Bình yên cho mỗi xóm làng, khu phố

Trần Duy 22/08/2016 08:05

Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiệm trọng, có những vụ án mấy người cùng bị sát hại. Thực tế này cho thấy cuộc sống bình yên ở nhiều địa bàn khu dân cư đang bị đe dọa…

Những chuyện đau lòng sau lũy tre làng

Tìm hiểu những vụ án mạng xảy ra liên tiếp trên địa bàn tỉnh Thái Bình thời gian qua, chúng tôi bị ám ảnh hơn cả với vụ án xảy ra ngay tại những làng quê vốn rất thanh bình. Ở đó, thủ phạm và nạn nhân đều là những người cùng sinh sống trong một cộng đồng, thủ phạm cũng không phải là những tên tội phạm chuyên nghiệp nhưng chỉ vì những nguyên nhân không đáng có, án mạng vẫn xảy ra, để lại những nỗi đau không dễ xoa dịu.

Xin đơn cử một vài vụ việc: cách nay chưa lâu, vào một buổi tối, sau khi rời một đám cưới trong tình trạng đã nhiều lần “zô zô”, Nguyễn Đình Khuyến, một trai làng của thôn Dục Tú, xã Phú Lương (huyện Đông Hưng) đã tìm mọi cách để đưa được cô gái cùng thôn có cái tên rất đẹp là Mai Trà My-đang là nữ sinh một trường cấp 3 của huyện-ra cánh đồng của thôn để “tâm sự”.

Tại đây, sau khi đã dùng hết sức của một gã trai làng để hãm hiếp bằng được cô bé, Khuyến đã xuống tay bóp cổ My đến chết rồi bỏ đó, ung dung vào trong làng tìm chỗ ngủ tiếp…

Sau đó không lâu, cũng vào một buổi tối, một chuyện đau lòng khác đã xảy ra ở Thái Bình, đó là khi đang cùng mẹ đi ngay trên đường làng mình là thôn Thưởng Duyên, xã Văn Lang (huyện Hưng Hà), em Vũ Doanh Nghiệp (HS lớp 10A3 trường Bắc Duyên Hà) bị một nhóm thanh niên lạ mặt vô cớ tấn công bằng cách dùng gạch đập vào đầu, dẫn đến tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu.

Sau này, khi ra tòa, nhóm thanh niên gồm 5 tên, đều là người một số xã của huyện Hưng Hà mới khai rằng, trước đó chúng có mâu thuẫn, xích mích với một nhóm trai làng khác, nghi là người thôn Thưởng Duyên, bèn lên kế hoạch trả thù.

Do không biết cụ thể ai đã đánh mình trước đó, nên tối ngày 29, khi đến địa bàn thôn này, chúng áp dụng phương châm “cứ vào làng, gặp thằng nào đánh thằng đó”. Và, đau lòng thay, hành vi ngỗ ngược của đám trai làng tối đó đã cướp đi mạng sống của em Nghiệp, ngay khi em đang háo hức được mẹ mua cho đôi dép mới để diện trong ngày khai giảng đã cận kề…

Cũng liên quan đến chuyện an ninh trật tự, ở nhiều làng quê thời gian qua hay xảy ra tình trạng mất trộm chó. Điều đáng nói là nhiều trường hợp, khi bắt được kẻ trộm, người dân thay bằng giao nộp cho cơ quan chức năng xử lý, đã chọn cách “tự xử”. Nhẹ thì đánh “hội đồng” đến trọng thương, có vụ việc người dân thậm chí đã đánh chết luôn kẻ trộm.

Chuyện xảy ra cách đây ít lâu tại thôn Rinh Tần, xã Yên Bằng, huyện Ý Yên (Nam Định) là một ví dụ. Theo đó, khi bắt được Trịnh Văn T. và Phạm Văn H. (cùng là người Yên Khánh, Ninh Bình) có hành vi vào làng trộm chó, người dân ở đây đã đánh “hội đồng” đến chết anh T., đánh trọng thương anh H.. Trước đó không lâu, người dân thôn này cũng từng đánh trọng thương hai “cẩu tặc” khác…

Nông thôn mới cần nhất sự bình yên

Những vụ việc đau lòng trên xảy ra ngày càng nhiều ở phía sau các lũy tre xanh trong bối cảnh cả nước đang tập trung triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới gợi nên rất nhiều suy nghĩ.

Phải chăng, ở những nơi này, chính quyền cũng như các cộng đồng thôn, xóm mới chỉ chăm lo cho “cái vỏ” nông thôn mới mà quên đi “cái ruột” là xây dựng, gìn giữ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó cộng đồng; vun đắp, gìn giữ bản sắc, văn hóa và lối sống nhân văn ở làng quê?

Nhìn lại vụ án giết người xảy ra ở thôn Dục Tú, xã Phú Lương (huyện Đông Hưng, Thái Bình) mới đây, có thể thấy nếu như không có tình trạng cỗ bàn tràn lan, rượu chè, bài bạc trong các cuộc đình đám có lẽ đã không có việc thanh niên Nguyễn Đình Khuyến bị ma men “dẫn lối” đến hành vi hiếp dâm, giết người.

Hay trong vụ việc đau lòng xảy ra ở thôn Thưởng Duyên, xã Văn Lang (huyện Hưng Hà), nếu như những thanh niên ở đây được gia đình quản lý, giáo dục chu đáo hẳn họ đã không thể có tính cách ngỗ ngược đến vậy và hẳn em Nghiệp cũng không phải chết oan uổng ngay trước ngày khai giảng.

Còn trong câu chuyện ở thôn Rinh Tần, nếu như được tuyên truyền, trang bị kiến thức pháp luật, những người dân ở đây đã không “tự xử” mấy người ăn trộm cho đến chết, biến mình từ người được cảm thông vì bị mất trộm thành người phạm tội.

Những diễn biến phức tạp về an ninh trật tự ở nhiều địa bàn nông thôn thời gian qua cho thấy nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự chưa được chính quyền và người dân ở đây chưa được chú trọng đúng mức.

Đó là chưa kể, quá trình thực hiện, do không tôn trọng, thực hiện nghiêm quy chế dân chủ không ít địa phương đã để xảy ra mâu thuẫn, gồm cả mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền và mâu thuẫn ngay chính trong nội bộ cộng đồng làng quê, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự.

Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề xã hội nhức nhối khác chưa được giải quyết hiệu quả như tình trạng gia tăng tai nạn giao thông, môi trường ô nhiễm, thực phẩm độc hại, dịch bệnh…khiến người dân phải sống trong tâm trạng bất an.

Để ngăn chặn tình trạng trên, xây dựng môi trường sống bình yên ở địa bàn khu dân cư cần sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng có vai trò đặc biệt quan trọng.

Mới đây, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã xây dựng, phát động Cuộc vận động lớn “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, với nhiều nội dung, ý nghĩa thiết thực. Trong đó, đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự cho mỗi xóm làng, khu phố là một trong những nội dung, yêu cầu quan trọng của Cuộc vận động.

Chính vì vậy, hơn ai hết, với vai trò, trách nhiệm của mình, hệ thống Mặt trận các cấp, nhất là tổ chức Mặt trận ở cơ sở, địa bàn khu dân cư cần đẩy mạnh các hoạt động phối hợp tuyên truyền, vận động để Cuộc vận động được thấm sâu, lan tỏa ở địa bàn khu dân cư, qua đó phát huy được vai trò, ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng chung sức ngăn chặn cái ác, cái xấu, xây dựng cuộc sống tốt đẹp, bình yên ở ngay chính làng quê của mình …

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình yên cho mỗi xóm làng, khu phố

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO