Bình Dương nỗ lực 'níu chân' người lao động

Quốc Định 03/10/2021 17:58

Người lao động ở lại Bình Dương làm việc được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19, được tiếp cận việc làm để có thu nhập...

Ngay sau khi TP HCM và Bình Dương công bố kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội, rất nhiều người dân từ tỉnh Bình Dương tìm cách về quê, đa phần là những người lao động về các tỉnh miền Tây. Bên cạnh đó, có một số người về các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung.

Ghi nhận của phóng viên, lượng người di chuyển nhiều nhất vào các ngày 2 và 3/10. Do quá đông nên tại các điểm kiểm soát giao nhau liên tỉnh đã xảy ra hiện tượng ùn ứ.

Dòng người, chủ yếu di chuyển bằng xe máy, nối đuôi nhau trên các tuyến đường của Bình Dương đổ ra quốc lộ 13 hướng về phía TP HCM.

Tại Cầu Vĩnh Bình (đoạn giáp ranh giữa TP HCM và TP Thuận An) có thời điểm lượng người đi ùn ứ dài cả km.

Lực lượng chức năng phải chia ra thành nhiều tốp, phân ra các đoạn đường ngắn trong khu vực này để kiểm tra giấy tờ, ai đủ điều kiện theo quy định mới được thông xe, ai chưa đủ điều kiện về quê bắt buộc phải quay đầu.

Mỗi tốp như vậy, cử một đến hai cán bộ giải thích cho bà con hiểu về sự nguy hiểm cho bản thân và người thân nếu về quê vào lúc này.

Lượng người đổ về cầu Vĩnh Bình, khiến lực lượng chức năng phải rất vất vả để điều tiết, (ảnh Q.Đ.).

Tại cầu Phú Long đã bị chặn lại bởi lực lượng cảnh sát cơ động, người đi xe máy về quê được yêu cầu đi theo lộ trình quốc lộ 13 để về cửa ngõ cầu Vĩnh Bình.

Theo quan sát, xe máy của bà con miền Tây hầu hết đi thành đoàn, chở theo cả các em nhỏ và nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh, là "hành trang" trở lại quê hương sau những ngày khó khăn vì dịch bệnh.

Nhiều phương tiện cá nhân nối đuôi nhau về quê trong đêm. (ảnh S.H.).

Bên cạnh người dân về các tỉnh miền Tây, chúng tôi cũng ghi nhận một số người đi về các tỉnh miền Trung như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh Nam Trung bộ...

Được tổ chức đi bằng xe 7 chỗ theo hình thức “đi chui”, mỗi hành khách phải trả phí với giá rất cao 5 triệu đồng/ người. Hầu hết những người chấp nhận đi theo hình thức này thường có việc rất gấp, rất quan trọng của gia đình.

Anh L.T.P., một tài xế chia sẻ, do dịch không có việc làm nên đành phải chạy để kiếm thêm.

“Khách được em nhận chở phải đáp ứng được các điều kiện như: Có giấy tiếp nhận, hoặc xác nhận của địa phương nơi đến về hoàn cảnh cấp thiết phải về quê; thứ hai, là giấy chứng nhận tiêm vaccine phòng dịch đủ tiêu chuẩn theo quy định; thứ ba, là giấy xét nghiệm cho kết quả âm tính còn hiệu lực trong vòng 72 giờ để qua các chốt kiểm soát soát”, anh L.T.P. nói.

Những người đủ các giấy tờ về phòng dịch theo quy định mới được thông chốt về quê, (ảnh S.H.).

Thông tin với báo chí, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, hiện các công trình xây dựng, nhà máy trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ từ ngày 2/10 và đang thiếu hụt lao động.

Người lao động ở lại Bình Dương làm việc được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19, được tiếp cận việc làm để có thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần giữ vững chuỗi cung ứng sản xuất, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo ông Minh, lý do về quê của người dân là chính đáng. Tỉnh cũng đã tổ chức xe đưa bà con trở về quê nhưng hiện nay năng lực cách ly của các tỉnh, thành còn hạn chế, kể cả về y tế nên rất khó khăn cho các địa phương.

Thực tế, thời gian qua địa phương chăm lo tốt cho người lao động, với các gói chính sách. Trong tổng số hơn 2.000 tỷ đồng đã hỗ trợ cho 11 nhóm đối tượng thì có tới hơn 1.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động.

“Để kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới, tỉnh đã đề ra các giải pháp chiến lược, trong đó lấy y tế là trung tâm, để đưa dịch vụ y tế đến sớm nhất, nhanh nhất với người dân”, ông Minh thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình Dương nỗ lực 'níu chân' người lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO