Bình yên Lai Châu

Hoài Dương 11/11/2018 10:00

Một điều thật thú vị ở vùng đất này là từ trung tâm thành phố, rẽ lối nào cũng đưa du khách đến những bản làng yên bình, nơi sinh sống của người Thái, Lự, Mông, Hà Nhì… trong lãng đãng sương giăng.

Bình yên Lai Châu

Nhịp sống yên ả ở bản Gia Khâu.

Tới Lai Châu ngày cuối thu, cuốn hút ánh nhìn đầu tiên của du khách về nét đẹp các dân tộc thiểu số nơi đây là bộ trang phục truyền thống rực rỡ được làm trên nền vải dệt tự nhiên, sau đó được tỉ mẩn trang trí để tạo dấu ấn. Mỗi bộ trang phục của người Hà Nhì, La Hủ, Lự, Mông… mang giá trị văn hóa riêng biệt.

Chúng tôi chọn Gia Khâu - bản du lịch cộng đồng của người Mông thuộc xã Nậm Loỏng, TP Lai Châu để dừng chân. Ngay sát thành phố nhưng nhịp sống nơi đây khác hẳn và phù hợp với người ưa sống chậm. Người Mông ở Gia Khâu vẫn giữ gìn những tập quán canh tác và sinh hoạt từ xa xưa để lại. Bản nằm trong lòng thung lũng trù phú. Người ta ví nơi này như một viên ngọc xanh được thiên nhiên bảo bọc kỹ càng.

Nét nổi bật là cảnh quan tự nhiên rộng lớn với đồng cỏ, ruộng lúa, nương ngô đan xen ngút ngàn. Xa xa từng đàn ngựa, trâu thong dong gặm cỏ khiến du khách dễ có cảm giác như đang lạc vào một miền cao nguyên cổ tích. Thời điểm này du khách sẽ ngỡ ngàng trước sắc vàng rực rỡ của những vạt dã quỳ uốn lượn bên các nếp nhà, nương ruộng trải dài. Tới đây du khách sẽ thỏa sức được ngắm nghía các mẹ người Mông dạy con gái lên mười tuổi cách phối màu thêu trên váy sao cho hoa văn sinh động nhất…

Hôm sau, chúng tôi tới Bản Hon, bản của những người phụ nữ nhuộm răng đen nhánh như hạt na. Cách thành phố 15 km với đường đi thuận lợi, điểm du lịch cộng đồng Bản Hon 1 và Bản Hon 2 thực sự hấp dẫn với dịch vụ homestay.

Tại bản của người Lự này vẫn còn giữ gìn vẹn nguyên những nếp nhà sàn cổ kính. Phụ nữ ở đây không ngại ngần nở nụ cười tươi để chụp ảnh cùng du khách với mong muốn khoe hàm răng được nhuộm đen rất cầu kỳ của mình.

Cách làm du lịch của người Lự khá chuyên nghiệp. Bạn được trải nghiệm làm nương, cấy lúa, trồng ngô, bắt cá, hái rau rừng với đồng bào, sau đó được hướng dẫn nấu những món ăn truyền thống của người Lự. Hay bạn cũng có thể ngồi vào khung cửi để dệt nên những tấm thổ cẩm sặc sỡ.

Vào buổi tối, những người nông dân cần cù chất phác sẽ hóa thân thành các nghệ sĩ để gửi tặng du khách lời ca điệu múa mang âm hưởng núi rừng. Bản Hon cũng có một số lưu ý với du khách, hiện người Lự vẫn duy trì lễ cúng bản vào đầu năm và giữa năm. Trong những ngày cấm kỵ này du khách vào bản cần tìm hiểu kỹ càng.

Còn với những người yêu hoa, bản Sin Suối Hồ quả là điểm dừng chân ngắm hoa lan lý tưởng. Sin Suối Hồ cách TP Lai Châu 33 km với đường đèo dốc quanh co, bản làng được trang trí bởi hàng nghìn chậu địa lan được đặt khắp nơi. Bản Sin Suối Hồ có hơn 100 ngôi nhà trình tường, lợp ngói cổ kính với những bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của người Mông.

Tới đây bạn được ngắm ruộng bậc thang, du lịch mạo hiểm leo núi, khám phá núi cây cảnh, thám hiểm rừng nguyên sinh, thăm công viên sinh thái, thác nước trái tim, thác nước tình yêu, chăm sóc nương thảo quả...

Ở đây còn có một địa điểm nổi tiếng đó là đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, đỉnh núi cao thứ 3 của Việt Nam với quần thể rừng đỗ quyên hàng trăm năm tuổi hoang sơ và kỳ bí.

Bình yên Lai Châu - 1

Chợ phiên Sang Thàng.

Còn một điểm độc đáo là nét văn hoá chợ phiên Tây Bắc vẫn được gìn giữ tại chợ Tam Đường Đất. Một tuần chợ họp hai buổi vào sáng thứ 5 và chủ nhật, nhưng phiên chính là chủ nhật. Chợ Tam Đường Đất hay còn có tên khác là chợ Sang Thàng vẫn còn ít du khách biết tới.

Chợ nằm ngay đầu TP Lai Châu nên bạn di chuyển rất thuận tiện. Điểm đặc sắc của chợ là sự hòa quyện đầy sắc màu của văn hóa nhiều dân tộc trong vùng. Người hướng dẫn viên bản địa cho hay, trước kia, đây là chợ phiên hiếm hoi của cả vùng rộng lớn, nên tất cả đồng bào dân tộc xung quanh đều tìm đến để mua bán.

Chỉ nhìn sự khác biệt trên trang phục truyền thống của những người đi chợ bạn cũng đã hoa mắt để phân biệt. Thú vị hơn họ mang đến đây vô số sản vật núi rừng và nông sản tự làm ra để trao đổi. Có rất nhiều sản vật lạ được mang đến chợ mà người dân tộc cũng không thể dịch ra tiếng Kinh.

Còn với kinh nghiệm gìn giữ bản sắc của các dân tộc ở Lai Châu khiến du khách không khỏi ngạc nhiên ở mỗi điểm dừng chân, người hướng dẫn viên chia sẻ: Quan trọng nhất là trong quá trình tuyên truyền, thế hệ trẻ được nâng cao nhận thức, phần nào hiểu được vốn quý của dân tộc và cảm thấy mình cần đóng góp vào việc làm ý nghĩa này. Bởi vì chỉ khi mỗi bản làng gìn giữ được hồn vía của mình thì mới tạo được dấu ấn riêng biệt hấp dẫn du khách.

* Bản Hon - bản của những người phụ nữ nhuộm răng đen nhánh như hạt na. Tới nay vẫn còn giữ gìn vẹn nguyên những nếp nhà sàn cổ kính. Phụ nữ ở đây không ngại ngần nở nụ cười tươi để chụp ảnh cùng du khách với mong muốn khoe hàm răng được nhuộm đen rất cầu kỳ của mình. Tới Bản Hon, du khách được trải nghiệm làm nương, cấy lúa, trồng ngô, bắt cá, hái rau rừng với đồng bào; Hay bạn cũng có thể ngồi vào khung cửi để dệt nên những tấm thổ cẩm sặc sỡ. Vào buổi tối, những người nông dân cần cù chất phác sẽ hóa thân thành các nghệ sĩ để gửi tặng du khách lời ca điệu múa mang âm hưởng núi rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình yên Lai Châu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO