Biến động trên chính trường Malaysia

Đình Tú 25/02/2020 08:00

Ngày 24/2, Văn phòng của Thủ tướng Malaysia Mohamad Mahathir ra thông báo xác nhận ông Mohamad Mahathir đã gửi thư xin từ chức lên Quốc vương nước này. Các diễn biến dồn dập trên chính trường Malaysia những ngày qua đang dẫn đến một nguy cơ bất ổn chính trị mà không ai có thể đoán trước.

Biến động trên chính trường Malaysia

Ông Anwar (trái) và Thủ tướng Mahathir, từ đồng minh trở thành đối thủ chính trị.

Đồng minh hay kẻ thù?

Mọi bất ổn tại chính trường Malaysia bắt đầu vào hồi tuần trước khi Thủ tướng Mahathir khẳng định chỉ rời ghế sau năm 2020, thời điểm ông bước sang tuổi 95, để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.

Cùng với đó, cuộc họp Hội đồng các chủ tịch đảng trong liên minh cầm quyền Pakatan Harapan (PH) cũng đã quyết định việc giao lại quyền lực cho ông Anwar Ibrahim - một đồng minh chính trị của ông Mahathir - cũng sẽ không diễn ra cho đến sau Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11 năm nay tại Malaysia.

Việc cá nhân Thủ tướng Mahathir và liên minh PH đều có những dấu hiệu làm chậm quá trình chuyển giao quyền lực đã dẫn đến sự “bất mãn tích tụ và nguy cơ bùng nổ” của ông Anwar.

Theo đúng lời hứa khi thành lập liên minh với chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018, sau 2 năm cầm quyền, ông Anwar sẽ kế nhiệm chức vụ Thủ tướng của ông Mahathir. “Nhưng đã 2 năm trôi qua, kể từ khi ông Anwar được ân xá và quay trở lại chính trường, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Thủ tướng Mahathir sẽ thực hiện lời hứa của mình” - tờ Straits Times bình luận.

Không chỉ lời nói, một số báo cáo ghi nhận các chính trị gia đến từ đảng cầm quyền cũ - Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) của ông Mahathir - đã cùng họp hôm 23/2 tại một khách sạn ở Kuala Lumpur nhằm thành lập một liên minh mới từ những thành viên cũ.
Tờ Guardian của Anh nhận định việc thành lập một liên minh mới có thể giúp ông Mahathir giữ vị trí đầy đủ nhiệm kỳ, thay vì phải trao quyền lại cho ông Anwar theo lời hứa.

Bản thân Thủ tướng Mahathir cũng nhiều lần khẳng định ông chỉ rời nhiệm sở khi đã giải quyết những vấn đề lớn do chính quyền tiền nhiệm để lại và không đặt thời hạn cụ thể cho quyết định này. “Tôi hứa sẽ từ nhiệm khi liên minh cầm quyền chọn được ứng viên lãnh đạo phù hợp” - ông nói thêm.

Ông Anwar, 72 tuổi, từng là cấp phó của ông Mahathir nhưng bị cách chức và bỏ tù vào năm 1998 với các cáo buộc tham nhũng và quan hệ tình dục đồng tính - một vụ việc mà ông Anwar cho rằng có động cơ chính trị, vốn như Mặt trăng với Mặt trời bỗng trở thành đồng minh rồi lại quay về như cũ vì tranh chấp quyền lực. Giới chính trị Malaysia cho rằng 2 người không phải đồng minh cũng không phải kẻ thù. Theo Guardian: “Tồn tại giữa họ là lợi ích chính trị đơn thuần và không có 2 khái niệm này”.

Vở kịch chưa diễn hết

Theo Hiến pháp Malaysia, Quốc vương là người quyết định cuối cùng xem xét việc có chấp thuận cho Thủ tướng Mahathir từ chức hay không. Trong trường hợp từ chức, của ông Mahathir sẽ có 2 kịch bản xảy ra: sẽ có một cuộc bầu cử mới tại Malaysia hoặc liên minh mới do ông Mahathir thành lập sẽ giúp ông giữ vị trí đầy đủ nhiệm kỳ, thay vì phải trao quyền lại cho ông Anwar theo lời hứa.

Tạp chí Nikkei Asian Review dẫn các nguồn thạo tin riêng trong chính quyền Malaysia cho biết không phải tất cả nghị sĩ trong PH đều ủng hộ “quyền kế vị” của ông Anwar. Họ phản đối ông lên nắm quyền và ủng hộ ông Mahathir tiếp tục ở lại làm Thủ tướng 3 năm còn lại.
Trong khi đó, một số người ủng hộ kế hoạch “chơi tất tay” khi thuyết phục ông Mahathir giải tán Quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử sớm vào cuối năm nay. Điều đó có nghĩa ông Anwar sẽ không nhận được chiếc ghế Thủ tướng từ ông Mahathir nữa mà phải tranh đấu với các đảng khác trong cuộc tổng tuyển cử một cách sòng phẳng.

Dù kịch bản nào xảy ra thì điều bất lợi vẫn xảy ra đối với ông Anwar. Nhưng ông Anwar không phải một chính trị gia tay mơ khi liên tục thể hiện sự kiên nhẫn và kêu gọi mọi người tôn trọng ý kiến tập thể.

“Tôi không nghĩ rằng nó sẽ trở thành một vấn đề. Điều quan trọng nhất là không ai nghi ngờ về quá trình chuyển đổi và quyết định của chúng tôi, rằng ông Mahathir là Thủ tướng thứ bảy và tôi Anwar sẽ là thủ tướng thứ tám” - tờ New Straits Times dẫn lời ông Anwar.

“Sức nhẫn nhịn của Anwar liệu có giúp sức ông trong vở kịch chưa diễn hết trên chính trường Malaysia hiện nay là điều khó đoán biết” – các chuyên gia chính trị của nước này đưa nghi vấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến động trên chính trường Malaysia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO