Biển 'nuốt' làng!

Nguyễn Chung 13/10/2022 06:59

Chỉ trong thời gian ngắn, trên chiều dài khoảng 1,5km, hàng trăm mét vuông đất ở, đất vườn của người dân sinh sống tại khu vực cửa Lạch Hới, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã bị sóng biển “nuốt chửng”. Hiện tượng biển xâm thực mạnh tại đây đang gây ra nhiều lo lắng khi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Trong khi đó, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa tìm được phương án tối ưu để khắc phục.

Tình trạng biển xâm thực tại xã Hoằng Phụ đang diễn biến phức tạp khiến người dân nơi đây lo lắng, bất an.

Mất đất, mất nhà!

Mặt trời đã lên quá 2 con sào nhưng bà Bùi Thị Hương - trú tại thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa vẫn ngồi lặng lẽ bên bậc thềm nhà đầy cát, nhìn thất thần vào những con sóng biển đục ngầu đang ầm ào đổ vào bờ. Đã 2 tháng qua, vợ chồng bà không thể ra bãi biển cào ngao kiếm ăn do mùa mưa bão về. Không đất nông nghiệp, không nghề phụ, nỗi lo cơm áo đè nặng lên từng hơi thở khó nhọc. Nhưng sự lo lắng ấy không thấm tháp vào đâu so với nỗi lo biển “nuốt” làng đang ngày một hiện hữu.

Là người đã gắn cả đời mình với vùng đất cửa sông này, bà Hương đã chứng kiến nhiều trận cuồng phong của biển nhưng chưa năm nào bà thấy tình trạng biển xâm thực mạnh như năm nay. Chỉ trong vòng khoảng hơn 2 tháng, sóng biển đã cuốn đi hàng trăm mét vuông đất của người dân.

Dẫn tôi ra phía bờ biển, nơi có những mảng tường, móng nhà kiên cố bằng bê tông đã bị sóng biển làm cho đứt gãy, sụp đổ và những gốc phi lao trơ rễ, bà Hương không giấu được sự xót xa: Chỉ khoảng dăm năm về trước, bờ biển còn là bãi cát dài hàng trăm mét với rừng phi lao như những người bảo vệ, đứng hiên ngang chắn sóng, gió. Nhưng sóng biển như loài gặm nhấm khổng lồ, mỗi ngày lấy đi một ít. Tình trạng xâm thực vẫn diễn ra, tuy nhiên qua mùa mưa, bão, cát lại bồi về đầy như cũ.

Chính quyền địa phương đã có lần đến động viên gia đình bà Hương và một số hộ dân khác di dời ra khỏi vùng sạt lở nhưng chồng bà không chịu. Ông bảo: Vì đây là đất của cha ông bao đời chắt chiu mới có được. Hơn nữa trong khi ăn còn chưa đủ, nếu chuyển đến nơi ở mới thì lấy tiền đâu ra để làm nhà? Với lại, biển cứ lở rồi bồi, đã thành quy luật, lo gì…. Nhưng năm nay thì khác, sau đợt mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão số 4, tất cả đã biến mất như chưa hề tồn tại. Đêm nằm nghe tiếng triều lên vỗ ì oạp ngay đầu giường. Mỗi sáng thức dậy, biển như chồm ngay vào trước mặt do không còn rừng phi lao bảo vệ. “Ngày trước, khi còn rừng phi lao chắn sóng, 2 ông bà còn nuôi thêm con lợn, con gà để cải thiện đời sống, nhưng nay thì đành chịu, sóng biển cuốn đi hết rồi. Cứ đà này thì đến nhà cũng không còn để ở chứ nói gì đến chăn nuôi” - bà Hương nói.

“Các chú làm sao lên tiếng giúp bà con, chứ để vậy không ổn, sóng cuốn mất cả rồi” - Tiếng một người phụ nữ khác thảng thốt cất lên chen ngang câu chuyện. Người phụ nữ mới đến cởi chiếc nón mê tả tơi để lộ mái tóc hoa râm và khuôn mặt khắc khổ màu cháy nắng khó đoán tuổi. Bà cũng tên Hương - Hoàng Thị Hương, người cùng thôn. Rồi như sợ chúng tôi cũng sẽ biến mất, bà kể vội vã: Trước, gia đình bà có 1.250m2 đất ở ngay khu vực ven biển xâm thực. Tuy nhiên, diện tích đất này đang bị sóng biển khoét sâu, ăn mòn dần. Quá lo lắng trước tình hình biển ngày càng xâm thực mạnh, trong năm 2022, đã 3 lần gia đình nhà bà Hương phải bỏ ra gần 400 triệu đồng xây tường bao, be bờ, đổ cát, đá, làm kè, giằng, đổ cột bê tông kiên cố để giữ đất nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện là mấy. Sau cơn bão số 4 vừa qua, nhiều đoạn tường bao bê tông đã bị sóng đánh đứt gãy và phân nửa đã bị chìm vào lòng biển. "Nhà có 6 khẩu, không nghề phụ, chúng tôi đã mua mảnh đất này dự định để cho con cái làm ăn, phát triển du lịch, nhưng với tình trạng như thế này thì chả mấy sẽ mất hết đất. Chúng tôi mong nhà nước sớm có biện pháp kè chắn để ngăn chặn sự xâm thực và đảm bảo an toàn cho người dân" - bà Hoàng Thị Hương bày tỏ.

Người dân Hoằng Phụ đang rất mong chờ cơ quan chức năng sớm có giải pháp để khắc phục.

Quá sức của địa phương

Tìm hiểu thêm từ phía người dân, được biết: Trước đây, khu vực bờ biển tiếp giáp cửa sông Mã thuộc thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ đã xảy ra hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển nhưng với mức độ thấp, không đáng kể. Tuy nhiên thời gian gần đây, đặc biệt vào khoảng tháng 6, tháng 7 và ảnh hưởng của cơn bão số 4 cuối tháng 9 vừa qua, triều cường, sóng lớn vỗ bờ với tần suất cao nên hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển tại vị trí nêu trên bị ảnh hưởng rất lớn. Sóng đã làm sạt lở bờ biển với chiều dài hơn 1,5km, lấn sâu vào đất liền đến khoảng 50m, có điểm bị xâm thực sâu vào đất liền hơn 100m. Việc xâm thực này đã làm mất đất sản xuất và đất ở của một số hộ dân khoảng trên 7,5ha trong đó đất rừng sản xuất khoảng 5,2ha, đất nuôi trồng thủy sản khoảng 1,5ha, còn lại là đất bãi bồi và đất ở, đất biên phòng.

Đặc biệt tình trạng sạt lở xâm thực đã làm mất đất ở của 3 hộ dân thôn Tân Xuân với khoảng 1.000m2 và trụ sở, khuôn viên của Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hới. Hiện nay tình trạng sạt lở vẫn đang tiếp diễn. Dãy rừng phòng hộ với những rặng phi lao xanh mát chạy dọc Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Hới cũng dần bị nuốt chửng. Bờ biển nơi đây ngổn ngang gốc cây, thân cây bị sóng đánh dạt vào bờ.

Đại úy Nguyễn Đình Hoàn - Trạm Trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa Hới, Đồn Biên Phòng Hoằng Trường, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa cho hay: “Chỉ trong tháng 7, nước biển xâm thực ảnh hưởng đến đất quốc phòng, gây sạt lở nặng nề. Trạm báo cáo Đồn và phối hợp với UBND xã Hoằng Phụ ra kiểm tra, theo dõi, báo cáo lên UBND huyện Hoằng Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, các sở, ban, ngành đã xuống kiểm tra, xác định và có báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh”.

Đem những lo lắng của người dân tại thôn Tân Xuân và Trạm biên phòng Cửa Hới đến UBND xã Hoàng Phụ để tìm hiểu, tôi được ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết: Tình trạng nước biển xâm thực ở khu vực xã Hoằng Phụ là hết sức nghiêm trọng và đang có những diễn biến khó lường. Nếu tình trạng sạt lở, xâm thực tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh như thời gian vừa qua sẽ gây nguy hiểm và đe dọa trực tiếp đến đời sống của khoảng hơn 30 hộ dân trong khu vực và Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Hới.

“Trước thực trạng trên, UBND xã cũng đã nhiều lần làm báo cáo về tình trạng biển xâm thực gửi lên các cấp có thẩm quyền, mong sớm có phương án xử lý mang tính cấp bách. Hiện nay, chúng tôi không còn biện pháp nào khác ngoài việc hỗ trợ người dân dùng những biện pháp tạm thời để khắc phục và trồng thêm phi lao để chắn sóng. Phương án xây bờ kè thì không thể vì quá sức của địa phương" - ông Bình nói.

Cũng nói về vấn đề này, ông Lê Văn Cường - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hoằng Hóa cho biết: Trong mấy tháng qua, tình trạng biển xâm thực trên địa bàn xã Hoằng Phụ là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân và đất đồn Biên phòng Cửa Hới. UBND huyện đã yêu cầu xã theo dõi chặt chẽ diễn biến của việc xâm thực và đưa ra cảnh báo với các hộ dân sinh sống trong vùng bị sạt lở. Đồng thời, huyện đã đề xuất với UBND tỉnh Thanh Hóa sớm có giải pháp giúp địa phương ngăn chặn tình trạng biển xâm thực.

Được biết, ngay sau khi nhận được công văn báo cáo về tình trạng xâm thực tại xã Hoằng Phụ của UBND huyện Hoằng Hóa, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã xuống hiện trường kiểm tra, đánh giá hiện trạng và họp bàn với các ngành chức năng nhằm tìm ra các giải pháp kịp thời xử lý, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân yên tâm bám biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biển 'nuốt' làng!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO