'Bình thường mới'

Nhóm phóng viên 03/11/2021 06:15

Nghị quyết số 128 NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch bệnh Covid-19” đánh dấu bước chuyển lớn trong tư duy, quan điểm chống dịch của Việt Nam.

Sau một thời gian ngắn, những cách hiểu, cách áp dụng khác nhau tại một số địa phương đã và đang được điều chỉnh, hướng tới mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với Covid-19 để vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Việc chuyển hướng tiếp cận từ mức “không có Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, tức là đồng thời vừa phải phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội.

1. Thực tế, sau gần 2 năm cả hệ thống chính trị vào cuộc chống dịch Covid-19, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm hơn đồng thời hiểu rõ hơn về virus SART-CoV-2. Điều nay, đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 khẳng định trong cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã, phường, thị trấn hôm 25/9.

Trước đó, trong cuộc họp về công tác phòng chống dịch Covid-19, với sự tham dự của các thành viên Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành liên quan hôm 23/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Đạt không có Covid sẽ là một điều rất khó khăn vì ngay tại những nước phát triển có tỉ lệ tiêm vaccine đạt 90% dân số, điều đó cũng là không thể. Chúng ta đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và địa phương tham gia góp ý để hoàn thiện dự thảo về "Thích ứng an toàn với dịch Covid-19" để Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn. Cụ thể, có 6 nguyên tắc cần quán triệt khi xây dựng hướng dẫn gồm: Y tế là trụ cột, là trung tâm; Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; Ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; Vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

2. Tuy nhiên, khi Nghị quyết 128 của Chính phủ ra đời, được yêu cầu thực hiện thống nhất trên toàn quốc, với những địa phương nào thực hiện trái quy định cần có xử lý nghiêm, thật sự đem lại một luồng sinh khí mới đối với người dân, doanh nghiệp. Nhiều người cho rằng, họ đã nhìn thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”. Bởi ở một số địa phương, tuy dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát nhưng đã áp dụng những biện pháp phòng chống cao hơn cần thiết dẫn tới không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng gặp khó. Đình trệ sản xuất, công nhân thất nghiệp, không có thu nhập đã gây ra nhiều bất ổn mà nếu không tháo gỡ, nền kinh tế sẽ tốn rất nhiều thời gian để phục hồi.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, Nghị quyết 128 vừa được Chính phủ ban hành đã đáp ứng tình hình phòng, chống dịch Covid-19 mới hiện nay. Quan điểm của Nghị quyết rất đúng và trúng, đã có thay đổi tư duy và phù hợp với điều kiện hiện nay; từ tư duy chống dịch theo “Không có Covid” thành thích ứng linh hoạt, an toàn, không cứng nhắc.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc ra đời Nghị quyết 128 trong bối cảnh hiện nay là rất cấp thiết, là chuẩn mực để hướng dẫn các địa phương “thích ứng an toàn, linh hoạt”. Theo đó, đây là cơ sở căn cứ, có tính chất pháp lý để giúp các cơ quan chức năng, các bộ, ngành, địa phương xây dựng những tiêu chí cụ thể đối với ngành, địa phương mình. Từ đó có những biện pháp phòng dịch một cách hiệu quả, với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể như nội dung Nghị quyết đã nêu ra.

Tư tưởng này cho thấy, Chính phủ đã thay đổi phương pháp phòng chống dịch, coi phòng chống dịch là song hành với phát triển kinh tế, không có “Zero Covid”. Từ tư duy thay đổi đó sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn; chống cực đoan nhưng đồng thời cũng chống chủ quan, lơ là.

Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, Nghị quyết 128 sẽ là nền tảng tạo ra một sự thống nhất ở tầm Trung ương đến địa phương trong hoạch định và thực thi chính sách. Trước nghị quyết này, Chính phủ đã đưa ra các Chỉ thị 15, 16, 19 để giải quyết vấn đề phòng chống dịch trong các bối cảnh và thời gian cụ thể. Trong bối cảnh mới, dịch lây lan nhanh, cùng với việc nâng cấp hệ thống y tế, xét nghiệm, vaccine, điều trị… thì các chỉ thị này đã không còn phù hợp nhưng vì chưa có một khung khổ nào khác thay thế nên các địa phương buộc phải áp dụng. Do đó, Nghị quyết 128 về cơ bản có thể giải quyết “khoảng trống” về cơ chế phòng chống dịch nêu trên.

Nghị quyết 128 sẽ góp phần xóa bỏ tình trạng “phép vua thua lệ làng” thời gian qua ở các địa phương; không để mỗi nơi “cát cứ” khác nhau gây khó dễ cho doanh nghiệp, người dân, từ đó tạo thuận lợi cho lưu thông đi lại.

3. GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học-Truyền máu Việt Nam, trong buổi tọa đàm "Nghị quyết 128 hướng tới bình thường mới" tổ chức ngày 18/10 cũng khẳng định: Nghị quyết 128 ra đời kịp thời đúng lúc, phù hợp với hoàn cảnh, tình hình; là một dấu mốc cho việc cả nước chuyển qua giai đoạn bình thường mới. Tất nhiên, thực tế chắc chắn vẫn còn xuất hiện các ca nhiễm mới (F0), vẫn có những điểm đỏ, vùng đỏ nên chúng ta tuyệt đối không chủ quan. Không chủ quan nhưng không hoảng sợ, lo lắng quá mức.

“Nghị quyết có xây dựng dựa trên 3 tiêu chí, thứ nhất, số người bị nhiễm/100.000 dân/tuần; thứ hai, số người đã tiêm; thứ ba là khả năng thu dung điều trị... Đó là những tiêu chí cụ thể, hợp lý, có thể áp dụng chung áp dụng cho toàn quốc”, GS Trí bày tỏ.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng: Sau đợt dịch thứ 4 vừa qua, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới các chuyên gia đều nhận định, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát hoàn toàn được trong năm 2021 và 2022, thậm chí còn có thể xuất hiện biến chủng mới. Số ca nhiễm vẫn có thể tăng cao, việc bao phủ vaccine của chúng ta cũng đang ở mức còn khiêm tốn. Chính vì vậy, hiện nay nhiều quốc gia đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, từ chỗ cố gắng dập tắt dứt điểm dịch sang chung sống an toàn với dịch.

Việt Nam cũng đang trong xu hướng như vậy. Hiện nay, trong bối cảnh độ bao phủ tiêm vaccine ở nước ta vẫn còn ở mức nhất định, việc chuyển hướng tiếp cận từ mức “Không có Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, tức là chúng ta đồng thời vừa phải phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế-xã hội. Để kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh trong bối cảnh hiện nay, các biện pháp phòng chống dịch phải điều chỉnh linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tiễn cùng với việc đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine. Đây chính là biện pháp căn bản, có thể coi như là phương pháp điều trị từ sớm, từ xa để giảm số ca tử vong.

Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, trong Nghị quyết 128 có quy định về 9 biện pháp để áp dụng cho 4 cấp độ dịch rất cụ thể nên các địa phương phải căn cứ vào đó để điều chỉnh cho phù hợp, linh hoạt với tình hình của mình. Nghị quyết cũng tạo điều kiện để các địa phương linh hoạt, tuy nhiên không được phép vượt quá quy định cho phép. Ví dụ như Cần Thơ để xảy ra tình trạng hàng nghìn xe ô tô ách tắc, nối đuôi nhau vì yêu cầu phải đăng ký quy định tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, xuất nhập khẩu từ các tỉnh, thành khác đến giao nhận hàng hóa đều phải được đăng ký trước và phải trung chuyển hàng hóa trong thời gian qua. Rồi nhiều địa phương có những quy định không thống nhất thời gian kết quả xét nghiệm, hay quy định phải ký cam kết phòng chống dịch... Đây chính là những quy định thiếu linh hoạt và cũng đồng nghĩa với việc không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Bình thường mới'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO