Bổ sung dinh dưỡng, tăng cường miễn dịch khi thời tiết nồm ẩm

K.Huyền (tổng hợp) 11/04/2023 14:53

Thời tiết nồm ẩm, nóng lạnh đột ngột, chủ động nâng cao hệ miễn dịch giúp cơ thể khỏe mạnh để chống lại bệnh tật và phòng chống nhiễm trùng.

Theo SKĐS, chế độ ăn rất quan trọng giúp bạn có một hệ miễn dịch tốt, giúp bạn luôn khỏe mạnh, nhất là trong thời điểm giao mùa.

Thời tiết giao mùa cuối xuân đầu hạ, độ ẩm không khí cao và nhiệt độ thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển.

Đây cũng là thời điểm cả người lớn và trẻ nhỏ thường bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn về hô hấp cấp tính như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi, làm gia tăng các đợt bùng phát của bệnh mạn tính như hen suyễn, dị ứng, viêm da,…

Hệ thống miễn dịch của con người được tạo thành từ nhiều cơ quan, tế bào và protein giúp bảo vệ cơ thể khỏi các chất độc hại, vi khuẩn, virus và những thay đổi tế bào có thể khiến chúng ta bị bệnh. Khi hệ miễn dịch không thể chống lại các loại virus, vi khuẩn gây bệnh, chúng ta sẽ cảm thấy uể oải, tăng cân, ngủ không ngon giấc hoặc bị ốm.

Chuyên gia khí tượng nói về diễn biến thời tiết nồm ẩm

Từ nay đến 14/4, nồm ẩm vẫn còn tiếp tục duy trì ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống. Đêm và sáng là thời gian nồm ẩm phát triển mạnh mẽ nhất.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa có những chia sẻ nhanh về tình hình thời tiết nồm ẩm và thời điểm nồm ẩm chấm dứt.

Theo đó, những ngày qua, phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xảy ra hiện tượng mưa nhỏ mưa phùn làm độ trong không khí luôn trên 80% gây ra hiện tượng nồm ẩm. Từ nay đến 14/4, nồm ẩm vẫn còn tiếp tục duy trì ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống. Đêm và sáng là thời gian nồm ẩm phát triển mạnh mẽ nhất, đây là thời gian trùng với mưa nhỏ và mưa phùn ở Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Thời gian nồm ở miền Bắc cũng xuất hiện với các đợt khác nhau. Có đợt kéo dài vài ngày, cũng có đợt kéo dài cả tuần. Riêng trong ba tháng này sẽ có khoảng 4 đến 5 đợt nồm dài ngắn khác nhau. Hiện tượng này chỉ chấm dứt hoặc thay đổi được khi nào gió mùa Đông Bắc tràn về.

Ông lưu ý, mưa nhỏ, mưa phùn và sương mùa là một trạng thái thời tiết theo mùa ở miền Bắc, thường xuất hiện giai đoạn mùa Xuân, độ ẩm không khí tăng cao, ẩm ướt khó chịu. Độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho các loại tác nhân gây bệnh về đường hô hấp, dị ứng, nhất là đối với trẻ nhỏ và người già. Tình hình thời tiết này gây ra nhiều trở ngại cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Trong những ngày thời tiết nồm ẩm, ô nhiễm tăng cao, các chuyên gia khí tượng khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang khi di chuyển và hoạt động ngoài trời. Người dân cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ vì hiện tượng nền nhà ẩm thấp có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.

Nhiều gia đình cho rằng, mở cửa cho thoáng và bật quạt gió sẽ làm nền nhà mau khô hơn. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết trên thực tế mở cửa sẽ càng làm không khí ẩm vào nhà nhiều hơn, gió quạt càng làm hơi ẩm bay khắp nơi, khiến trạng thái ẩm ướt, chảy nước trong nhà càng nặng nề.

Chuyên gia dinh dưỡng đề nghị tăng cường dinh dưỡng

Theo GS.TS Lê Danh Tuyên - nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có rất nhiều yếu tố đóng góp vào sức khỏe của hệ miễn dịch. Bên cạnh những yếu tố khách quan khó có thể thay đổi như tuổi, giới, bộ gene, môi trường sống, thì cũng có những yếu tố chủ quan như dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt, mức độ vận động… Trong đó vai trò của dinh dưỡng là đặc biệt nổi bật.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hạn chế chất béo trong chế độ ăn uống giúp tăng cường khả năng phòng vệ miễn dịch. Chế độ ăn ít chất béo, dựa trên thực vật có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Lượng tiêu thụ mỗi ngày càng đa dạng các nguồn thực phẩm từ trái cây, rau, nguồn protein nạc, quả hạch, hạt, đậu, sữa và ngũ cốc, cơ thể chúng ta sẽ càng khỏe mạnh.

Song song với chế độ ăn, việc áp dụng các thói quen tốt, bao gồm giấc ngủ chất lượng, tập thể dục thường xuyên, rửa tay đúng cách, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đều góp phần tạo nên một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ giúp chúng ta có sức khỏe tốt.

Dưới đây là một số chất dinh dưỡng cần thiết bạn cần nạp hàng ngày để giữ cho hệ thống miễn dịch của mình mạnh mẽ khi giao mùa:

Vitamin D rất quan trọng trong việc giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn sẵn sàng chống lại nhiễm trùng. Khi có thể, hãy ra ngoài và hấp thụ ánh nắng mặt trời (tất nhiên là có bôi kem chống nắng và mặc áo chống nắng).

Thực phẩm có chứa vitamin D bao gồm các loại cá có dầu như cá hồi cũng như trứng, nhưng việc da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ tạo ra lượng vitamin D lớn nhất trong cơ thể.

Vitamin A: Betacaroten, hay thường được gọi là vitamin A, là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp cơ thể loại bỏ chất thải gốc tự do được tạo ra trong quá trình hoạt động bình thường của cơ thể. Sự thiếu hụt betacaroten có thể làm suy yếu khả năng phòng vệ miễn dịch của đường hô hấp bằng cách làm hỏng màng nhầy tạo thành hàng rào bảo vệ chống lại vi khuẩn và virus. Nguồn thực phẩm giàu vitamin A hàng đầu là những loại trái cây màu cam và rau màu xanh đậm.

Vitamin C: Giữ lượng vitamin C hàng ngày của bạn ở mức cao trong suốt cả năm vì chất chống oxy hóa này chịu trách nhiệm duy trì số lượng tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng và các kháng thể cần thiết để chống lại bệnh tật. Nguồn thực phẩm hàng đầu: trái cây họ cam quýt, ổi, dâu tây, quả kiwi, ớt chuông, cà chua, bông cải xanh...

Vitamin E: Bạn nên bổ sung vitamin E để có một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn vì chất chống oxy hóa này đã được biết đến để cải thiện khả năng miễn dịch đường hô hấp trên. Nguồn thực phẩm hàng đầu cung cấp vitamin E: lúa mì, hạt, dầu thực vật, rau lá xanh như rau bina.

Một số khoáng chất cần thiết khác

Sắt, kẽm và selen giúp nuôi dưỡng hệ miễn dịch và tế bào hoạt động, khỏe mạnh. Những người bị thiếu máu (do thiếu sắt) dễ bị nhiễm trùng hơn và tăng thời gian mắc bệnh. Cả kẽm và selen đều nuôi dưỡng hệ thống miễn dịch và giữ cho các tế bào khỏe mạnh và hoạt động tích cực.

Đừng quên ăn các loại thực phẩm giàu khoáng chất như thịt nạc, ngũ cốc tăng cường, cải xoăn, bông cải xanh, hạt diêm mạch và các loại đậu.

Việc bổ sung kẽm và sắt cũng không phải là một ý kiến tồi. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng về việc bổ sung các chất này qua thực phẩm chức năng.

Axit folic là một loại vitamin B cần thiết cho sức khỏe của hệ thống miễn dịch của bạn và để sửa chữa các tế bào bị hư hỏng trong cơ thể chúng ta, có thể dẫn đến sự hình thành và phát triển ung thư. Axit folic có trong nhiều loại thực phẩm bao gồm thịt gia cầm, rau lá xanh đậm như rau bina và rau diếp, măng tây, trái cây họ cam quýt, các loại đậu và bơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bổ sung dinh dưỡng, tăng cường miễn dịch khi thời tiết nồm ẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO