Bộ Tài chính đề xuất gia hạn hơn 115.000 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất

Thúy Hằng 19/02/2021 15:14

Bộ Tài chính muốn gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng.

Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế, trong đó nghiêm trọng nhất là ngành du lịch, vận tải, mới đây, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có tờ trình trình Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Cụ thể, đối với từng sắc thuế, Bộ Tài chính đều trình phương án riêng và dự kiến số thu sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian gia hạn. Đối với thuế giá trị gia tăng, để không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng. Dự kiến, số thu ngân sách của các tháng đó giảm khoảng 68.800 tỷ đồng.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn 3 tháng, thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý 1, quý 2 kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được gia hạn. Ước tính số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn khoảng 40.500 tỷ đồng.

Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn. Dự kiến số thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn là khoảng 1.300 tỷ đồng.

Đối với tiền thuê đất, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng được giảm. Dự kiến số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.400 tỷ đồng.

Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, việc gia hạn này là cần thiết để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021. Do là gia hạn thời gian nộp thuế nên số thu ngân sách của năm 2021 không giảm do người nộp thuế phải thực hiện nộp vào ngân sách vào cuối năm 2021.

Như vậy, đây là lần thứ 3, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh. Trước đó, ngày 8/4/2020, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Nghị định đã gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Đến 5/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2020/NĐ-CP về việc gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Tại nghị định này, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10/2020. Số thuế phát sinh nộp ngân sách chậm nhất là từ 20/9/2020 đến 20/12/2020.

Triển khai thực hiện 2 nghị định này, trong năm 2020, cơ quan thuế đã thực hiện gia hạn cho khoảng 184.900 lượt người nộp thuế với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất đã gia hạn khoảng 87.300 tỷ đồng.

Trong đó: Thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP có 128.619 doanh nghiệp và 56.268 hộ, cá nhân kinh doanh với tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 67.234,6 tỷ đồng. Thực hiện Nghị định số 109/2020/NĐ-CP có 14 doanh nghiệp được gia hạn, với tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn là 20.012 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Tài chính đề xuất gia hạn hơn 115.000 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO