Bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình mới: Có chậm trễ?

Nguyễn Hoài 03/12/2021 17:04

Sau thời gian dạy học theo chương trình mới, nhiều giáo viên chia sẻ, hoạt động bồi dưỡng giáo viên triển khai khá chậm trễ, chưa sát với nhu cầu thực tiễn.

Để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, 3 năm qua, Bộ GDĐT đã đẩy mạnh, nâng cao công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT. Dù đã giải quyết được nhiều bất cập, song quá trình áp dụng giữa chương trình mới và thực tiễn nhiệm vụ vẫn có độ vênh nhất định.

Học cho xong?

Tính đến năm học 2021-2022 này, Bộ GDĐT đã triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Bên cạnh kết quả bước đầu, có thể thấy những khó khăn, bất cập nhất định ngay từ năm đầu tiên triển khai chương trình ở lớp 1. Phụ huynh, dư luận xã hội đã có rất nhiều ý kiến trái chiều.

GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đánh giá, chương trình GDPT mới được xây dựng một cách bài bản, tiệm cận chuẩn thế giới. Song, việc chuyển từ chương trình giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học là công việc khó khăn và thách thức.

Một tiết học của cô và trò Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội).

GS.TS Dong cho rằng, rắc rối nhất của chương trình mới hiện nay là vấn đề sách giáo khoa. Sách giáo khoa của cả 3 lớp đều có “sạn”, đã được báo chí phản ánh nhiều trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng giáo viên vẫn còn chưa đến nơi, đến chốn. Nếu vấn đề này không được giải quyết sớm thì trong những năm kế tiếp vẫn rơi vào tình trạng nhùng nhằng, luẩn quẩn.

Thực tế, ở nhiều địa phương hiện nay, hoạt động bồi dưỡng giáo viên vẫn mang tính hình thức, đối phó và không hiệu quả. Sở dĩ có tình trạng đó bởi theo nhận xét của nhiều giáo viên, lượng kiến thức họ thu về còn rất chung chung, chưa giải quyết được những khó khăn thực tế họ gặp phải với chủ đề cụ thể. Đặc biệt, hoạt động bồi dưỡng triển khai khá chậm chễ so với tiến độ thực hiện chương trình GDPT mới.

Theo tìm hiểu của phóng viên tại một số trường, nhiều giáo viên chia sẻ nội dung bồi dưỡng còn mang tính hàn lâm, chưa sát với nhu cầu thực tiễn. Cô giáo Nguyễn Thị Vân H. (huyện Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) cho biết, có giáo viên tập huấn chương trình xong vẫn thấy chưa thấm vào đâu. Để cho kịp tiến độ, các modul tập huấn diễn ra liên tục nên giáo viên rơi vào tình trạng “tải” không kịp, dẫn tới việc học cho xong.

Giáo viên Trường THCS Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) trao đổi chuyên môn về sách giáo khoa mới.

Còn tại Hà Nội, cán bộ một số trường cho biết nội dung bồi dưỡng rất hữu ích, nhưng triển khai quá chậm. Đến thời điểm này giáo viên mới tiếp cận modul 2; còn cán bộ quản lý mới học đến modul 3. Tiến độ này không theo kịp với Chương trình GDPT 2018 đang triển khai cho học sinh lớp 1, 2, 6 và năm học tới sẽ là lớp 3, 7 và 10, khiến giáo viên luôn phải chạy theo rất mệt mỏi.

Thời gian đầu triển khai chương trình mới đối với lớp 6 trong năm học 2021-2022, không ít trường, giáo viên gặp khó khăn, lúng túng khi dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Các thầy cô đều phải vừa dạy vừa mày mò.

Cô Lê Thị Hương đang là giáo viên dạy môn Hóa học, Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình). Vốn là giáo viên cốt cán của nhà trường nên năm học này, cô là một trong 5 giáo viên được nhà trường phân công dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên.

Giáo viên dạy Hóa nhưng phải dạy cả Lý và Sinh nên theo cô Hương, các thầy cô trong tổ bộ môn đều rất vất vả. Với các nội dung khó, ngoài việc cùng nhau trao đổi, đưa ra phương án giảng dạy, các thầy cô phải tự tìm nguồn tài liệu hướng dẫn giảng dạy từ trên mạng hay các nhà sách.

Giáo viên cốt cán vẫn quá tải

Để triển khai thực hiện hiệu quả chương trình mới, 3 năm qua, Bộ GDĐT thông qua chương trình ETEP đã triển khai mô hình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT.

TS Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý chương trình ETEP cho biết, chương trình đã triển khai mô hình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý GDPT với nhiều điểm mới. Đó là mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ; kết hợp trực tiếp với trực tuyến; biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng có sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt, từ đó xây dựng cộng đồng học tập tại nhà trường. Đây cũng là giải pháp nâng cao vai trò, gắn kết trường sư phạm với trường phổ thông.

Tính đến ngày 18/11, cả nước có hơn 2,1 triệu lượt giáo viên và cán bộ quản lý GDPT hoàn thành các modul bồi dưỡng; 56/63 sở giáo dục và đào tạo triển khai cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT học tập, bồi dưỡng trên hệ thống LMS thực hiện chương trình GDPT mới. Hiện chương trình đã tổ chức bồi dưỡng được 4 modul trên tổng số 9 modul cho mỗi nhóm đối tượng ở ba cấp học.

Giờ học môn Tiếng Anh của cô và trò Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội).

Từ thực tế của trường, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo, giáo viên cốt cán, Trường Tiểu học Hương Cần, (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho biết, đây là lần đầu tiên những giáo viên miền núi được tham gia việc học với sự hỗ trợ của giáo viên sư phạm.

Hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến khá mới mẻ, khiến nhiều giáo viên lo lắng, các bài kiểm tra chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, theo cô Thảo, giáo viên đã lập ra nhóm chat để trao đổi trực tiếp, hướng dẫn các giáo viên, tạo nên nhiều nhóm giáo viên học tập ở mọi miền tổ quốc.

Dù chương trình bồi dưỡng có nhiều điểm mới, phù hợp với tình hình dịch Covid-19, song TS Đặng Văn Huấn cho biết, chương trình cũng gặp một số khó khăn khi có khoảng 8-10% tỷ lệ giáo viên phổ thông cốt cán hao hụt theo thời gian sau khi được bồi dưỡng các modul, do nghỉ thai sản, chuyển đổi vị trí công việc, nghỉ hưu...

Nhiều Sở GDĐT lựa chọn cốt cán chưa phủ hết các môn học, cấp học, nhiều học viên sau khi hoàn thành modul 1 lại không tiếp tục học modul 2, 3. Cơ cấu đội ngũ cốt cán chưa cân đối ở một số địa phương. Đặc biệt một số giáo viên phổ thông chỉ muốn chọn môn chính, không muốn lựa chọn học các môn kiêm nhiệm như hoạt động trải nghiệm. Điều này dẫn đến một số giáo viên cốt cán quá tải, phải hướng dẫn 100 giáo viên đại trà, trong khi yêu cầu 1 giáo viên cốt cán chỉ hỗ trợ khoảng 30 giáo viên đại trà.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, GS.TS Phạm Tất Dong nêu quan điểm, muốn hoạt động giáo dục hiệu quả thì trước mắt, Bộ GDĐT cần tập trung vào những vấn đề nóng bỏng mà đội ngũ giáo viên cần giải quyết.

Năm học mới này, làm sao để dạy tốt, học tốt? Cái khó nhất hiện nay là giáo viên sử dụng công nghệ trong dạy học trực tuyến. Việc này đòi hỏi giáo viên phải được tập huấn công phu, nhiều ngày, có chuyên gia công nghệ hướng dẫn. Bồi dưỡng giáo viên dạy trực tuyến tốt mới có được chất lượng trong giảng dạy, đảm bảo kết quả năm học, rồi mới bồi dưỡng việc khác. Đây là việc "nước sôi lửa bỏng".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình mới: Có chậm trễ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO