Bỏ không nhà máy xử lý rác tiền tỷ

Tấn Thành - Chí Đại

Dự án Nhà máy xử lý rác thải ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi được đầu tư 10,5 tỷ đồng, tuy nhiên nhà máy đã được xây dựng hơn 2 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào hoạt động, khiến rác thải ùn ứ gây ô nhiễm môi trường.

Máy móc xử lý rác thải trong nhà máy đã ngừng hoạt động.
Máy móc xử lý rác thải trong nhà máy đã ngừng hoạt động.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Dự án Nhà máy xử lý rác thải ở huyện Sơn Hà, do UBND huyện Sơn Hà làm chủ đầu tư, với quy mô đầu tư hạ tầng kỹ thuật và lắp đặt thiết bị xử lý rác thải rắn bằng công nghệ lò đốt 2 cấp, công suất 9 tấn/ngày đêm, với tổng vốn đầu tư 10,5 tỷ đồng. Thời gian khởi công dự án vào năm 2020 và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng ngay trong năm đó. Tuy nhiên do gặp nhiều vướng mắc nên huyện Sơn Hà gia hạn thời gian hoàn thành dự án vào năm 2021.

Đến năm 2022, sau nhiều nỗ lực của các ngành chức năng, nhà thầu, Nhà máy xử lý rác thải huyện Sơn Hà cũng hoàn thành. Ngay sau đó nhà máy được vận hành chạy thử và huyện Sơn Hà đã bàn giao toàn bộ công trình cho Hợp tác xã Dịch vụ điện Di Lăng, tiếp tục tổ chức vận hành chạy thử nghiệm. Thế nhưng trong quá trình chạy thử nghiệm, công nhân thực hiện nhiệm vụ đốt rác đã phát hiện bể xử lý nước của hệ thống lò đốt bị hỏng, vì thế phải tạm dừng để xử lý, khắc phục. Và từ đó đến nay đã hơn 1 năm, dự án này gần như ngừng hoạt động, rác thải ùn ứ, ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Văn M. ở thị trấn Di Lăng cho hay, việc Nhà máy xử lý rác thải Sơn Hà ngừng hoạt động đã khiến toàn bộ rác thải tại địa phương phải để ở ngoài trời gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan khu dân cư. Việc này ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án, gây lãng phí tiền của Nhà nước.

“Mấy tháng qua tôi không thấy nhà máy hoạt động nữa, công nhân cũng bỏ đi tìm công việc khác. Hiện giờ chỉ có bảo vệ trông coi nhà máy” - ông M. cho hay.

Theo nhiều người dân ở thị trấn Di Lăng, lúc đầu xây dựng nhà máy xử lý rác thải, bà con rất vui mừng, vì khi lượng rác thải trên địa bàn huyện được thu gom về nhà máy xử lý sẽ góp phần làm sạch cảnh quan môi trường địa phương. Tuy nhiên, thực tế đã không được như kỳ vọng. Bà con mong muốn các ngành chức năng quan tâm, sớm khắc phục sự cố này để đưa nhà máy xử lý sớm hoạt động trở lại.

Ghi nhận thực tế của chúng tôi, tại khu vực nhà máy không có công nhân nào vận hành lò để đốt rác, trong khi đó nhiều loại rác thải ngổn ngang tại khu vực xưởng. Ngoài ra một số hạng mục, thiết bị của nhà máy đã bắt đầu xuống cấp, hoen rỉ.

Cách nhà máy khoảng vài trăm mét có một bãi tập kết rác thải lộ thiên, với hàng trăm tấn rác thải chất thành đống khắp nơi trên địa bàn huyện Sơn Hà tập kết về đây, bà con sống xung quanh đang phải chịu đựng sự ô nhiễm của bãi rác này.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng - Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà, đến thời điểm hiện tại dự án đã hoàn thành công tác xây lắp, tổ chức nghiệm thu công trình và đưa vào vận hành thử nghiệm. Thế nhưng trong quá trình chạy thử nghiệm thì xảy ra sự cố nên đơn vị đang xử lý, khắc phục. Đồng thời, đơn vị đang xây dựng đơn giá vận hành chính thức, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Bà Đinh Thị Trà - Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết: “Nhà máy xử lý rác này đã hết thời gian chạy thử nghiệm, tuy nhiên chưa đủ điều kiện để hoạt động chính thức. Hiện chúng tôi đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để đưa nhà máy xử lý rác thải vào hoạt động”.

Tin liên quan

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Ô nhiễm ở 'thủ phủ' chăn nuôi heo

Ô nhiễm ở 'thủ phủ' chăn nuôi heo

Tỉnh Đồng Nai được xem như “thủ phủ” chăn nuôi heo của cả nước, với tổng đàn khoảng 2,6 triệu con; bình quân mỗi tháng cung ứng ra thị trường khoảng 37 nghìn tấn ...
Mòn mỏi chờ cầu mới

Mòn mỏi chờ cầu mới

Cầu Máng bắc qua sông Trường Giang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, trong khi hàng ngày nhiều người dân đi lại trên cây cầu này nguy ...
Sống 'treo' ở khu công nghiệp

Sống 'treo' ở khu công nghiệp

Đó là tình cảnh của nhiều hộ dân ở thị trấn Cẩm Khê (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) khi thuộc diện đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng khu công nghiệp.

Tin nóng

Bất an từ cầu treo xuống cấp

Bất an từ cầu treo xuống cấp

Hàng ngày, người dân ở đây vẫn phải qua sông trên những cây cầu đã xuống cấp, xiêu vẹo với những mối hiểm nguy thường trực.

Xem nhiều nhất