vô cùng quan trọng, các cấp ngành, địa phương cần chú ý chính sách tài khóa này. Cần điều hành linh hoạt, kích thích tăng trưởng, không thể đi ngược thời đại, xu hướng chung, phải vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì việc làm của người dân, vì vị thế kinh tế của đất nước.

Thứ 3, giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, mặc dù kết quả giải ngân 6 tháng là rất cao nhưng mới đạt 33% kế hoạch đề ra, giải ngân vốn ODA còn rất thấp 10%. Thủ tướng cho rằng, chúng ta có gần 700 nghìn tỷ đồng nếu giải ngân tốt thì đây là giải pháp kích cầu ngắn hạn hiệu quả, tạo động lực tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có kiến nghị, chính sách cụ thể, chế tài cụ thể để giải ngân hết nguồn vốn này. Địa phương nào không giải ngân được nguồn vốn này, kể cả vốn ODA thì Thủ tướng có quyền chuyển từ ngành này, địa phương này sang địa phương khác làm tốt hơn.

“Hôm nay, báo Đại Đoàn Kết đăng một bài viết về giải ngân vốn đầu tư công. Nguồn vốn này không giải ngân được là vì giải phóng mặt bằng. Vậy ông bí thư, chủ tịch có xắn tay vào để giải phóng mặt bằng không? Khi có vấn đề gì nóng thì rất quyết liệt, nhưng giải phóng mặt bằng thì giao cho cấp dưới. Tại sao nhiều địa phương làm tốt giải ngân nguồn vốn này mà nhiều địa phương làm chưa tốt. Lần này sẽ phải có chế tài mạnh về vấn đề này”, Thủ tướng nói.

Thứ 4, trong điều kiện thị trường quốc tế bị thu hẹp, cầu nội địa giảm, chúng ta phải có giải pháp gì để mở rộng thị trường quốc tế, trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa. Chúng ta đã có giải pháp kích cầu nội địa, nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Phải kích cầu, giảm giá, khuyến mãi, phải làm tốt hơn nữa.

Thứ 5, càng khó khăn càng hoàn thiện các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đề nghị, các bộ ngành, địa phương đề xuất, kiến nghị cụ thể. Cần sửa đổi quy định pháp luật nào để cắt giảm thủ tục hành chính nào, có cơ chế chính sách nào mới để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển trong giai đoạn hiện nay?

Phải có tinh thần phục vụ, đó là thái độ phục vụ nhân dân, thái độ phục vụ cho phát triển, tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể, với tinh thần hậu kiểm động viên bà con làm việc. Một không khí như vậy mới tạo điều kiện cho phát triển.

“Cứ quyền anh, quyền tôi, gây khó dễ cho người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp thì không bao giờ thành công được”, Thủ tướng nói.

Thứ 6, cần bàn phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới, như kinh tế ban đêm, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội, tạo điều kiện phát triển thị trường bất động sản… tạo điều kiện cho người dân làm giàu. Nếu địa phương khéo điều hành kích thích phát triển.

Thứ 7, làm thế nào để thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, nguồn vốn FDI. Thủ tướng hoan nghênh cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng thời gian qua, nhưng doanh nghiệp nỗ lực là chưa đủ mà chính chính quyền phải ra tay hỗ trợ doanh nghiệp bởi nhiều nguồn vốn sẽ chảy sang các nước khác nếu chúng ta không có những điều kiện cần và đủ để thu hút. Do vậy, Thủ tướng đề nghị, các Bộ, ngành cần kiến nghị giải pháp cụ thể hơn nữa tạo động lực cho phát triển.

Thứ 8, phục hồi phát triển một số ngành trọng yếu như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng thị trường bất động sản. Có giải pháp đồng bộ hơn để kích thích phát triển cho khu vực du lịch, dịch vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bí thư, Chủ tịch phải xắn tay vào giải ngân vốn đầu tư công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO