Bổ sung biên chế giáo viên: Lộ trình để tuyển đủ

Thu Hương 12/08/2022 10:47

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông bổ sung cho các tỉnh, thành phố năm học 2022-2023 theo Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, khó khăn của nhiều địa phương hiện nay là không có nguồn tuyển.

Một tiết học của cô trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hừa Ngài (tỉnh Điện Biên).

Thừa chỉ tiêu, thiếu nguồn tuyển

Quyết định bổ sung biên chế giáo viên (GV) là tín hiệu tích cực với việc giải quyết tình trạng thiếu GV cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, nhiều địa phương dù đã đặt chỉ tiêu tuyển dụng song vẫn lo về nguồn tuyển, nhất là GV dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các môn nghệ thuật.

Thông tin từ Sở GDĐT tỉnh Hải Dương, Sở này đang đề nghị tuyển dụng hơn 50 biên chế GV THPT, chủ yếu ở môn ngoại ngữ, Giáo dục thể chất và Giáo dục công dân. Ngoài ra, Sở cũng đang chờ để tuyển dụng biên chế GV cho các môn mới như Mỹ thuật, Âm nhạc...

Cụ thể, số liệu thiếu GV ở từng địa phương của Hải Dương như sau: Thị xã Kinh Môn thiếu 244 GV, trong đó bậc tiểu học thiếu 99 GV; TP Chí Linh thiếu 115 GV, riêng bậc tiểu học thiếu 90 GV; Huyện Gia Lộc thiếu 103 GV, bậc tiểu học thiếu 84 GV…

Dự kiến, các địa phương sẽ đồng loạt tổ chức tuyển dụng GV và nhân viên các cơ sở giáo dục công lập ngành GDĐT năm 2022 trên toàn tỉnh Hải Dương vào ngày 9/10/2022. Tuy nhiên, theo trao đổi của nhiều địa phương, vấn đề khó khăn nhất là không có nguồn GV để tuyển dụng. Ông Phạm Tiến Nhuận - Trưởng phòng GDĐT huyện Kim Thành cho biết, 2 năm trước địa phương đã tổ chức tuyển dụng song không có nguồn tuyển nên vẫn thiếu.

Tương tự, năm học 2022-2023, toàn tỉnh Quảng Nam thiếu hơn 2.500 GV, sắp tới sẽ tổ chức thi tuyển. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có 1.640 hồ sơ đăng ký dự thi. Tình trạng số lượng người dự tuyển ít hơn chỉ tiêu tuyển dụng đã xảy ra tại Quảng Nam từ vài năm trở lại đây. Trong khi đó, một số người trúng tuyển nhưng không đến nhận quyết định tuyển dụng và phân công công tác vì lý do lương thấp, xa nhà, đã tìm được công việc khác thuận lợi hơn…

Tại Điện Biên, Hòa Bình, Cao Bằng… tình trạng thiếu GV một số môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông mới là phổ biến. Như Điện Biên, thống kê toàn ngành hiện còn thiếu 203 GV các môn này nhưng vì thiếu nguồn tuyển nên địa phương này xác định, dù có chỉ tiêu cũng không tuyển dụng được…

Không chỉ tại các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, ngay tại TPHCM cũng đang thiếu hàng nghìn chỉ tiêu GV ở các cấp học. Địa phương này cũng đã tổ chức thi tuyển GV với yêu cầu là ứng viên có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam, không yêu cầu hộ khẩu TPHCM; có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng…

Lộ trình để “lấp đầy”

Theo Bộ GDĐT, việc tuyển dụng biên chế GV cần ưu tiên tuyển dụng GV các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển dụng GV mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Để bảo đảm nguồn tuyển dụng, cần thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng, trao đổi với các địa phương khác để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu... Về lâu dài, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục, để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ sẽ có kế hoạch làm việc với hệ thống trường ĐH sư phạm để trao đổi về nội dung tập huấn, bồi dưỡng GV, cũng như phát triển ngành nghề đào tạo thuộc nhóm sư phạm để bảo đảm cung cấp đủ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông những năm tiếp theo.

Ghi nhận từ các trường ĐH có đào tạo ngành sư phạm, đã bước sang năm thứ 2 triển khai theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP nhưng việc đặt hàng đào tạo GV vẫn chưa được như mong muốn. Tại hội nghị tự chủ đại học 2022 vừa được tổ chức, đại diện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, trường mới nhận được đặt hàng đào tạo của 2 địa phương, nhưng mới triển khai được với 1 địa phương.

Đối với các tỉnh miền núi, nhiều địa phương cho biết đang tính đến phương án cử tuyển đối với các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học. Cụ thể, Hòa Bình dự kiến sẽ cử học sinh tốt nghiệp THPT đi học tại các cơ sở đào tạo sư phạm nhưng phải xem xét, dựa trên nhiều yếu tố như: Học sinh phải có nguyện vọng học sư phạm để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của địa phương, có thành tích học tập, ý thức rèn luyện tốt, có năng khiếu đối với các môn tự chọn.

Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình Nguyễn Quang Minh cho biết, sẽ cân nhắc từ việc lập danh sách đến đảm bảo chất lượng đầu ra. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là ở các tỉnh miền núi, đối tượng được cử đi học chủ yếu là học sinh người dân tộc như Thái, Mường, Tày… vốn tiếng Việt còn hạn chế nên việc tham gia học ĐH rất khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng công tác sau này.

Giải pháp trước mắt cho việc thiếu GV, theo TS Nguyễn Viết Thịnh - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Tiền Giang, có thể sử dụng phương pháp dạy học trên truyền hình. Về lâu dài, cần có cơ chế riêng, quy định riêng, những GV giảng dạy Âm nhạc, Mỹ thuật ở bậc phổ thông có thể chỉ cần trình độ từ cao đẳng trở lên. Giải pháp này sẽ giúp tận dụng được đội ngũ sẵn có, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực khi nhiều địa phương còn thiếu GV để triển khai chương trình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bổ sung biên chế giáo viên: Lộ trình để tuyển đủ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO